Lời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Thăng Thiên – Năm B (Chúa Nhật VII Phục Sinh)

0
1015

Bài Ðọc I: Cv 1, 1-11

“Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: “Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.

Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?” Người bảo họ rằng: “Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.

Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. – Ðáp.

2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa’ hãy ca mừng, ca mừng Vua ta! – Ðáp.

3) Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Ep 1, 17-23

“Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời”.

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 16, 15-20

“Ðang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời”.

Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa.

Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

CHÚA THĂNG THIÊN

Lm. Tôma Aq. Nguyễn Văn Bắc, SVD

Hằng năm chúng ta vẫn mừng Chúa Giêsu lên trời, vậy Chúa lên trời là Chúa ở đâu, trời như thế nào, Chúa về trời để làm gì?

Thông thường khi nghe hoặc nói đến trời, chúng ta thường liên tưởng đến ngay ở một nơi cao vời và ngay từ bé chúng ta cũng được dạy được nghe người khác nói trời là ở trên cao, trên đầu, nơi đầy ánh sáng huy hoàng. Và ngược hoả ngục hay luyện ngục là ở chốn sâu thẳm, tăm tối nào đó. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có lúc tự hỏi, trời ở đâu và ở đó như thế nào? Vậy trời có phải là nơi cao, ở trên đầu như chúng ta vẫn thường nghĩ như trên không? Không, thiên đàng hay hoả ngục không phải là nơi chốn, không phải là ở chỗ này hay chỗ kia, cũng không phải ở trên cao hay dưới đáy sâu, nhưng là một tình trạng.

Nếu chúng ta nói thiên đàng ở trên cao hay chỗ nào đó trên trời thì điều này chúng ta cũng giống như nhà du hành vụ trụ Liên Xô tên là Gagarin nghĩ tưởng. Gagarin nhà du hành vũ trụ người Liên Xô, nói như thế này: “Tôi đã lên tận chín tầng trời mà không thấy Thiên Chúa đâu cả”?

Một người vô thần, nhà khoa học biện chứng, cái gì cũng đòi phải chứng minh được, cái gì cũng đòi phải cân đo đong đếm, thì làm sao mà nhìn thấy được Thiên Chúa vô hình, làm sao mà có thể cân đo được Thiên Chúa. Ông nghĩ rằng nước trời ở một chỗ nào đó ở trên cao mà ông có thể đi đến, nhìn thấy, khám phá và đụng chạm được.

Ngược lại với Gagarin là nhà bác học nỗi lạc Isaac Newton. Khi quan sát các dải hành tinh và dải ngân hà ông đã reo lên: “Tôi đã thấy Thiên Chúa đi qua kính viễn vọng của tôi”. Đúng thế, vũ trụ bao la có hàng tỷ tỷ hành tinh, muôn vật, muôn loài, chúng luôn vận động không ngừng, chúng hoạt động trong trật tự một cách lạ lùng. Là người, ai cũng có thể nhận ra phải có ban tay của Đấng Tạo hóa (Thiên Chúa) xếp đặt. Sách giáo lý Giáo Hội Công giáo dạy các em nhỏ như thế này: Trăng sao quay, trái đất quay, vạn vật viễn chuyển vần xoay không ngừng.Tai sao trật tự lạ lùng, là do Chúa dựng mới thành bạn ơi!

Như vậy, thiên đàng không phải là một nơi chốn nhưng là một tình trạng. Trời hay thiên đàng là thời gian vô tận của tình yêu không bao giờ còn xa cách giữa Chúa và linh hồn. Được hiệp nhất với tất cả các thiên thần và các thánh, linh hồn được vui hưởng hạnh phúc luôn luôn ở gần Chúa, ở với Chúa.

Cũng thế, luyện ngục hay hoả ngục cũng là một tình trạng. Luyện ngục là tình trạng của những người chết trong ơn nghĩa Chúa, đã được cứu độ nhưng cần phải được thanh luyện trước khi họ có thể xem thấy Chúa mặt đối mặt:  như thế là họ phải tạm xa Chúa một thời gian. Còn hỏa ngục là nơi con người phải xa lìa Thiên Chúa vĩnh viễn, một nơi không có tình yêu của Thiên Chúa.

Có một hiệp sĩ Samurai kia rất hung bạo. Ông tìm đến một thiền sư hỏi: Xin cho tôi biết thiên đàng, hỏa ngục là gì. Vị thiền sư nhìn thấy con người thô bạo của anh thì nói: Ta không thể dạy cho ngươi biết thiên đàng hỏa ngục là gì, vì ngươi hung bạo quá. Ngươi làm nhục cho hàng ngũ hiệp sĩ của ngươi. Nghe vị thiền sư nói thế, chàng hiệp sĩ bừng bừng sát khí, rút gươm định chém vị thiền sư. Nhưng vị thiền sư đưa tay cản lại mà nói: “Hỏa ngục là đó”. Nhận được bài học thực tế của vị thiền sư, chàng hiệp sĩ dừng tay lại. Sự hối hận và thương cảm trào dâng trong tâm hồn y. Y hiểu rằng vị thiền sư đã dám hy sinh cả mạng sống để dạy cho y bài học về hỏa ngục. Y từ từ xỏ gươm vào vỏ, rồi quỳ gối trước mặt vị thiền sư với tất cả tấm lòng thành và tỏ ý sám hối. Vị thiền sư đưa tay đỡ y dậy, nhìn sâu vào đôi mắt y mà bảo: “Thiên đàng là thế đó”.

Vâng. chỉ có thiên đàng khi con người biết sống yêu thương hài hòa với nhau. Chỉ có thiên đàng khi con người biết cảm thông, tha thứ, phục vụ hy sinh quên mình vì người khác như lời Chúa dạy.

Vì thế, thiên đàng không phải trên chín tầng mây như Gagarin nói, nhưng là ở ngay trong lòng mỗi người, nếu như chúng ta sống yêu thương, vui vẻ. Thiên đàng cũng không phải nơi nào đó để Chúa Giêsu về, nhưng là Chúa ở đâu thì thiên đàng ở đó. Đâu có Chúa là đấy có thiên đàng. Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa trời. Lòng ai có Chúa là người ấy có thiên đàng.Gia đình nào có Chúa là gia đình đó có thiên đàng.

Chúa Giêsu về trời là để chuẩn bị chỗ ở cho chúng ta. Vì chính Chúa Giêsu đã nói với các tong đồ điều đó: “Thầy đi để dọn chỗ cho các con… để Thầy ở đâu, các con cũng ở đấy với Thầy” (Ga 14,2-3). Như thế, qua mầu nhiệm Chúa lên trời, Chúa muốn chúng ta hiểu rằng: Trời, mới chính là tương lai của con người, tương lai của nhân loại. Vậy nên, Chúa về trời không phải để xa cách chúng ta, nhưng là ở gần chúng ta hơn mỗi khi chúng ta cầu xin Người. Khi còn sống ở dương gian này, Chúa Giêsu bị hạn chế vào không gian và thời gian, Ngài có ở đây thì không có ở kia, và ngược lại… Như thế, cuộc ra đi của Chúa Giêsu là điều thật cần thiết. Sự ra đi của Chúa Giêsu chấm dứt cách thế hiện diện hữu hình và mở ra một thế giới mới, thế giới phổ quát. Một sự hiện diện sâu xa và luôn luôn: “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến ngày tận thế” (Mt 28,20).

Chúa Giêsu lên trời đểcầu bầu cùng Chúa Cha cho chúng ta, và Ngài lên trời để trao quyền cho Giáo Hội tiếp tục chương trình truyền giáo của Ngài: “Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Anh sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Chúa Giêsu lên trời mở ra giai đoạn thừa sai của Giáo Hội. Các tông đồ đã không ngừng lên đường đi đến mọi chân trời góc biển để làm chứng cho Chúa Kitô.

Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta hãy trở thành môn đệ của Ngài và làm chứng cho Ngài giữa một thế giới đầy náo động này.

 

Bài trướcCông nghị Hồng Y tuyên thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero
Bài tiếp theoPhục Sinh – Tuần VII – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.