Lời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa – Năm B

0
641

Bài Ðọc I: Is 42, 1-4. 6-7

“Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.

Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10

Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).

Xướng: 1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. – Ðáp.

2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. – Ðáp.

3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Cv 10, 34-38

“Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Mc 9, 7

Alleluia, alleluia! – Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 6b-11

“Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.”

Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Ðó là lời Chúa.

BÀI GIẢNG CHỦ ĐỀ:

 


SỐNG ĐẸP LÒNG THIÊN CHÚA (Phaolô Trần Khắc Công, SVD)

 

Đối với người Kitô hữu chúng ta, ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội đánh dấu một cột mốc quan trọng: ngày khai sinh chúng ta vào một cuộc sống mới: cuộc sống làm con Thiên Chúa. Từ nay giữa chúng ta với Thiên Chúa hình thành nên một mối tương quan mới: tương quan phụ tử thân tình thắm thiết. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã đón nhận chúng ta thành dưỡng tử của Người, cho chúng ta được sống trong tình phụ tử, được quyền thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời trong cuộc sống mai sau. Vậy để đáp lại tình yêu thương đó của Thiên Chúa, chúng ta cũng cần có một lối sống mới, lối sống đẹp lòng Thiên Chúa, xứng đáng là con của Người. Vậy làm sao để sống được lối sống đó? Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giải đáp cho chúng ta về vấn đề đó.

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa. Cả ba bài đọc ngày hôm nay đều chỉ ra cho chúng ta những đường lối để sống đẹp lòng Thiên Chúa.

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia đã công bố cho dân biết về một thời đại mới mà Đức Chúa sẽ dành cho họ. Đó là thời đại mà dân sẽ được sống trong sự sung túc đầy đủ, được thưởng thức cao lương mỹ vị, được sống, được vinh hiển, được xót thương, một cuộc sống sẽ đâm chồi nẩy lộc, sinh hoa kết trái. Thế nhưng để có được một cuộc sống như thế, dân phải biết sống với những gì Thiên Chúa đòi hỏi: biết lắng tai nghe, biết tìm kiếm, kêu cầu Đức Chúa, biết đón nhận Lời của Người.

Trong bài đọc thứ hai, thánh Gioan lại nhấn mạnh về thái độ tin vào Đức Giêsu Kitô. Chính niềm tin mạnh mẽ rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa sẽ đảm bảo cho chúng ta được Thiên Chúa sinh ra và nhờ đó mới có khả năng để chiến thắng thế gian.

Còn trong bài Tin Mừng, Thiên Chúa không nói trực tiếp với chúng ta, nhưng là nói qua Con của Người. Từ đó Thiên Chúa muốn chúng ta hãy bắt chước Con của Người để sống đẹp lòng Người.

Trước khi bước vào sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã đến xin thánh Gioan làm Phép Rửa cho mình trên dòng sông Giođan. Tin Mừng thuật lại rằng sau khi Chúa Giêsu từ dưới nước lên, thì có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 7,11). Lời đó muốn nói lên rằng các việc làm của Chúa Giêsu là đẹp lòng Chúa Cha, phù hợp với thánh ý của Chúa Cha. Trong Phép Rửa của Chúa Giêsu, có những hành động mang tính tiên trưng, báo trước cho những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Khi Chúa Giêsu lãnh Phép Rửa, Người đã phải dìm mình xuống dòng sông Giođan. Việc dìm xuống đó tiên báo cho cái chết của Người ở trong Cuộc Thương Khó. Rồi sau khi đã lãnh Phép Rửa, Chúa Giêsu từ dưới nước đi lên. Việc đi lên đó tiên báo cho sự phục sinh của Người. Như thế, phép rửa trên dòng sông Giođan tiên báo rằng trong sứ vụ sắp tới, Chúa Giêsu sẽ phải trải qua đau khổ, qua cái chết. Nhưng sau đó Người sẽ được phục sinh. Đó là một hành trình đẹp lòng Chúa Cha: “Cha hài lòng về Con”.

Quả thật, hành trình trong sứ vụ công khai của Chúa Giêsu sau đó, nhất là qua Cuộc Thương Khó, đã chứng thực cho tất cả những gì được tiên báo nơi Phép Rửa tại sông Giođan. Người đã phải bước vào cuộc khổ nạn, chịu đánh đòn, chịu vác thập giá, và cuối cùng chịu đóng đinh trên cây thập giá. Bước đi trên con đường khổ giá để chu toàn sứ vụ là phù hợp với thánh ý Chúa Cha. Nhưng con đường đó còn có giá trị hơn, còn làm đẹp lòng Chúa Cha hơn nữa khi Chúa Giêsu đã biết bước đi trong sự tự nguyện và vâng phục. Dù có những lúc tưởng chừng như Chúa Giêsu không thể vượt qua: Người đã cảm thấy sợ hãi, xao xuyến đến mức đã xin Chúa Cha cất chén đắng cho mình…nhưng với tất cả sự vâng phục và tín thác, Người đã đón nhận tất cả những gì xảy đến cho mình: “xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Với sự vâng phục để bước đi trên con đường khổ giá đó, Chúa Giêsu đã được Chúa Cha tôn vinh khi cho Người sống lại. Đó chính là dấu chỉ cho thấy Người làm đẹp lòng Chúa Cha, làm hài lòng thánh ý Chúa Cha.

Là những Kitô hữu, khi chúng ta được tháp nhập vào gia đình của Hội Thánh, được trở nên con cái Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi sống đẹp lòng Người. Việc sống đẹp lòng Thiên Chúa có thể bằng cách đón nhận và lắng nghe lời của Người như trong bài đọc thứ nhất, hoặc có thể là thái độ tin vào Đức Kitô Giêsu như trong bài đọc thứ hai. Nhưng quan trọng hơn hết, đó là chúng ta biết bước theo Đức Giêsu trên con đường mà ngày xưa Người đã đi. Việc trở nên con cái Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội mời gọi chúng ta bước đi trên một con đường mới. Con đường đó không phải là con đường mà thế gian vẫn thường đi qua, những con đường rộng rãi thênh thang, những con đường của tiện nghi thoải mái… Con đường mà người Kitô hữu chúng ta bước đi, đó là con đường của gai góc, gồ ghề, con đường của đau khổ, thập giá. Chỉ có con đường đó mới dẫn đưa chúng ta đến với vinh quang. Bước đi trên con đường đó là chúng ta đang thuận theo thánh ý của Chúa Cha, làm đẹp lòng Chúa Cha. Thế nhưng để đi trọn con đường đó không bao giờ là một điều dễ dàng đối với chúng ta. Chúng ta vốn là những con người mỏng dòn yếu đuối, thường bị cám dỗ để đi trên những nẻo đường nhẹ nhàng thoải mái. Thế nên để đi được trên con đường mà ngày xưa Chúa Giêsu đã đi, chúng ta cần có một nguồn sức mạnh để nâng đỡ phù trợ chúng ta.

Nguồn sức mạnh đó không là ai khác ngoài Chúa Thánh Thần. Chính Người sẽ ban sức mạnh để thúc đẩy và giúp chúng ta đi trên con đường đó. Trong biến cố chịu phép rửa, ta thấy khi Chúa Giêsu từ dưới nước đi lên, Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu đã ngự xuống trên Người. Đó là dấu chỉ cho thấy Chúa Thánh Thần sẽ đồng hành và hướng dẫn Chúa Giêsu trong suốt sứ vụ của Người. Nhờ sự hướng dẫn và nâng đỡ của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã đi trọn con đường đầy đầy khó khăn, chông gai của mình. Cũng thế, trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu chúng ta cũng đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ ngự trị và đồng hành với chúng ta trong đời sống Kitô hữu của mình, giúp chúng ta có sức mạnh để vượt thắng được những cám dỗ và đi đúng trên con đường của mình.

Mừng lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa hôm nay, mỗi người chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những hồng ân mà Người đã ban qua bí tích Rửa Tội. Nhờ bí tích đó chúng ta đã trở nên con cái của Người, đã được sống trong tình phụ tử thân ái với Người. Ý thức về tư cách con cái của mình, mỗi chúng ta hãy cố gắng sống sao cho xứng đáng với phận vị đó. Sống trong tâm tình luôn biết lắng nghe và đón nhận lời của Thiên Chúa, tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, và nhất là biết bước đi trên con đường mà Chúa Giêsu ngày xưa đã đi, đó là chúng ta đang sống đẹp lòng Thiên Chúa. Hãy sống sao để lúc nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nghe được tiếng của Chúa Cha đang nói với ta: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con”. Amen.


PHÉP RỬA: SÁM HỐI –HIỆP THÔNG – SỨ VỤ (Lm. G.B Nguyễn Hữu Duy, SVD )

Hôm nay Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Phép rửa Chúa Giêsu chịu bởi tay Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan đặt ra nhiều khúc mắc: Tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa khi Người là Đấng chẳng hề phạm tội? Vậy phép rửa của Chúa Giêsu có nghĩa thế nào? Gioan loan báo một đấng mạnh thế hơn đang đến sau, Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Vậy phép rửa trong Thánh Thần có nghĩa là gì? Những bài đọc Lời Chúa hôm nay giúp giải đápnhững khúc mắc trên đây.

1/ Phép rửa của Gioan Tẩy Giả – dấu chỉ sám hối

Tin Mừng Máccô mở đầu Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô bằng việc giới thiệu Gioan Tẩy Giả. Trong vùng hoang địa vắng lặng bỗng xuất hiện một con người khắc khổ, khó nghèo, say mê rao giảng và kêu gọi người ta chịu phép rửa. Lòng đạo hạnh, cuộc sống đơn sơ và lời rao giảng hùng hồn của ông thu hút nhiều người đến với ông để thú tội và lãnh nhận phép rửa (Mc 1,4-6).

Phép rửa qua tay Gioan Tẩy Giả là phép rửa kêu gọi người ta ăn năn sám hối để được ơn tha tội. Đến với phép rửa của Gioan, người ta được mời gọi sám hối, cố gắng phản tỉnh và nhận ra những thiếu sót, những sai trái trong lối suy nghĩ, trong cách sống. Phép rửa sám hối của Gioan thôi thúc người ta thanh luyện tâm hồn, nhận ra sự đổ vỡ trong mối tương giao thân tình với Thiên Chúa để biết quay về vớiNgài, Đấng đang chờ đợi để ban ơn tha thứ và bình an. Sự tha thứ của Thiên Chúa chỉ đến sau hành động sám hối của con người.

Sám hối theo lời kêu mời của Gioan Tẩy Giả là một nỗ lực từ phía con người. Đó là lời gọi mời nhìn nhận những giới hạn của phận người để biết quay đầu mà trở về với Thiên Chúa tình thương.Dù sựcố gắng của con người thường có những giới hạn vì xét cho cùng, con người vốn mang nơi mình sự bất toàn và mong manh, nên dễ thất bại trong nỗ lực cá nhân trên con đường trở về, nhưng sự nỗ lực từ phía con người qua hành động sám hối là bước cần thiết để con người được hiệp thông với Thiên Chúa.

2/ Phép rửa của Chúa Giêsu – dấu chỉ hiệp thông

Như bao nhiêu người khác, Chúa Giêsu cũng bước xuống dòng sông Giođan để lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả (Mc 1,9), dù ông Gioan đã tìm cách từ chối (Mt 3,14-15). Đức Giêsu đã thật sự bước xuống dòng sông của nhân loại, hòa cùng dòng người nối đuôi nhau nhận phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, dù Người không có tội để phải sám hối ăn năn. Người bước xuống để hiểu, để cảm thông, để chia sẻ phận người thấp hèn, yếu đuối. Qua phép rửa Người chịu bởi tay Gioan tại sông Giođan, Người đã thật sự chạm đến phận người tội lụy.

Sau khi bước xuống để gặp gỡ và chia sẻ phận người thấp hèn, Chúa Giêsu lại bước lên khỏi nước; hành động bước xuống lòng sông Giođan chịu phép rửa để rồi từ đó đi lên của Chúa Giêsu đã làm nên điều kỳ diệu. Tác giả Máccô thuật lại: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình (Mc 1,10). Các tầng trời như xé ra trước hành động bước lên của Chúa Giêsu. Một khi các tầng trời xé ra thì sự ngăn cách trời đất không còn nữa, khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người bị xóa bỏ. Giờ đây Chúa Giêsu trở nên điểm gặp gỡ giữa đất và trời, giữa con người tội lụy và Thiên Chúa cao sang. Qua phép rửa, Chúa Giêsu đã bước xuống để kéo con người lên cùng Thiên Chúa. Nhờ phép rửa của Chúa Giêsu, con người được hiệp thông với Thiên Chúa.

Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu chính là dấu chỉ rõ ràng của ơn hiệp thông đó qua trung gian của Đức Giêsu. Thiên Chúa ban Thánh Thần xuống trên Chúa Giêsu để qua Người, con người nhận được ân sủng Thánh Thần, ơn hiệp thông với chính Thiên Chúa và hiệp thông với nhau. Phép rửa của Chúa Giêsu đượcchứng thực bởi chính lời của Chúa Cha rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”(Mc 1,11). Chính Chúa Cha xác nhận và hài lòng về một thời đại mới được khai mạc qua phép rửa của Chúa Giêsu và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần, nhờ đó con người cũng được làm con của Thiên Chúa.

3/ Phép rửatrong Thánh Thần – chia sẻ sứ vụ của Chúa Giêsu

Gioan Tẩy Giả loan báo về một đấng mạnh thế hơn sẽ đến sau, Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Thế nào là phép rửa trong Thánh Thần? Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta đôi điều soi sáng.

Trong bài đọc một, ngôn sứ Isaia công bố việc Thiên Chúa ban thần khí trên người tôi trung và sai đi làm sáng tỏ công lý trước mặt muôn dân bằng tình thương (Is 42,1-3), làm ánh sáng cho họ để mở mắt cho những ai mù loà,đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ,dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42,7). Còn bài đọc hai trích từ sách Công vụ Tông đồ lại mô tả Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa “dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong”, để“đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người (Cv 10,38). Như thế, phép rửa trong Thánh Thần là phép rửa đến từ Thiên Chúa, được thực hiện nhờ quyền năng và ân sủng của Ngài ban qua Thánh Thần. Phép rửa trong Thánh Thần biến người nhận lãnh thành sứ giả thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Để mở đầu sứ vụ công khai, chính Đức Giêsu nhận lấy Thánh Thần để trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa. Với ơn Thánh Thần và quyền năng Thiên Chúa ở cùng, Người ra đi rao giảng (Mc 1,14.21.38-39),mang lại ánh sáng, ơn giải thoát và chữa lành cho những ai đang bị xiềng xích và tội lỗi đè nặng (Mc 1,21-34).Mọi nơi Người đi qua đều ghi dấu ấn ân sủng và tình thương của Người cho người đau yếu, bệnh tật (Mc 2,1-12; 3,1-5), cho kẻ tội lỗi (Mc 2,13-17), cho những người khát khao tìm kiếm Người (Mc 3,7-12).

Khởi đi từ phép rửa tại sông Giođan, Đức Giêsu khai mạc một thời đại mới, thời đại của Tân Ước, thời đại của ân sủng Thiên Chúa ban qua Thánh Thần. Những ai đón nhận giáo huấn của Đức Giêsu, tin vào Người và lãnh nhận phép rửa trong Thánh Thần, đều được mời gọi bước đi trên con đường mà Đức Giêsu đã đi qua: rao giảng Nước Trời, can đảm làm chứng cho Chúa (Mc 13,11), và xoa dịu nỗi đau của những người bất hạnh bằng tình thương của Thiên Chúa. Như vậy, đón nhận phép rửa trong Thánh Thần chính là được chia sẻ chính sứ vụ của Chúa Giêsu.

Kết

Máccô khai mạc “Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1) bằng việc giới thiệu Gioan Tẩy Giả và việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Chúa Giêsu chịu phép rửa thật là Tin Mừng cho nhân loại. Để đón nhận Tin Mừng, con người cần sám hối (Mc 1,15) qua phép rửa của Gioan. Tin Mừng lớn lao hơn là khi con người thậtsự được hiệp thông và chia sẻ chức vị làm con Thiên Chúa qua phép rửa của Chúa Giêsu. Như Đức Giêsu đã nhận lãnh Thánh Thần để trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa, những ai chịu phép rửa trong Thánh Thần cũng được mời gọi chia sẻ sứ vụ của Chúa Giêsu, làm chứng cho Nước Thiên Chúa ở trần gian này.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Lễ Chúa Hiển Linh)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Giêsu chịu phép rửa, năm B)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây