Lời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Ba Ngôi (Thường Niên – Tuần 8 – Năm B)

0
578

Bài Ðọc I: Ðnl 4, 32-34. 39-40

“Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 6 và 9. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng: 1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Ngài làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. – Ðáp.

2) Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Ngài. Vì chính Ngài phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Ngài ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu. – Ðáp.

3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. – Ðáp.

4) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 8, 14-17

“Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba – lạy Cha!” Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Ðức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! – Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 28, 16-20

“Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

CHƯƠNG TRÌNH TÌNH YÊU

Lm. Phêrô Hoàng Hán, SVD

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm chính yếu trong niềm tin của người Kitô hữu. Tuy nhiên, đây lại là mầu nhiệm khó giải thích bằng những lý luận hoặc hình dung theo ngôn ngữ của con người. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải là một sự hòa trộn tổng hợp của ba thành phần, mà là sự kết hợp tình yêu nhiệm mầu của Ngôi vị Thiên Chúa. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo cho chúng ta biết về Ba Ngôi Thiên Chúa: Ngôi Nhất là Cha, Đấng dựng nên ta; Ngôi Hai là Con, Đấng cứu chuộc ta; Ngôi Ba là Thánh Thần, Đấng thánh hóa ta. Còn theo thần học về Ba Ngôi thì Chúa Cha là Đấng khởi xướng tình yêu; Chúa Con là tình yêu xuất phát từ Chúa Cha, Chúa Thánh Thần là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Kinh Thánh giúp chúng ta thấy rõ hơn về tình yêu của Chúa Cha đã hoạt động mạnh mẽ, liên tục trong vũ trụ và lịch sử thế giới. Bài đọc I, trích sách Đệ Nhị Luật cho chúng ta nhìn lại cả một lịch sử dài của dân tộc Ítraen. Qua đó, chúng ta nghiệm ra bàn tay quyền năng của Thiên Chúa là Cha yêu thương, chính Ngài là tác giả từ công trình tạo dựng đến công trình giải thoát, mà không một thần minh nào có thể làm được. Cũng chính  cánh tay hùng mạnh của Ngài đã dẫn đưa dân Ngài ra khỏi Ai Cập, bảo vệ họ khỏi bàn tay Pharaô. Trong sa mạc, Thiên Chúa lại lấy tình cha mà săn sóc giữ gìn đoàn dân là con cái của Ngài, dù nhiều lần chúng ngỗ nghịch phản bội, nhưng Ngài vẫn yêu thương, lại còn cam kết nhận họ làm dân riêng và chăm sóc họ bằng tình thương của một người cha, để dẫn đưa họ về miền đất hứa.

Tình yêu nhân loại của Chúa Cha không dừng lại ở đó, mà Ngài còn ban chính Con Một để cứu nhân loại khỏi phải chết đời đời. Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Xuất phát từ tình yêu của Chúa Cha mà Ngôi Hai là Đức Giêsu đã nhận lấy sứ vụ xuống thế làm người để cứu độ nhân loại. Đức Giêsu đã nhập thế để mang lấy thân phận tột cùng của con người. Người đã sống và làm chứng cho nhân loại biết về một tình yêu. Một tình yêu trao ban mà không chút giữ lại, một tình yêu mang trọn hết tội lỗi của con người, một tình yêu mà tột đỉnh của nó là cái chết trên thập tự giá. Để nhờ cái chết và sự Phục Sinh vinh hiển của Người mà nhân loại được ơn cứu độ. Quả thật, một tình yêu vượt trên mọi tình yêu.

Tình yêu Thiên Chúa còn được thể hiện qua việc Ngài ban Chúa Thánh Thần là sức mạnh, là tình yêu của Ngài cho nhân loại. Chính nhờ Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta mới có thể sống đúng với tư cách làm con Thiên Chúa; nhờ Thánh Thần soi sáng, chúng ta mới có thể nhận biết và tuyên xưng Thiên Chúa là Cha. Thánh Thần cũng giúp chúng ta sống theo gương mẫu của Người Con là Đức Giêsu, vì chỉ khi sống như Đức Giêsu chúng ta mới xứng đáng gọi Thiên Chúa là Cha của mình. Chính Đức

Giêsu cũng đã nhiều lần nhấn mạnh cho chúng ta biết về vai trò của Chúa Thánh Thần. Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng mà chúng ta hiểu được những gì Chúa Giêsu đã dạy. Thánh Thần còn là Đấng Bảo Trợ cho mỗi người chúng ta trước tòa Thiên Chúa, là ngọn lửa yêu mến bừng cháy giúp chúng ta thêm lòng yêu mến, là Thần Chân Lý dẫn chúng ta trên con đường sự thật, và chắc chắn Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong Chúa Giêsu như thế nào, thì Ngài cũng hoạt động và hướng dẫn những người tin vào Chúa Giêsu như vậy.

Vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi Tình yêu nên chúng ta cũng được mời gọi sống tình yêu thương như Thiên Chúa. Chính vì chúng ta giống Thiên Chúa ở khả năng yêu thương nên càng yêu thương, chúng ta càng giống Thiên Chúa.

Muốn được như vậy, mỗi người chúng ta nên xây dựng gia đình mình thành một gia đình thánh thiện, hiệp nhất và yêu thương noi theo Ba Ngôi Thiên Chúa. Từng thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm. Cụ thể, bậc làm cha mẹ, hãy thể hiện tình cha tình mẹ với con cái bằng tình yêu thương, sự chăm sóc và giáo dục con cái khôn lớn nên người, nhất là nên con cái Chúa. Bậc làm con, chúng ta nên noi gương Người Con là Đức Giêsu, luôn yêu mến và vâng lời cha mẹ. Chung quy lại, mỗi thành viên nên làm sao cho gia đình mình thực sự trở thành một tổ ấm đầy tình yêu thương và hạnh phúc, để nơi đó, mỗi người được yêu thương, cảm thông và nâng đỡ. Sống và thực hành như thế là chúng ta đang tô đậm hình ảnh Chúa Chúa Ba Ngôi ngay trong gia đình và trong đời sống của chúng ta.

Ước gì mỗi lần tuyên xưng đức tin chúng ta biết đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa Ba Ngôi, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc và bình an ngay ở đời này và đời sau. Điều này được khẳng định với chúng ta trong thư Hípri: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Hr 11,1).

 

Bài trướcƠn Toàn Xá cho những ai tham dự hay hiệp thông trong lời cầu nguyện với Đại Hội Gia đình Thế giới tại Dublin
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần VIII – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây