Lời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm C

0
791

Bài Ðọc I: Cn 8, 22-31

“Khi địa cầu chưa sinh nở, sự khôn ngoan đã được sinh thành”.

Trích sách Châm Ngôn.

Ðây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: “Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao, trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi. Khi Người chưa tạo tác địa cầu, đồng ruộng, cũng chưa tạo nên hạt bụi đầu tiên của cõi trần ai. Khi Người xếp đặt muôn cõi trời, có ta ở đó, khi Người vạch ra vòng đai trên mặt vực sâu, khi Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa, và những suối nước tự vực sâu vọt lên mạnh mẽ, khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng có vượt quá cõi bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc ở sát bên Người. Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng, luôn luôn nhàn du ở trước nhan Người. Ta nhàn du trên quả địa cầu, và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài người”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 8, 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).

Xướng: 1) Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? – Ðáp.

2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang; Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. – Ðáp.

3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 5, 1-5

“Thánh Thần ban cho chúng ta lòng mến Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được bình an trong Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Ðấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! – Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 16, 12-15

“Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

HIỆP THÔNG ĐỂ THÔNG BAN (Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Nhiệm, SVD)

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là dịp cho mọi người Kitô hữu dâng lời cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha là cội nguồn sự sống của con người; Người sáng tạo con người theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa Con là Đấng cứu độ con người; Người tự hạ xuống thế làm người, chịu chết trên thập giá, mai táng và sau ba ngày được phục sinh. Chúa Thánh Thần là Đấng nối tiếp công việc của Chúa Con; Người ban ơn giúp con người có khả năng trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện.

Kinh Thánh mạc khải về Chúa Ba Ngôi đều mang chiều kích hiệp thông giữa ba ngôi vị. Sự thông hiệp thánh thiện này để con người được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa. Hiến Pháp Dòng Ngôi Lời số 301 xác tín: “Ba Ngôi Thiên Chúa là cội nguồn, là nguyên mẫu và là sự hoàn thiện của mọi cộng đoàn nhân loại”.

Sách Sáng Thế Ký, chương thứ nhất nói về việc Thiên Chúa tạo dựng trời đất, tinh tú muôn loài, trong đó con người được mang hình ảnh của Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của Ngài. Đây là một ân ban quý giá nhất Thiên Chúa ban tặng cho con người. Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26).

Khởi đầu Tin Mừng, thánh Gioan khẳng định: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1), và “Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành” (Ga 1,3). Trong đó, con người chiếm một vị thế độc tôn, vượt xa trên mọi loài, chỉ thua kém Thiên Thần (x. Tv 8). Bởi “họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do Thiên Chúa” (Ga 1,13).

Trước khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đến sông Giođan gặp Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự xuống trên Người. Và có tiếng từ trời phán: đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Thánh Thần ngự xuống và phủ lấy Đức Giêsu là nguồn trợ lực để Người thi hành sứ vụ. Tiếng tuyên dương của Chúa Cha như là lời mở đầu sứ vụ cứu độ nhân loại của Chúa Con. Con người nhận lãnh ơn cứu độ, đồng nghĩa con người được tái tạo trong tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa. Nói cách khác, nhờ Mầu Nhiệm Thập Giá và sự Phục Sinh của Đức Giêsu, con người được sống đời sống mới bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Thế nên, Đức Giêsu mạc khải về Chúa Thánh Thần: “Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con” (Ga 16,15).

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi tham dự vào chiều kính hiệp thông của cộng đoàn Chúa Ba Ngôi. Những lời trăn trối cuối cùng của Đức Giêsu dành cho các môn đệ không gì hơn là Người muốn các môn đệ thuộc về mình. Người nói: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9), “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Bởi vậy, tính hiệp thông giữa cộng đoàn Kitô hữu, đặc biệt là cộng đoàn tu trì được hiểu trong hai chiều kích căn bản sau đây:

Một cộng đoàn hiệp thông trong các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ cộng đoàn đang ở lại trong Đức Giêsu. Điều này mời gọi mỗi thành viên nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu ngay trong thực tại trần thế và cùng nhau hướng mầu nhiệm cánh chung.

Một cộng đoàn hiệp thông trong sứ vụ. Tính hiệp thông này giúp mỗi thành viên thấy được hình ảnh của Thiên Chúa hiện diện trong anh chị em của mình. Như vậy, đây cũng là mời gọi mỗi thành viên trung thành thực thi lệnh truyền của Đức Giêsu là yêu thương nhau và loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

Gẫm mà xem! Đức Giêsu loan báo Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa, với một tấm lòng bao dung tha thứ, “đi tới đâu thì Người thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10,38), nhưng Người vẫn bị kết án tử bởi tính hơn thua của con người.

Chúng ta đang cổ suý sống tinh thần hiệp thông trong đời sống cộng đoàn theo gương mẫu của Cộng Đoàn Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, một thực tế cộng đoàn thường phải đối diện vì phải “ra chỗ nước sâu để thả lưới” nên gặp nhiều sóng gió, là hình bóng của thập giá.

Kinh nghiệm thiêng liêng cho chúng ta thấy bóng tối không chấp nhận ánh sáng; gian ác cũng không thể tiếp nhận được sự thánh thiện. Bởi đó, ai sống yêu thương, hận thù sẽ bao quanh; ai sống tinh thần hiệp nhất, sự chia rẽ luôn rình chờ; ai sống niềm cậy trông và hy vọng, khổ đau đang bủa vây; ai sống trong tinh thần phục vụ, sự đố kỵ và hơn thua sẽ xuất hiện… Bởi đó, lời xác tín của thánh Phaolô trong bài đọc hai hôm nay là niềm khích lệ cho mỗi người chúng ta trong tinh thần hiệp nhất và phục vụ. Thánh nhân nói: “Biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Ðấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta” (Rm 5,4-5).

Tôi xin được lấy gương sáng của Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận để chúng ta hiểu thêm tính thách đố của đời sống chứng nhân cho niềm tin. Đức Hồng Y đã ở tù mười ba năm, trong đó có tới tám năm biệt giam. Vậy, còn đâu là con đường hy vọng của niềm tin như ngài từng sống? Nhưng ngài đã vượt qua tất cả; biến nhà tù thành lớp học, biến những người canh tù đầy ác cảm thành những người đầy thiện cảm. Chưa hết, trong phòng giam chật hẹp ngài đã “sinh ra” những cuốn sách về tình yêu và niềm hy vọng; hàng ngày ngài cử hành thánh lễ với mẫu bánh nhỏ, ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay. Thật phi thường nơi một con người sống niềm tin, tín thác vào sự thánh thiện và quan phòng của Thiên Chúa.

Nhìn vào thực tế trong từng hoàn cảnh và địa vị sống của mỗi người chúng ta hôm nay, chúng ta vẫn luôn xin và xác tín rằng chúng ta bước theo con đường thập giá của Đức Giêsu. Chắc chắn nhiều thách đố vẫn còn đó. Không gì hơn là chúng ta xin ơn của Chúa Ba Ngôi tiếp sức cho mỗi người chúng ta sống trung thành với ơn gọi của mình. Amen.

——————————–

THIÊN CHÚA CỦA ĐỨC TIN KITÔ GIÁO (Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD)

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là một trong những lễ trọng nhất trong Năm Phụng Vụ. Bởi lẽ, mầu nhiệm một Thiên Chúa, Ba Ngôi Vị: Cha – Con – Thánh Thần là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo.

Thật thế, đây là điều căn bản để phân biệt Thiên Chúa của đức tin Kitô Giáo với những niềm tin vào một Đấng Tuyệt Đối của các tôn giáo độc thần khác. Chẳng hạn, Do Thái giáo và Hồi giáo đều tin vào một Đấng Tuyệt Đối, duy nhất. Với người Công Giáo, đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa có điểm tương đồng với hai tôn giáo kể trên, nhưng lại hàm chứa điều khác biệt rất lớn. Đó là chúng ta tin vào một Thiên Chúa Duy nhất, nhưng nơi Người có Ba Ngôi Vị phân biệt. Ba Ngôi Thiên Chúa đã có từ đời đời. Ngôi Cha là Đấng dựng nên trời đất vạn vật và thông ban sự sống cho muôn loài; Ngôi Con, với tình yêu tự hiến, đã nhập thể làm người để cứu độ muôn người khỏi tội lỗi; sau cùng, Thánh Thần tình yêu là Đấng hướng dẫn và thánh hóa con người. Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi ngang bằng nhau vì cùng chia sẻ một phẩm tính thần linh tối cao.

Qui chiếu vào bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ hiểu phần nào mầu nhiệm cao trọng này. Để giải đáp thắc mắc của các môn đệ và cũng là để mạc khải về Chúa Cha, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16,15). Điều đó có nghĩa là mọi vinh quang và danh dự, mọi nguyền năng của Chúa Cha đều có nơi Chúa Con và thuộc về Chúa Con. Hơn nữa, lần giở lại những chương trước của Tin Mừng Gioan, chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha”(Ga 10,38). Như vậy, Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và có cùng bản tính với Chúa Cha.

Kế đến, khi tin Thiên Chúa là Đấng tốt lành tuyệt đối, nghĩa là nơi Người có đầy đủ mọi vinh quang mà không có bất kì một khiếm khuyết nào, chúng ta có thể kín múc, được thông phần vào vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa. Vì lẽ rằng, chúng ta hiệp thông vào vinh quang của Thiên Chúa chứ không làm cho Người cao trọng và hoàn thiện hơn. Đấng có thể làm cho Chúa Giêsu đuợc tôn vinh ắt hẳn cũng là Thiên Chúa. Và Tin Mừng lại mở ra cho ta thấy Đấng ấy chính là Thần Chân Lý – Tức Thánh Thần, Người sẽ tôn vinh Thầy (x. Ga 16,14). Như vậy, Thánh Thần – Thần Chân Lý cũng chính là Thiên Chúa. Tóm lại, nhờ ân ban của đức tin mà chúng ta biết Thiên Chúa chúng ta thờ là Một Thiên Chúa duy nhất với Ba Ngôi vị riêng biệt: Cha – Con và Thánh Thần.

Tiếp theo, chúng ta cùng tìm hiểu lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16,12). Lời này có nghĩa là gì? Câu này được nói trong bối cảnh Chúa Giêsu đang chuẩn bị cho các môn đệ đối diện với điều Chúa phải trải qua trong “giờ của Người”. Mà “giờ của Người” trong Tin Mừng Gioan có nghĩa là giờ Người phải thực thi thánh ý của Chúa Cha, chịu đau khổ, chịu sỉ nhục và sau cùng hy sinh chính mạng sống làm giá chuộc muôn người[1]. Các môn đệ sau một thời gian được nghe Thầy giảng dạy, và ít nhiều cũng đã được Thầy tiên báo về con đường thập giá, nhưng các ông vẫn chưa thể hiểu hết được thánh ý Chúa Cha đối với Thầy của mình. Thế nên, các ông vẫn còn hy vọng vào một viễn cảnh đầy tươi sáng khi “giờ của Thầy” đến. Họ hy vọng rằng biết đâu sẽ được ngồi bên hữu, bên tả của Thầy trong vinh quang gắn liền với quyền lực thế trần. Nhưng vinh quang của Chúa lại trái ngược hoàn toàn với não trạng của các môn đệ khi đó. Vinh quang ấy gắn liền với thập giá. Chúa Giêsu biết các môn đệ không có sức để chịu được sự thật phũ phàng đó. Chỉ Thánh Thần mới giúp họ hiểu được mầu nhiệm về Thầy. Khi Thánh Thần được sai đến, Người mới dẫn các ông tới sự thật trọn vẹn. Sự thật về con đường khổ giá và hy sinh của Thầy.

Thần Chân Lý mà Chúa Giêsu đang nói tới là một Đấng tuyệt đối trung tín và chính trực,  vì Người không nói bất kì điều gì sai sự thật: “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại” (Ga 16,13). Quả thế, trình thuật của Tin Mừng Gioan một lần nữa xác tín cho chúng ta rằng Thánh Thần là Thần Chân Lý. Ngài là sự thật và sẽ hướng dẫn chúng ta trong sự thật. Hơn nữa, từ xa xưa trong Cựu Ước, Thiên Chúa cũng được miêu tả là Đấng chính trực công minh: “Người là núi đá: sự nghiệp người hoàn hảo, vì mọi đường lối người đều thẳng ngay. Chúa tín thành không mảy may gian dối, Người quả là chính trực công minh” (Đnl 32,4).

Trong ngày mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta rút ra những điều cần thiết làm hành trang sống cho riêng mình trong cuộc đời hiện tại và trên hành trình trở về nhà Cha.

Thứ nhất, chúng ta học sống mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu ấy thể hiện sự hợp nhất tuyệt đối giữa Cha – Con – Thánh Thần, và được thể hiện qua tình yêu của Đức Giêsu với thế gian đến nỗi Người hiến dâng chính mạng sống mình để muôn người được sống. Ước mong sao các thành viên trong mỗi gia đình, trong mỗi cộng đoàn dám vượt ra khỏi vỏ bọc của sự an toàn để hướng về người khác, dám hy sinh để cho mọi người xung quanh được hạnh phúc hơn.

Kế đến, Chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần, Đấng là Thần Khí Sự Thật hướng dẫn chúng ta, để chúng ta cam đảm sống cho sự thật và làm chứng cho sự thật, vì sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32).

Và cuối cùng, chúng ta dám can đảm để Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tiếp nối sứ vụ của Người, để chúng ta ra đi loan báo cho muôn dân biết về một Thiên Chúa, Đấng đã tác tạo, cứu chuộc muôn loài. Chúng ta can đảm đáp lại lời mời gọi của Thầy Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

Phải thú nhận rằng, với sự giới hạn của kiếp người, chúng ta thật khó để sống được cách trọn vẹn như Thiên Chúa mời gọi. Nhưng tin tưởng vào quyền năng của Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta dám cầu xin để chúng ta trở nên thực sự “trống không”, ngõ hầu ân sủng của Thiên Chúa đổ xuống chúng ta, hầu mong thế gian sẽ nhận thấy Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương và che chở con người.

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi hãy ngự đến, thánh hóa và ban ơn cho chúng ta.

[1] X. Francis J. Moloney, SDB, The Gospel of John, (Liturgical Press: Collegeville, Minnesota: 1998), tr. 322.

————————–

MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THIÊN CHÚA BA NGÔI (Lm. Phaolô Đậu Văn Pháp, SVD)

1. Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu

Không ai có thể dùng ngôn từ để giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho kẻ khác hiểu, như là trình bày một vấn nạn nào đó, vì đây là một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta.

Nhưng, chúng ta hãy bắt đầu bằng sự gợi ý qua dấu Thánh Giá mà chúng ta làm mỗi ngày, là dấu hiệu của người Kitô hữu để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, và nhờ đó mà chúng ta cảm nhận bằng đức tin vào mầu nhiệm lớn lao này.

Xin nhắc lại dấu Thánh Giá là lối tuyên xưng đức tin căn bản của Kitô hữu. Có những điều căn bản nhiều khi phải nhắc lại để tìm hiểu nguồn gốc của ý nghĩa lúc khởi đầu. Chúng ta bắt đầu mọi công việc bằng dấu Thánh Giá, bởi vì chúng ta tin rằng mọi công việc chúng ta thực hiện đều nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi chúng ta làm dấu, trước hết đặt tay lên trán để tôn vinh Thiên Chúa Cha, để tay trên ngực, là trái tim, là ca tụng tình yêu của Chúa Con, và tin tưởng vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi đặt tay trên hai vai.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu. Khi có người hỏi Đức Giêsu về giới răn quan trọng nhất thì Người đã trả lời: “Giới răn quan trọng nhất là yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực người” (Mt 22,36-38), là dấu hình Thánh Giá mà chúng ta vẽ trên thân mình khi tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật Kính Chúa Ba Ngôi hôm nay (Ga 16,12-15) nói về tác động tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Chúa Con sẽ loan báo những gì từ Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn, dạy dỗ chúng ta. Ba Ngôi đã thông truyền cho nhau một cách hoàn hảo và dâng hiến cho nhau một cách trọn vẹn.

2. Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi trao ban cho nhân loại

Chỉ có thánh Gioan Tông Đồ mới cảm nhận được mối tình lớn lao mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã hiến dâng cho nhân loại như thế nào, khi ngài viết: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9).

Chúa Con yêu thương nhân loại đến nỗi hiến mạng sống mình cho nhân loại như Chúa Giêsu nói: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của kẻ hiến mạng sống mình cho người mình yêu” (Ga 15,13). Chúa Giêsu đã yêu nhân loại và trao ban tất cả cho nhân loại, ngay cả cái sở hữu cuối cùng của Người là mạng sống, Người cũng cho hết. Chúa Giêsu chết vì yêu thương chúng ta như thế đó.

Còn Chúa Thánh Thần yêu thương nhân loại và đã đến ở luôn với loài người và hướng dẫn loài người đến chân lý vẹn toàn (Ga 16,18).

Chúa Thánh Thần tiếp tục công trình của Chúa Giêsu nơi trần gian này. Ngài sẽ đổi mới trần gian trong ánh sáng của Đấng Phục Sinh, và sẽ hướng dẫn chúng ta dần dần khám phá mầu nhiệm Đức Kitô. Đức Kitô là sự sống vĩnh cửu, là dòng sông mang sự sống không bao giờ ngừng chảy, và Chúa Thánh Thần là Đấng khơi nguồn cho dòng sông chảy đến khắp nơi trên thế giới và chảy vào nội tâm sâu xa của mỗi tâm hồn.

Thời đại hôm nay là thời đại của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần hướng dẫn lịch sử nhân loại. Ngài sẽ giúp ta nhận ra tội và phúc. Ngài sẽ dẫn dắt con người qua những vùng bóng tối. Đó là bóng tối của lầm lạc, của tội lỗi, nhưng mấy ai nhận ra được bàn tay vô hình của Chúa Thánh Thần đang đưa ra.

3. Sống mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm hiệp thông. Mỗi gia đình, giáo xứ và toàn thể dân Chúa nếu không có Thiên Chúa hiện diện, không có sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là một cộng đoàn của sự chết. Không có Chúa là hỏa ngục, là sự chết. Ông Jean Paul Sartre đã cảm nghiệm được điều đó khi ông phát biểu một cách rất cay đắng: “Hỏa ngục là kẻ khác”.

Kẻ khác ở đây là người không yêu thương ta, hết yêu thương ta, không hiệp thông với ta, ghét ta và thù ta. Kẻ khác ở đây có thể bất cứ người nào, có khi là kẻ khác giống nòi, khác tôn giáo, khác ý thức hệ đã đành, nhưng ngay cả những người cùng nòi giống, cùng quê hương, cùng lý tưởng, cùng huyết thống mà lại trở nên khác nhau, hận thù nhau, ghét nhau, thậm chí vợ chồng nhiều khi trở thành hỏa ngục của nhau.

Ngày nay, nhân loại cũng đã ý thức hiểm hỏa của sự chia rẽ, thù nghịch, đối đầu… nên đã cố gắng tạo sự liên kết với nhau để duy trì và bảo vệ nhau, nên đã thành lập những tổ chức quốc tế: Hội Liên Hiệp Quốc, Cộng Đồng Chung Âu Châu, Liên Hiệp Các Nước Á – Phi, Khối các nước Asian… Ngay đến các nước không liên kết cũng đã liên kết với nhau để lập phong trào các nước phi liên kết. Nhưng các tổ chức đó lại luôn có những mâu thuẫn với nhau.

Chúng ta hãy đặt trọng tâm đời mình vào cái gì sâu xa hơn, bảo đảm và vĩnh cửu, đó là tình yêu, là kim chỉ nam của đời sống hiệp thông, như thánh Gioan đã viết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi là mẫu gương hiệp nhất, bền vững cho mọi gia đình, xứ đạo, quốc gia, Giáo Hội và cộng đồng nhân loại.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, năm C (Ga 16,12-15)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Lễ Chúa Ba Ngôi, năm C)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây