Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 7 Thường Niên – Năm C

0
354

Bài Ðọc I: 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23

“Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavít. Ban đêm Ðavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông.

Abisai liền nói với Ðavít rằng: “Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai”. Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say.

Ðavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: “Ðây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót. (c. 8a).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Ðáp.

2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Ðáp.

3) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. – Ðáp.

4) Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 45-49

“Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 27-38

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

HÃY YÊU KẺ THÙ

Lm. Phêrô Hán Duy Hạp, SVD

John Donne đã nói: “Không ai trong chúng ta là một hòn đảo, một thực thể hoàn chỉnh cả”. Câu nói trên muốn nói lên rằng, chúng ta sống trong xã hội này là sống chung, sống với. Mà đã là sống chung và sống với, thì con người phải có tương quan tốt với nhau. Có như thế, chúng ta mới tương trợ nhau, cùng nhau thăng tiến trong đời sống, đặc biệt là trong đời sống đức tin. Nhưng cứ theo lẽ thường của suy nghĩ con người, chúng ta sẽ sống có tình, sống tốt, đối xử tốt với những ai tốt với chúng ta. Những ai không tốt với chúng ta, ở mức độ bình thường chúng ta sẽ ghét họ, lánh xa họ. Ở một mức độ khác hơn, chúng ta không cần phải ghét họ nhưng cũng không cần tốt với họ. Có nghĩa là họ sống sao kệ họ, miễn sao mình sống tốt là được.

Thế mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay và cách riêng là trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lại đòi hỏi các môn đệ và tất cả chúng ta đi một bước xa hơn suy nghĩ thông thường ấy: đó là hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình, cho vay không hy vọng đòi lại. Và Chúa cho biết ai sống như thế sẽ được phần thưởng lớn lao là Nước Trời và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao.

Thực ra, đây cũng không phải là điều mới mẻ, chưa bao giờ có hay mãi đến khi Chúa Giêsu xuống thế làm người, Ngài mới dạy chúng ta. Nhưng đúng như lời Ngài nói, Ngài đến không phải để phá hủy lề luật nhưng là để kiện toàn. Quả vậy, trong bài đọc thứ nhất, sau khi ông Đavít giúp vua Saun tiêu diệt quân thù, thì vua đâm lòng ghen ghét nên cố tình sát hại Đavít. Lúc bấy giờ, vua Saun cùng đám thị vệ đang lùng giết Đavít, ban đêm khi vua đang ngủ say, Đavít đã có cơ hội để giết kẻ thù của mình khi ông và thuộc hạ lén đến bên chỗ vua ngủ, nhưng ông đã không làm vậy, vì ông tôn trọng sự sống, tôn trọng giới luật của Đức Chúa.

Để vượt qua suy nghĩ cám dỗ trả thù này, chắc chắn Đavít phải có một tấm lòng đạo đức, một con người kính sợ Thiên Chúa và luôn giữ luật Chúa truyền. Ông biết vua Saun dù tội lỗi, sai trái nhưng Đavít không để cho thuộc hạ của mình giết vua, vì ông biết vua là người đã được xức dầu, và lề luật không cho làm như thế. Đavít cũng không vì lợi lộc, địa vị của mình, ông chỉ một lòng thuận theo ý Chúa. Ông để cho Chúa quyết định cuộc đời ông.

Chúa Giêsu hôm nay đòi hỏi người môn đệ cũng phải vượt lên trên lẽ thường của người đời, vượt lên trên luật lệ của con người để đi sâu vào giới luật của Thiên Chúa. Giới luật mới này là giới luật của tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa thì không đóng khung nơi một số người công chính nhưng là dành hết cho tất cả mọi người, kể cả người tội lỗi.

Tin Mừng hôm nay tiếp theo bối cảnh của bài giảng trên núi, với những ví dụ cụ thể về sự mới lạ, tinh thần mới như yêu kẻ thù, làm phúc cho kẻ ghét mình, cho vay không hy vọng đòi lại … càng thể hiện rõ tinh thần của Phúc Âm, tinh thần của giới luật tình yêu mà Chúa đòi hỏi nơi những người theo Chúa. Quả vậy, nếu thế gian thường oán ghét thù địch và chỉ muốn làm hại hoặc muốn cho họ bị hại, thì từ nay, những người theo Chúa lại phải đem lòng yêu thương và làm ơn cho họ.

Tinh thần mới của Phúc Âm bây giờ không giống như các lệnh truyền “mắt đền mắt, răng đền răng” thời Cựu Ước nữa (x. Mt 5,38; Xh 21,24; Lv 24,20; Đnl 19, 21). Chúa Giêsu đã đến thiết lập Nước Trời, không đóng khung trong một dân tộc và truyền thống của dân tộc ấy, nhưng mở rộng hai cánh tay trên thập giá để đón nhận mọi tâm hồn thống hối ăn năn. Người đến đem tình yêu cứu độ đến cho mọi người tội lỗi. Trên thập giá, Người đã nêu gương cho các môn đệ và tất cả chúng ta về sự tha thứ, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ, hành hạ và giết chết mình khi Người xin Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết. Như thế, từ nay môn đệ của Người không còn được kỳ thị ai nữa. Ngay đối với những kẻ bắt bớ mình, họ cũng phải theo gương Chúa trong mầu nhiệm Thập Giá: chấp nhận sỉ nhục, đau thương và khẩn cầu chúc phúc cho kẻ làm khổ mình “vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).

Thế nhưng, chúng ta mang thân phận yếu đuối mỏng giòn, như bình sành dễ vỡ, chúng ta đón nhận và thi hành giới luật mới này sẽ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Vậy nên, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô hôm nay đã cho chúng ta cách thức để sống tinh thần luật mới này: hãy dựa vào ơn Chúa, vào Ađam mới là Đức Giêsu. Nếu như Ađam cũ được sinh ra bởi đất sẽ hướng chúng ta về đất, thì Ađam mới là Đức Giêsu, Đấng từ trời mà xuống sẽ hướng chúng ta lên trời, lên cùng Thiên Chúa Cha. Như thế, mỗi người chúng ta phải luôn kết hiệp với Chúa, đặc biệt là qua Bí Tích Thánh Thể, để chúng ta có đủ sức mạnh mà thi hành giới luật Chúa cách trọn hảo. Sức mạnh ấy không thể kín múc ở đâu khác ngoài thánh lễ, giờ chầu, giờ cầu nguyện.

Vì mang thân phận yếu đuối nên chúng ta hay sa ngã và hay rời xa luật Chúa. Chúng ta thường hay sống theo bản năng và lẽ thường của đời người, tức là chúng ta chỉ biết yêu thương kẻ yêu thương mình. Xin cho mỗi người chúng ta luôn vượt qua được con người cũ của chúng ta để sống xứng đáng là con cái Chúa. Xin Chúa ban ơn để mỗi người chúng ta có thể sống trọn giới răn YÊU THƯƠNG mà Chúa dạy và đã làm gương cho chúng ta.

 

Bài trướcTình Yêu Đích Thực
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần VII – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.