Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 7 Phục Sinh – Năm C

0
489

Bài Ðọc I: Cv 7, 55-59ab

“Tôi thấy Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Têphanô đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: “Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”. Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông, Và các nhân chứng đã để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolô. Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con”. Thế rồi ông quì xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: “Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này”. Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 96, 1 và 2b. 6 và 7c. 9

Ðáp: Chúa hiển trị, Người là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Công minh chính trực là nền kê ngai báu. – Ðáp.

2) Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người. – Ðáp.

3) Lạy Chúa, vì Ngài là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Kh 22, 12-14. 16-17. 20

“Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ngự đến”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan đã nghe tiếng phán cùng tôi rằng: “Này Ta đến ngay, Ta có phần thưởng để trả công cho mỗi người tuỳ các việc người ấy đã làm. Ta là Alpha và Ômêga, là thứ nhất và cuối cùng, là nguyên thuỷ và cùng đích. Phúc cho những ai giặt áo của mình trong máu Con Chiên, để được hưởng dùng cây sự sống, và được qua cửa để vào thành.

“Ta là Giêsu, đã sai thiên thần đến làm chứng cho các ngươi về những điều có liên quan đến các giáo đoàn. Ta là gốc rễ, là dòng dõi Ðavit, là sao mai sáng chói”.

Thần Trí và tân nương nói: “Hãy đến!” Và kẻ nào nghe cũng hãy nói: “Hãy đến!” Và ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy nhận lãnh nhưng không nước sự sống.

Ðấng làm chứng những điều ấy phán: “Phải, Ta đến ngay”. “Amen. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ngự đến!”

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 18; 16, 22

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 17, 20-26

“Ðể chúng được hoàn toàn nên một”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một, và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con.”

“Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng: Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

TẤT CẢ NÊN MỘT

Lm. Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Tin Mừng hôm nay được coi như những lời tâm huyết sau cùng hay nói đúng hơn là lời trăn trối Đức Giêsu muốn gửi lại cho các môn đệ và cả những kẻ tin vào Ngài trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn. Vì thế, những lời này được coi như khát mong mà Ngài muốn những kẻ theo Ngài phải thực hiện. Ước mong đó không gì khác hơn chính là “tất cả nên một”. Tất cả nên một có nghĩa là Ngài mời gọi các môn đệ và những kẻ tin vào Ngài hãy hiệp nhất với nhau, hãy đồng tâm nhất trí với nhau. Và để cụ thể hóa cho khát vọng “tất cả nên một”, ngoài việc Đức Giêsu cầu nguyện cho họ, Ngài còn mời gọi họ noi theo mẫu gương “Cha ở trong Con” và “Con ở trong Cha”. Vậy, Ngài đã cầu nguyện những gì? Các môn đệ và những người tin vào Ngài có thể noi theo mẫu gương mà Ngài đã vạch ra hay không?

Xin Cho Tất Cả Nên Một

Ngay khởi đầu bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã cầu nguyện: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một” (Ga 17,20-21). Điều đó cho thấy rằng, mong ước của Đức Giêsu đối với Giáo Hội là tất cả nên một; nên một theo khuôn mẫu hiệp thông của Ba Ngôi, nên một như “Cha Ta và Ta là một”. Đây cũng được coi như là mục đích mà tác giả Tin Mừng thứ Tư muốn nhắm đến.

Thật vậy, sự nên một của Ba Ngôi là tình yêu hướng về nhau: Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con yêu Chúa Cha làm phát sinh Chúa Thánh Thần; tình yêu hướng về nhau đến độ, tuy ba Ngôi Vị, nhưng nên một Thiên Chúa duy nhất. Ngoài ra, sự hiệp nhất của Ba Ngôi còn được thể hiện khi Ba Ngôi ở trong nhau và ở trong các tín hữu: “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha … Con ở trong họ và Cha ở trong Con” (Ga 17,21.23). “Ở trong nhau” được coi như sự nên một tuyệt hảo nhất. “Ở trong nhau” nhưng không làm tan biến từng Ngôi Vị mà càng làm nổi bật vai trò và vị trí của từng Ngôi Vị. Do đó, đối với các tín hữu, “ở trong nhau” như “Cha ở trong Con” nghĩa là cùng chia sẻ một niềm tin, một phép rửa, một tấm bánh, một Thánh Thần, và đặc biệt là trong cùng một chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô. Nhờ điều này, chúng ta cũng được ở trong Chúa Cha và Chúa Con.

Thế nhưng, thử hỏi, bao nhiêu môn đệ và những kẻ tin vào người có thể đạt đến được ước mong nên một như thế? Dù là những người được may mắn ở cùng và đồng hành với Đức Giêsu, thế nhưng không phải môn đệ nào cũng có thể nên một với Ngài một cách mau lẹ và dứt khoát. Nhìn lại cuộc đời của các môn đệ, hành trình nên một với Thầy của mình không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, chúng ta, những kẻ tin, cũng không mong có thể đạt đến được ngày một ngày hai. Vì quả thực, nếu cái gì càng dễ dàng đạt được thì giá trị của nó lưu lại trong chúng ta càng ít. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể cụ thể hóa được mong ước của Đức Giêsu nếu chúng ta cố gắng mỗi ngày cùng với ân sủng của lời cầu nguyện mà chính Đức Giêsu đã nguyện cầu cho chúng ta.

Xin Cho Tất Cả Được Ở Cùng

Ngoài lời cầu xin hiệp nhất, Chúa Giêsu còn cầu xin cho các Kitô hữu được ở với Ngài. Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian” (Ga 17,24). Nếu xét một cách nào đó, lời cầu xin này là hệ quả của chính lời cầu xin đầu tiên, cầu xin cho tất cả được nên một. Vì nếu tất cả chúng ta được nên một, nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa và với nhau, thì chúng ta được hiệp nhất trong Thiên Chúa và trong nhau, nhờ đó chúng ta có thể cùng nhau chiêm ngắm vinh quang mà chính Chúa Cha đã ban cho Chúa Con.

Thế nhưng, với bản tính mỏng dòn, dường như chúng ta luôn bị che phủ bởi những bức màn vô hình, những bức màn ích kỷ làm cho chúng ta khó lòng chiêm ngưỡng được vinh quang Thiên Chúa. Vì thế, trước khi chịu chết, Đức Giêsu đã khẩn khoản nài xin Thiên Chúa Cha để cho những kẻ theo Ngài có thể biết Chúa Cha. Việc nhận biết này không phải vì những việc làm của chúng ta nhưng vì Chúa Con, Đấng đang ngự bên hữu Chúa Cha. Ta thấy, Đức Giêsu không những đã tỏ cho các Kitô hữu biết Chúa Cha một lần, mà Ngài sẽ tỏ cho chúng ta biết trong từng giây từng phút, trong từng biến cố cuộc đời, và khi kết thúc cuộc đời này, chúng ta sẽ được nên một với Chúa Giêsu và lúc đó, Ngài ở đâu chúng ta cũng sẽ ở đó.

“Nên Một” và “Ở Cùng” theo Gương Mẫu của Cha và Con

Mẫu gương Cha ở trong Con” và “Con ở trong Cha” được coi như là gương mẫu tuyệt vời nhất cho tất cả chúng ta. Chính nhờ mẫu gương này mà thế gian sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu. Thời nào cũng thế, đời sống chứng nhân luôn có tính thuyết phục hơn những bài giảng uyên thâm và hùng hồn, vì lời nói lung lay, gương lành lôi kéo. Mọi người dễ nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô và tin vào Ngài qua đời sống tốt lành của Kitô hữu, mà điều có sức thuyết phục hơn cả chính là các Kitô hữu sống đoàn kết yêu thương nhau và hiệp một lòng một ý với nhau. Để có thể làm được điều này thì các Kitô hữu phải noi gương, bắt chước mẫu gương mà Đức Giêsu đã hướng dẫn chúng ta. Mẫu gương đó là mẫu gương Ba Ngôi.

Trước khi từ biệt các mộn đệ, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu xin cho chúng ta được nên một. Thế nhưng, với sự mỏng giòn và yếu đuối của phận người, chúng ta hết lần này đến lần khác muốn phá vỡ sự liên kết đó. Xin cho chúng ta luôn biết làm mới lại cuộc đời của mình vì xác tín rằng, Ngài luôn đồng hành và liên kết chúng ta.

 

 

 

Bài trướcGóc Suy Tư: Yêu Thương Chân Thành là Khôn Ngoan Đích Thực
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây