Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 6 Thường Niên – Năm C

0
792
the wooden rosary on the open Bible

Bài Ðọc I: Gr 17, 5-8

“Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5c).

Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. – Ðáp.

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.- Ðáp.

3) Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 12. 16-20

“Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu Ðức Kitô được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người trong anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống lại, Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Như thế ai đã chết trong Ðức Kitô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ.

Nhưng không, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 17. 20-26

“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

NGHỊCH LÝ

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Trong bài thơ “Chữ Nhàn”, thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã có hai câu thơ:

“Thoát sinh ra thì đà khóc chóe

Trần có vui sao chẳng cười khì”?

Với hai câu thơ trên, Nguyễn Công Trứ như muốn nói với người ta rằng ở trần gian này có nhiều gian nan, thử thách và đau khổ. Do đó, tất cả mọi người đều khao khát hạnh phúc và truy tìm hạnh phúc. Vì thế mà Blaise Pascal đã nói: “Bất cứ ai cũng đi tìm hạnh phúc, kể cả những người thắt cổ tự tử”. Trên hành trình truy tìm hạnh phúc, con người gặp biết bao nhiêu lời mời chào và hứa hẹn cho cuộc đời hạnh phúc. Giữa biết bao nhiêu lời chào mời đó, đâu là lời mời chào đem lại hạnh phúc đích thật, hạnh phúc vĩnh cửu? Phải chăng là lời mời chào của của cải vật chất, hay là lời mời chào của danh vọng và địa vị, hoặc là lời mời chào của quyền lực, …?

Người đời thường nghĩ rằng tiền của sẽ đem đến hạnh phúc cho họ. Cho nên, trong xã hội loài người, chúng ta thấy rằng đa phần nhân loại đua nhau kiếm cho thật nhiều tiền, và lắm lúc có người kiếm tiền bằng mọi cách và bằng mọi thủ đoạn, kể cả chà đạp lên lương tâm của chính mình, bởi họ nghĩ rằng có tiền mua tiên cũng được và tiền sẽ làm họ thỏa mãn mọi dục vọng. Cho nên, khi có thật nhiều tiền rồi thì nhiều người tìm cách hưởng thụ cuộc sống. Có người dùng tiền để mua vui trên thân thể của người khác. Nhưng thử hỏi họ xem sau những cuộc vui chơi trác táng, trụy lạc thì còn lại được cái gì? Hay chỉ còn lại một khoảng không trống rỗng vô nghĩa và nhàm chán mà thôi. Có người dùng tiền để mua danh vọng, địa vị và quyền lực hầu làm thỏa mãn cơn khát danh vọng và ước muốn thống trị người khác. Nhưng thử hỏi có mấy ai ở trên đỉnh cao danh vọng và quyền lực mà tìm thấy được sự bình an và thanh thản trong tâm hồn? Dù có bắt người khác khóc tập thể, ca tụng tập thể đi chăng nữa để tạo ra vẻ hào nhoáng bên ngoài, thì thử hỏi họ xem có mấy ai tìm thấy được niềm vui thanh thản như trẻ thơ không? Hay ở trên đỉnh cao của danh vọng, địa vị và quyền lực, người ta luôn sống trong nơm nớp lo sợ bị người khác giết hại mình.

Ai cũng khao khát được hạnh phúc, và ai cũng đi tìm hạnh phúc, nhưng lắm khi người ta chỉ chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc. Khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu cũng đã bước đi trên hành trình của đời người và biết rõ nỗi khao khát hạnh phúc của con người. Cho nên, Ngài đã giới thiệu cho con người những con đường đưa đến hạnh phúc đích thật và vĩnh cửu như chúng ta vừa nghe trong Bài Tin Mừng hôm nay. Ngài đã chúc phúc cho những ai nghèo khó, đói khát, đang phải khóc lóc và bị bách hại. Ngài “chúc dữ” cho những người giàu có, no đầy, vui cười và được tâng bốc.

Quả thật, đây là một nghịch lý. Đức Thánh Cha Beneđíctô XVI đã nói: “Các Mối phúc là những nghịch lý. Những tiêu chuẩn của thế gian bị đảo ngược lại ngay khi sự vật được nhìn với quan điểm chính đáng. Nói cách khác, giá trị của Thiên Chúa quá khác biệt với những giá trị của thế gian”.[1] Chính vì thế, nhiều người trong xã hội hiện đại hôm nay không thể hiểu nổi và không thể chấp nhận được các mối phúc của Chúa Giêsu. Một người trong số đó là triết gia F. Nietzsche. Ông đã viết trong tác phẩm “Zarathustra Đã Nói Như Thế” rằng: “Hỡi những con người đức hạnh! Các ngươi hãy còn muốn được đền bù, trả công! Các ngươi muốn được tưởng thưởng cho đức hạnh mình, muốn có trời cao thay cho mặt đất và vĩnh cửu thay cho hiện tại của các ngươi? Giờ đây các ngươi thù ghét ta vì ta rao dạy rằng chẳng có phần thưởng cũng như đấng đứng ra ban thưởng?”[2]

Qua trích đoạn trên đây, phải chăng Nietzsche đang ám chỉ tới “Tám mối phúc thật” mà chúng ta vừa nghe trong Bài Tin Mừng hôm nay. Phải chăng ông muốn nói cho con người hôm nay rằng: tôi không muốn Triều Đại Thiên Chúa. Tôi đã trưởng thành rồi, và như thế, tôi chỉ muốn có vương quốc trần thế, không cần đến phần thưởng Nước Thiên Chúa, không cần đến hạnh phúc Nước Trời, và chẳng cần Thiên Chúa nữa. Có lẽ đối với Nietzsche, các mối phúc thật là những con đường của những con người phẫn uất, ghen tị, hèn nhát và bất tài. Vì có lẽ ông nghĩ rằng: những ai không kham nổi những đòi hỏi của cuộc đời, thì cố gắng trả thù bằng cách chúc lành sự thất bại của họ và nguyền rủa những người hùng mạnh và thành công.

Nhưng sự thật, hạnh phúc vĩnh cửu có ở đời này không? Hay điều mà người ta quan niệm hạnh phúc ở đời này chỉ là ảo ảnh mà thôi? Cho đến hôm nay, con người của thế giới và xã hội này vẫn không ngừng tìm kiếm hạnh phúc trên tiền bạc, danh vọng, địa vị và quyền lực, nhưng thử hỏi những người ôm vào mình cả núi vàng bạc, ở trên đỉnh cao quyền lực, danh vọng và địa vị có được hạnh phúc không? Hay mỗi ngày họ đều phải sống trong phập phồng lo sợ, vì cướp bóc, giết chóc, khủng bố và chiến tranh đều có thể xảy ra bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Mặt khác, của cải vật chất, danh vọng, địa vị và quyền lực có đảm bảo mạng sống cho con người hay không? Thưa không! Cho đến hôm nay, chưa ai thoát khỏi tay của tử thần. Và khi chết rồi, không ai có thể mang theo được bất cứ cái gì. Cho nên, đứng trước tử thần, bao nhiêu của cải vật chất, quyền lực, danh vọng và địa vị đều trở nên vô nghĩa và chẳng giúp ích được gì cho con người.

Quả thật, Nietzsche không thấu hiểu được sứ điệp và tinh thần của Chúa Giê-su. Khi sống tinh thần của các mối phúc mà Chúa Giêsu đề nghị, người ta sẽ cảm thấy siêu thoát đối với những sự ở đời tạm này và không cậy dựa vào chúng. Trái lại, họ sẽ cậy dựa vào Thiên Chúa, tín thác vào sự quan phòng đầy tình thương của Ngài và đặt niềm hy vọng vào Ngài. Như thế, họ sẽ cảm thấy sự an bình vui tươi của một tâm hồn luôn có Chúa ngự trị, cho dù họ có phải đối diện với biết bao nghịch cảnh của cuộc sống. Mặt khác, khi sống tinh thần của các mối phúc, người ta sẽ có một trái tim rộng mở, sẵn sàng cho đi mà không tính toán, sẵn dấn thân phục vụ mà không so đo. Và như thế, họ sẽ tìm được hạnh phúc, bởi lẽ “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

Dẫu biết rằng hạnh phúc dựa trên tiền bạc, danh vọng, địa vị và quyền lực chỉ là ảo ảnh, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn đắm chìm trong mê lầm, vẫn chạy theo và tìm kiếm hạnh phúc đích thật trên những của phù hoa đó. Trong Thánh Lễ này, chúng ta cầu xin Chúa cho chính chúng ta biết tín thác vào Ngài và can đảm bước đi trên con đường các mối phúc mà Chúa Giêsu đề nghị trong bài Tin Mừng hôm nay, để chúng ta đạt đến hạnh phúc đích thật, hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.

 

[1] Trích lại từ Nguyễn Ngọc Thế, “Phúc Thay”, https://www.ngocthesj.com/ph-c-thay, truy cập ngày 05.10.2018.

[2] Nietzsche, F., Zarathustra đã nói như thế, Trần Xuân Kiêm chuyển ngữ. Sài Gòn: Nxb An Tiêm, 1971, tr. 184.

Bài trướcĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm giảng trong Thánh lễ nhận sứ vụ của Đức Cha Alphongso Nguyễn Hữu Long
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần VI – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây