Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 4 Thường Niên – B

0
391

Bài Ðọc I: Ðnl 18, 15-20

“Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: “Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Horeb khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9.

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng (c. 8).

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. – Ðáp.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Ðáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 7, 32-35

“Người nữ đồng trinh lo lắng việc Chúa, để nên thánh”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho quyền làm con cái Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 21-28

“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

VỊ NGÔN SỨ TỐI CAO

Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD

 

Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu được trở nên con cái của Thiên Chúa, trở thành chi thể của Đức Giêsu và là thành phần tử của Hội Thánh. Đồng thời, người Kitô hữu được tham dự vào ba chức vụ của Đức Giêsu. Đó là ngôn sứ, tư tế và vương đế. Đối với chức vụ ngôn sứ hay ngôn sứ, nếu xét về mặt ngữ nghĩa thì ngôn là lời nói, sứ là đại diện, tiên là trước, tri là đoán biết. Ngôn sứ hay ngôn sứ là người được tiếp xúc với Thiên Chúa và là người phát ngôn, truyền đạt thông điệp của Chúa cho con người. Qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta về nguồn gốc, nhiệm vụ của vị ngôn sứ và cho chúng ta thấy ai là vị Ngôn Sứ Tối Cao?

Thứ nhất, nguồn gốc và nhiệm của vị ngôn sứ. Trong bài đọc I, sách Đệ Nhị Luật cho thấy nguồn gốc và nhiệm vụ quan trọng của vị ngôn sứ. Thời Cựu Ước, dân Israel tin rằng không ai thấy thần linh mà có thể vẫn sống. Chính vì thế, dân Israel đã thốt nên rằng: “chúng tôi không dám nghe tiếng Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn núi lửa lớn này nữa, kẻo phải chết” (Đnl 18,16). Để giao tiếp với Thiên Chúa, dân Israel đã khẩn nài Người ban cho họ một vị trung gian giữa Người và dân chúng. Kết quả là Thiên Chúa đã ban cho họ một vị ngôn sứ xuất thân từ giữa họ. Nhiệm vụ của vị ngôn sứ này là gặp gỡ, đón nhận và truyền đạt Lời Chúa cho dân chúng (x. Đnl 18,18). Như thế, chúng ta biết được nguồn gốc của vị ngôn sứ là những người được chọn giữa dân chúng và là vị trung gian để đón nhận và truyền đạt những Lời của Thiên Chúa phán truyền cho dân chúng.

Thứ hai, vị Ngôn Sứ Tối Cao là ai? Thời Cựu Ước, vị ngôn sứ được Thiên Chúa tuyển chọn giữa dân chúng tùy theo từng giai đoạn của lịch sử cứu độ, nhưng ngày nay, điều kiện để được tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô là được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Nghĩa là, khi trở thành một Kitô hữu thì họ sẽ được tham dự vào chức vụ ngôn sứ và là một vị ngôn sứ của Thiên Chúa. Có thể nói đây là một hồng ân mà Thiên Chúa dành tặng cho mỗi Kitô hữu. Vì thế, nhiệm vụ của người Kitô hữu là phải biết “nói tất cả những gì Thiên Chúa phán truyền cho dân chúng” (Đnl 18,18). Để thực hiện nhiệm vụ này cách tốt nhất, chính thánh Phaolô Tông Đồ đã khẳng định: Người có thể chuyên tâm trở thành vị ngôn sứ tốt nhất đó là những người không có gia đình vì họ có nhiều thời giờ hơn để làm những chuyện của Thiên Chúa, để thuộc trọn về Chúa (x. 1 Cr 7,32-35).

Bản văn Đệ Nhật Luật trong bài đọc I được đọc trong sự nối kết với bài Tin Mừng hôm nay với ngụ ý rằng Đức Giêsu là vị Ngôn Sứ đã được ông Môsê loan báo. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, là phát ngôn trung thành của Chúa Cha, Đấng Trung Gian tuyệt hảo giữa Thiên Chúa và con người. Ngoài ra, Đức Giêsu chính là hiện thân của Thiên Chúa ở giữa nhân loại mà con người có thể tiến lại gần, chẳng những không phải chết, trái lại được đón nhận “hết ơn nầy đến ơn khác” của Thiên Chúa nữa (x. Ga 1,16).

Quả thật, trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu được giới thiệu như là vị Ngôn Sứ Tối Cao có uy quyền trong lời nói cũng như hành động. Dân chúng đã phải sửng sốt và thốt lên khi họ được nghe Đức Giêsu giảng dạy: “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các Kinh Sư” (Mc 1,22). Chúng ta biết rằng các Kinh Sư thường dựa vào lời các ngôn sứ hoặc dựa vào truyền thống của tiền nhân để giảng dạy, nên lời giáo huấn của họ phần lớn rập khuôn theo truyền thống mà không có tính sáng tạo và thiếu đi tính thời sự. Hơn giáo huấn các ngôn sứ, Giáo huấn của Đức Giêsu là lời quyền năng, là Lời Hằng Sống đến từ Thiên Chúa. Lời mặc khải về tình yêu và lòng bao dung tha thứ. Đồng thời, cách thức giảng dạy của Đức Giêsu thì mới mẻ. Người không dài dòng giải thích các đoạn Kinh Thánh như các Kinh Sư thường làm, nhưng Người đặt mình vào tầm hiểu biết của dân chúng, giảng đơn sơ nhưng sâu sắc.

Và dân chúng lại càng ngạc nhiên hơn khi Đức Giêsu xua trừ thần ô uế chỉ bằng Lời ra lệnh: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng và xuất khỏi anh ta” (Mc 1,25-26). Qua những lời tán dương của dân chúng và hành động của thần ô uế xuất khỏi nạn nhân, chúng ta thấy rằng Đức Giêsu chính là Đấng Thánh của Thiên Chúa, Người đúng là một vị Ngôn Sứ Tối Cao. Qua đó, chúng ta hiểu được tại sao vị ngôn sứ chỉ được nói về những Lời của Thiên Chúa phán truyền. Đó là vì Lời Chúa có sức mạnh tuyệt đối. Chỉ có Lời Chúa là Lời Sự Thật đem lại ơn giải thoát cho con người và dẫn con người trở về và sống trong ơn nghĩa của Thiên Chúa mà thôi.

Ngày nay, chúng ta nghe không ít những trường hợp bị thần ô uế ám và Giáo Hội cũng đã phải dùng công thức để trừ quỷ Nhân Danh Đức Giêsu. Còn chúng ta, lắm lúc chúng ta cũng bị thần ô uế ám. Thần ô uế ở đây chính là những tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu, những lối sống hưởng thụ không lành mạnh, những lối sống loại trừ nhau, lối sống tội lỗi đã và đang làm cho chúng ta đi vào con đường lầm lạc, mê muội và chết chóc. Để tránh xa những thần ô uế này, chỉ có Chúa mới xua đuổi thần ô uế và biến đổi được lòng dạ chúng ta; chỉ có sức mạnh của Lời Chúa mới có thể làm trong sạch xã hội, làm biến đổi cuộc sống mỗi người, giải thoát con người thoát khỏi tình trạng nô lệ cho ma quỉ, tội lỗi và sự chết. Vì thế, mỗi Kitô hữu chúng ta hãy khẩn nài vị Ngôn Sứ Tối Cao đến xua trừ thần ô uế trong tư tưởng, lời nói, việc làm; trong môi trường và trong hoàn cảnh sống của chúng ta.

Qua Lời Chúa ngày hôm nay, Giáo Hội mời gọi mỗi chúng ta hãy nhìn lại ơn gọi và chức vụ ngôn sứ của mình. Đồng thời, chúng ta cần phải nhận biết chỉ có một vị Ngôn Sứ Tối Cao duy nhất đó là Đức Giêsu Kitô. Duy mình Người là Đấng giảng dạy có uy quyền và Lời của Người có sức mạnh xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật, giải thoát con người. Mỗi chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu và mang trong mình chức vụ ngôn sứ của Đức Giêsu thì chúng ta cũng phải biết lắng nghe, học hỏi và  thực hành Lời Người trong cuộc sống của chúng ta. Chỉ như thế, chúng ta mới phát huy được chức vụ ngôn sứ mà chúng ta lãnh nhận khi lãnh bí tích Thánh Tẩy.

Lạy Chúa, được tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa là một hồng ân cao cả của chúng con. Nhưng để sống trọn hồng ân đó chưa bao giờ là dễ dàng. Xin Chúa cho mỗi chúng con luôn ý thức về vai trò ngôn sứ của mình để chúng con luôn biết ham thích học hỏi, chăm chú lắng nghe và quyết thực hành Lời Chúa. Vì chỉ có Lời Chúa là ngọn đèn cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi trên hành trình đời sống đức tin và làm ngôn sứ của Chúa giữa đời. Amen.


 

UY QUYỀN TRONG LỜI RAO GIẢNG

Lm. F.X Trần Thanh Có, SVD

Trong những ngày gần đây, sau hàng loạt các vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines như: máy bay MH370 mất tích, MH17 bị bắn rơi trên vùng trời ranh giới giữa Ukraina và Nga, máy bay rơi ở Đài Loan…người ta thấy rộ lên lời tiên báo của những người được coi là tiên tri như Vanga ở Bulgaria, siêu mẫu Dương Yến Ngọc ở Việt Nam… hay như dịp World Cup diễn ra trên đất Brazil, chúng ta cũng thấy một loạt các con vật tiên tri dự đoán kết quả các trận đấu: voi Nelly ở Đức, rùa Cabecao, chó Roo ở Anh …và khá nhiều người tin vào điều đó. Thực tế này đặt ra câu hỏi, phải chăng đây là lối suy nghĩ thời thượng, hay là một thực trạng về sự thiếu vắng những lời giảng dạy có uy quyền trong đức tin?

Trong bài đọc một, Thiên Chúa cho biết rằng: “Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ ngay từ giữa anh em, sẽ nói những lời của Thiên Chúa đặt trong miệng họ. Còn ngôn sứ nào cả gan nói những Lời mà Thiên Chúa không truyền cho thì sẽ phải chết” (Đnl 18,18-20). Ngôn sứ là những người nói lời Thiên Chúa, luôn gắn kết với Thiên Chúa và có sự bàn hỏi giữa ngôn sứ và Thiên Chúa, chính vì lẽ đó lời dạy của ngôn sứ có uy quyền. Bài đọc hai lại một lần nữa nhấn mạnh cho chúng ta biết tầm quan trọng của các ngôn sứ trong việc gắn kết với Thiên Chúa: “Người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa và thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác” (1Cr 7,34).

Các ngôn sứ là những người thuộc về Thiên Chúa, là những người thừa hưởng uy quyền từ Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu khi đến Caphacnaum đã cho mọi người thấy uy quyền của Người trong lời giảng dạy và việc làm: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền”, uy quyền ở chỗ “lời giảng dạy thì mới mẻ” và “ra lệnh cho quỷ im đi” (Mc 1,27). Đi ngược lại đoạn đầu của chương một, ta thấy, bài Tin Mừng ngày hôm nay nằm trong phần sứ vụ của Đức Giêsu tại Galilê. Sứ vụ của Đức Giêsu tại Galilê là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, một sứ vụ hoàn toàn mới mẻ nếu so với Cựu Ước. Sứ vụ của các ngôn sứ trong cựu ước thường là nói lên ý định của Thiên Chúa sẽ thực hiện trên dân. Còn sứ vụ của Đức Giêsu là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, Tin Mừng cứu độ Thiên Chúa dành cho nhân loại, Tin Mừng được thực hiện bằng chính con người của Đức Giêsu. Đức Giêsu rao giảng bằng chính cuộc đời của mình, lời nói đi đôi với việc làm.

Con người ngày hôm nay rất dễ tin vào những gì mang tính thực tiễn, được kiểm nghiệm qua thực tế như các vụ rơi máy bay rơi ở trên. Một lời tiên báo vu vơ, nhưng nếu thật trùng hợp, điều đó lại xảy ra thì lập tức với sự hỗ trợ của truyền thông, chẳng mấy chốc sự kiện đó sẽ được cả thế giới biết đến và bỗng dưng trở lên nổi tiếng. Vậy hấp lực của những người rao giảng Lời Chúa ở đâu? Uy quyền của các linh mục, tu sĩ ở chỗ nào khi hằng ngày, hằng giờ họ vẫn là những ngôn sứ nói về Thiên Chúa cho mọi người? Nói đi thì cũng phải nói lại, chúng ta tự hỏi có mấy ai thực sự tin điều mình nói và thậm trí họ có thực sự xác tín hoàn toàn vào điều họ rao giảng? Nhìn một vòng xung quang chúng ta, chúng ta không khó nhận ra điều vừa đề cập ở trên là thật, tòa giảng là nơi để giảng Lời Chúa thì nay đã bị nhiều người biến thành nơi lạc quyên, nơi trút bầu tâm sự với những thành phần chướng tai gai mắt. Họ quên rằng họ phải giảng dạy những gì Thiên Chúa truyền chứ không phải là những gì họ muốn. Cái uy quyền để người ta nể phục và tin theo thì nay đã biến thành cái uy quyền của người ra lệnh.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng” đã dành hẳn 24 số (từ 135 đến 159) để nói về việc giảng dạy Lời Chúa. Chính ngài đã thể hiện điều đó qua chính cuộc sống của ngài, một hành động hạ mình rửa chân cho các tù nhân, một hành động đi xe buýt để đến Tòa Thánh thay vì ngồi trong những chiếc xe sang trọng, một hành động cúi xuống hôn em nhỏ bị cùi… có sức thuyết phục và có uy tín trong lời rao giảng rất lớn lao. Lời rao giảng đã được nội tâm hóa và xuất phát một cách tự nhiên từ chính con tim, không hoa mỹ, không cầu kỳ.

Để có được uy quyền trong lời rao giảng, thì trước nhất người mục tử phải có sự gắn kết chặt chẽ với Thiên Chúa, từ sự gắn kết đó, người mục tử sẽ nói những gì Thiên Chúa truyền cho người ấy. Nguyện chúc cho tất cả mọi người biết xây dựng đời mình dựa vào Đức Kitô. Như lá cây dựa vào mặt trời để cung cấp ôxy cho con người, thì mỗi người cũng đón nhận sự sống của Đức Kitô để mang lại bình an và niềm vui cho anh chị em mình. Amen.


 

NỐI LẠI TÌNH XƯA VỚI LỜI CHÚA

Lm. GB. Phan Lĩnh, SVD

Trọng tâm của Tin Mừng Chúa Nhật IV hôm nay xoay quanh sức mạnh thánh thiêng của Lời Thiên Chúa. Bài đọc một trích từ sách Đệ Nhị Luật là lời ông Môsê nhắc nhở dân Ítraen phải nhớ tới Giao Ước, cũng có nghĩa là phải nhớ tuân giữ lời Thiên Chúa. Lời được Thiên Chúa loan truyền cho dân qua miệng các ngôn sứ. Hình ảnh dân chúng quy tụ dưới chân núi Khôrép để nghe Chúa nói là biểu tượng sống động của Dân Thiên Chúa. Nó đánh dấu sự kiện Thiên Chúa thiết lập Giao Ước với dân, một Dân chuyên lo thờ phượng Thiên Chúa, một Dân có bổn phận chú tâm lắng nghe và sống theo giáo huấn của Lời Chúa.

Người Kitô hữu ngày càng chán nghe Lời Chúa, thái độ đó là sự bạc bẽo đối với Chúa về Lời đem lại sự sống vĩnh cửu cho mình. Tận thâm sâu bên trong Lời Chúa là sự sửa dạy và sự ngọt ngào của tình Cha con. Mang lấy thân phận con người hay sa ngã theo đường sự dữ, người Kitô hữu dễ bị cám dỗ xa lánh Lời Thiên Chúa. Dân Ítraen đã thấy được uy quyền của Thiên Chúa qua những lời Người phán. Lời uy quyền đến mức họ phải kêu lên với ông Môsê: “Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết” (Đnl 18,16).

Vậy thì làm thế nào để dân có thể nghe và hiểu được giáo huấn của Người? Qua ông Môsê, Thiên Chúa cho biết rằng, Người sẽ tuyển chọn các tiên tri, những vị sẽ nghe Chúa nói và chuyển trao cho dân. Những lời nghiêm khắc của Chúa nói với ông Môsê sẽ còn vang vọng đối với những ai quan tâm tìm kiếm Thiên Chúa: “Nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà ngươi sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết” (Đnl 18,19). Đó là sức mạnh uy quyền của Lời Thiên Chúa, lời đòi buộc người ta phải tiếp nhận với đầu óc chân thành, với tâm tình thờ phượng Chúa.

Uy quyền của Thiên Chúa trong lời của Người vẫn tồn tại từ ngàn xưa và cho đến mãi mãi. “Cho dù trời đất này qua đi, nhưng một chấm một phết trong lề luật sẽ vẫn còn” (Mt 5,17). Thánh sử Máccô làm nổi bật hình ảnh Đức Giêsu là Đấng mang lại thứ giáo huấn mới mẻ, và là Đấng dùng lời uy quyền mà xua trừ quyền lực sự dữ. Đức Kitô chính là “Lời hóa thành Người của Thiên Chúa”, mà khi Thiên Chúa nói bằng chính Con Một của Người, thì lời đó lại càng sống động và khiến dân chúng vừa muốn lắng nghe, vừa kính phục. Dân chúng thán phục Đức Giêsu vì Người giảng dạy với uy quyền của Con Thiên Chúa. Người giảng dạy với sự xác tín thâm sâu và với tâm tình cảm tạ tình thương Chúa Cha. Dân chúng thán phục Đức Giêsu thì cũng cho ta thấy họ chán lối rao giảng của các Luật sĩ Dothái xưa, chủ yếu nhấn mạnh chi li lề luật và án phạt của Cựu Ước. Nghe họ giảng, dân sẽ nghĩ nhiều về ném đá và án phạt, lối rao giảng đó ít mang lại cho dân chúng tâm tình hy vọng và sự tin tưởng vào Thiên Chúa.

Quả thật, lời của Đức Giêsu mang cho dân chúng niềm tin và niềm hy vọng mới mẻ. Lời giáo huấn của Người mở ra một thời đại mới, giờ đây, con người được chứng kiến Ngôi Lời và được trực tiếp nghe Người giảng dạy, chứ không còn cần qua trung gian gián tiếp là các ngôn sứ nữa. Khi thánh sử Máccô nói về sự mới mẻ nơi lời giảng dạy của Đức Giêsu, thì cũng đồng thời Ngài muốn Kitô hữu tin nhận Thiên Tính của Chúa Kitô. Đức Giêsu như là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, Đấng mang đến giáo huấn mới mẻ trực tiếp từ Thiên Chúa và dùng lời uy quyền mà xua trừ sự dữ. Xua trừ sự dữ là dấu hiệu sống động cho quyền năng của Thiên Chúa, chỉ có Người mới có uy quyền đánh đổ ma quỷ và sự dữ chúng gây ra.

Lời Chúa đòi hỏi sự cộng tác của con người: Lời chứa đựng ơn cứu độ, nhưng cũng đòi hỏi sự cộng tác của con người. Cộng tác bằng thái độ chú tâm lắng nghe, bằng quyết tâm hoán cải bản thân mình. Tiếc thay, ngày càng có nhiều người Kitô hữu chán ghét việc nghe Lời Chúa. Đó là dấu hiệu của sự thiếu khiêm nhường, vì con người không muốn nghe lời sửa dạy của Thiên Chúa. Nhiều người thấy việc tham dự thánh lễ thật là nặng nề. Lễ hằng ngày họ chẳng cần quan tâm, mà lễ Chúa Nhật cũng là cực chẳng đã phải tham dự cho khỏi mang tội! Trong khi mỗi ngày, họ có thể ngồi quán cafe đến nửa ngày mà chẳng thấy chán nản. Thực chất, chán nghe Lời Chúa cũng là một sự cám dỗ của ma quỷ, nó được sự cộng tác đắc lực của chính chúng ta, nên rất khó loại trừ cơn cám dỗ này, nếu mỗi người không có sự nỗ lực mỗi ngày. Ở nhiều giáo xứ miền nam, giáo dân ngày nay xem việc tới nhà thờ dự lễ thật khó khăn. Họ đi cho xong luật buộc, chẳng còn đâu là ý nghĩa niềm vui khi tới dự Tiệc Thánh của Thiên Chúa. Thật khẩn thiết rằng, mỗi người phải cầu nguyện để có thể thắp lại lửa mến đang leo lắt vì con người ngày nay không còn muốn có sự hiện diện của Thiên Chúa nữa.

Không nghe Lời Chúa thì không biết phải trái, cũng chẳng thể được đánh động, và rồi lương tâm mình đâu có nhúc nhích trước những hành vi xấu. Mối tương quan với Chúa cứ mờ mịt, cứ bị vùi lấp dưới muôn ngàn lo toan hay những thú vui chóng qua trần thế. Chúng ta đang để mình trở thành những nạn nhân của sự ồn ào. Không có phút nào mà không có tiếng ồn vang lên quanh chúng ta: âm nhạc, công trình xây dựng, xe cộ, mua sắm… nếu những thứ này cộng hưởng với sự ồn ào trong tâm hồn mỗi người, thì chẳng còn chỗ đâu cho số ít hạt giống Lời Chúa nảy mầm trong lòng mình.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy vượt qua mặc cảm tội lỗi, hãy bắt nối lại cuộc đối thoại đầy ơn phúc với Thiên Chúa. Cuộc đối thoại chính Chúa khởi đầu, nhưng đã bị ngắt quảng do những lo lắng vụn vặt và sự ích kỷ của chúng ta. Hãy thành tâm lắng nghe, để được chính Lời Chúa có tác động trực tiếp lên tâm hồn mình. Bởi Lời Chúa có sức mạnh từ bên trong. Lời Chúa hẳn phải giá trị hơn những lời bình thường chúng ta giao tiếp với nhau. Thời còn trẻ, thánh Augustinô trải qua chuỗi ngày dài sống trong cảnh sa đọa, khước từ Thiên Chúa. Tới một ngày lương tâm lên tiếng, ngài đã khắc khoải cầu nguyện “Ôi Lạy Chúa, tới bao giờ con mới thôi phạm tội?”, để rồi khi gặp được những lời này: “Anh em hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô, và đừng chiều theo những đam mê xác thịt, sống theo dục vọng nữa” (Rm 13,13-14), chàng thanh niên Agustinô đã quyết tâm thay đổi. Nhờ đó, chúng ta có thêm một tấm gương quyết tâm từ bỏ đam mê xấu, thay đổi đời sống, quyết tâm để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời mình.

Thông thường, những gì không thuộc vào sở thích của mỗi người thì thường ít được người ta quan tâm tới. Đối với người Kitô hữu, việc lắng nghe Lời Chúa không chỉ là một sở thích, mà còn phải là nhu cầu. Bởi vì chúng ta luôn có nhu cầu làm cho cuộc sống trở nên dồi dào. Và không có gì ngoài Lời Chúa đảm bảo cho chúng ta điều ấy. Chúa Giêsu nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Phần chúng ta, có bao giờ chúng ta để ý đến việc làm cho tâm hồn có được niềm vui và bình an nhờ luôn có Chúa trong cuộc sống của ta?

Xin cảm tạ tình yêu Chúa đã luôn yêu thương, nâng đỡ, săn sóc cuộc đời chúng con. Xin Chúa Thánh Thần đốt lên ngọn lửa mến và hướng dẫn chúng con, để chúng con luôn giữ được lòng trung thành với giáo huấn của Chúa. Amen.

 

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật IV Thường Niên – Năm B (Mc 1,21-28)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 4 TN-B)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.