Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm C

0
850

Bài Ðọc I: Cv 5, 27b-32. 40b-41

“Chúng tôi là chứng nhân các lời đó cùng với Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người!” Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5 và 6. 11 và 12a và 13b

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. – Ðáp.

2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ. – Ðáp.

3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Kh 5, 11-14

“Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, …vinh quang và lời chúc tụng”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: “Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng”. Tôi lại nghe mọi thọ tạo trên trời, trên đất, dưới đất, trên biển và dưới biển, tung hô rằng: “Chúc Ðấng ngự trên ngai và chúc Chiên Con được ca tụng, danh dự, vinh quang, quyền năng đến muôn đời”. Bốn sinh vật thưa: “Amen”, và hai mươi bốn vị kỳ lão sấp mặt xuống và thờ lạy Ðấng hằng sống muôn đời.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 21, 1-14 {hoặc 1-19}

“Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.

Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

[Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.]

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

TRUNG THÀNH VỚI ƠN GỌI

Lm. Giuse Trần Minh Kiểm, SVD

Sự kiện Đức Giêsu đã chết và sống lại là trọng tâm, là cốt lõi và là nền tảng của đức tin Kitô giáo. Chính vì vậy, thánh Phaolô đã xác quyết hết sức mạnh mẽ: Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh emNếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người(1 Cr 15,17.19).

Chúng ta vừa lắng nghe tác giả Tin Mừng thứ tư thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ tại biển hồ Tibêria sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. Đó là sự thật và sự thật này đã làm nhiều người không dám tin. Đây không phải là một cuộc thoáng hiện của Đức Giêsu, nhưng Ngài đã “ngồi lại”, cùng “dùng bữa” thật ấm cúng trong tình thầy trò. Sau bữa ăn đó, Chúa Giêsu đã “thẩm định” tình yêu của Phêrô trước khi trao cho ông một sứ vụ, một ơn gọi mới, đó là làm thủ lãnh Giáo Hội.

Sự kiện này đôi khi có thể làm cho chúng ta thắc mắc: Tại sao ông Phêrô chỉ là một ngư phủ tầm thường, không bằng cấp, thậm chí ông là một người đầy những yếu đuối, mới chối bỏ Thầy cách đây vài ngày, thế mà giờ đây Thầy đã không một lời trách móc hay hạch tội ông, mà còn trao cho ông một sứ vụ, một ơn gọi thật lớn lao như vậy? Phải chăng ông Phêrô có khả năng lãnh đạo tài tình? Không phải vậy! Nhưng chính tình yêu và lòng trung thành của ông Phêrô mà Thầy Giêsu đã trao cho ông một sứ vụ làm thủ lãnh Giáo Hội. Hay nói cách khác, Đức Giêsu không xây dựng Giáo Hội của Ngài trên sức mạnh của con người, nhưng xây dựng trên tình yêu và lòng trung thành của con người.

Khi đọc lại các sách Tin Mừng, chúng ta dễ dàng thấy rõ con người của ông Phêrô: Ông là người rất bộc trực, tính tình nóng nảy, nhiều sai sót và phản ứng rất mau lẹ trước mọi biến cố. Nhiều lần ông hành động mà không suy nghĩ và đã được Đức Giêsu sửa dạy nhiều điều. Có lần khi Thầy đang loan báo về cuộc thương khó, ông đã vội can ngăn Thầy và tức thì bị Thầy mắng: “Satan, hãy lui ra đằng sau Thầy” (Mc 8,33). Hoặc khi Thầy rửa chân cho ông để dạy cho ông bài học yêu thương phục vụ thì ông lại từ chối: “Không được, không đời nào Thầy mà lại đi rửa chân cho con…” (Ga 13,8). Chưa hết, khi binh lính đến bắt Chúa, ông Phêrô đã nhanh tay rút lấy gươm mà chém đứt tai của một người đầy tớ vị thượng tế (x. Ga 18,10). Và tệ hại hơn nữa, trong lúc Thầy mình đang gặp khốn khó, đáng lẽ ông Phêrô phải đứng ra bênh vực Thầy mình, như ông vừa mới hùng hồn thề hứa rằng dù mọi người có bỏ Thầy thì Phêrô này không bao giờ. Nếu có phải chết, Phêrô này cũng xin được sẵn sàng chết cùng Thầy (x. Mt 26, 33), nhưng ông Phêrô đã không làm như vậy; ông đã thẳng thừng chối bỏ Thầy mình, chối đến ba lần (x. Ga 18,17; 25-27).

Sau biến cố tử nạn của Thầy Giêsu, các tông đồ nói chung và ông Phêrô nói riêng hoàn toàn thất vọng và buồn chán vì đã ba năm bỏ gia đình, vợ con, bạn bè và nghề nghiệp mà đi theo Thầy, mong tìm được một chút địa vị. Thế mà bây giờ địa vị cũng chẳng có mà ngay cả người Thầy của mình cũng bị người ta giết chết. Thế là ông Phêrô đành an phận trở lại với nghề đánh cá cũ của mình.

Tuy vậy, tâm hồn ông vẫn ngấm ngầm một nỗi niềm mong chờ được gặp lại Thầy của mình. Do đó, khi vừa nghe môn đệ được Đức Giêsu yêu mến nói “Chúa đó” thì ông Phêrô không còn kịp chèo thuyền vào bờ nữa mà vội khoác áo vào rồi nhảy xuống nước để đến với Chúa cho nhanh hơn.

Gặp được Chúa rồi thì một bữa ăn thật ấm cúng tình thầy trò được dọn ra. Sau bữa ăn đó, Đức Giêsu bắt đầu thẩm vấn ông Phêrô về tình yêu và trao cho ông một ơn gọi, một sứ vụ mới, đó là làm thủ lãnh Giáo Hội. Đức Giêsu không hỏi Phêrô học ở đâu? Tốt nghiệp đại học nào? Hay có bằng cấp lãnh đạo chưa? Nhưng Đức Giêsu chỉ hỏi Phêrô rằng: “Phêrô, anh có yêu mến Thầy hơn những anh em khác không”? Ngài không chỉ hỏi một lần mà hỏi đến ba lần.

Thiết nghĩ, câu hỏi đó rất khó cho ông Phêrô để trả lời, bởi vì mới ngày nào đó ông đã chối Thầy tới ba lần, rồi hôm nay Thầy lại hỏi “có yêu mến Thầy không”. Hết sức ngại ngùng! Thế nhưng ông đã không bỏ lỡ cơ hội hiếm có và ông đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Thưa Thầy có, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Ba lần trả lời của Phêrô thì cũng là ba lần Chúa trao cho Phêrô sứ vụ cai quản Giáo Hội. Ba lần chối Chúa thì giờ đây cũng ba lần ông Phêrô nói lời yêu thương để tuyên xưng lại niềm tin. Từ đó, ông đã thực sự trở nên thủ lãnh của Giáo Hội, chăm sóc đoàn chiên của Thầy, và cuối cùng ông đã hiến mạng sống vì đoàn chiên của mình. Thật vậy, ông đã yêu “như chính Thầy đã yêu” (x. Ga 15,12).

Như vậy, ông Phêrô không những trung thành với ơn gọi của mình cho đến chết mà ông còn cảm thấy hân hoan vì được chịu khổ vì Thầy. Sự trung thành này chúng ta có thể thấy rõ trong bài đọc I: Khi bị cấm không được rao giảng Đức Kitô cho người khác thì các tông đồ, trong đó có ông Phêrô đã mạnh dạn trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29).

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta cũng được Chúa trao cho một ơn gọi; đó là ơn gọi làm Kitô hữu, ơn gọi làm con Chúa. Đây là ơn gọi đầu tiên và quan trọng nhất. Mặc dù chúng ta cũng có nhiều sự yếu đuối, đầy những thấp kém nhưng Chúa luôn yêu thương và kêu gọi chúng ta để trở thành những Kitô hữu tốt. Điều đáng tiếc là có nhiều người Kitô hữu không sống đúng với danh nghĩa của mình.

Chúng ta là những Kitô hữu, không phải chỉ để cho có danh, nhưng chúng ta phải hành động, phải sống đời Kitô hữu của mình. Chúng ta phải là ngọn đèn chiếu tỏa ánh sáng của Chúa cho mọi người. Không có lời rao giảng nào hữu hiệu cho bằng việc rao giảng bằng chính đời sống gương sáng của chúng ta. Hay nói cách khác, chúng ta hãy không chỉ “giữ đạo” mà còn biết “sống đạo.” Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Côrintô đã kêu mời tín hữu của mình cứ sống theo địa vị: “Thưa anh em, khi được kêu gọi ở địa vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa” (1 Cr 1, 24). Vậy chúng ta đã là những Kitô hữu thì chúng ta hãy sống trọn vẹn ơn gọi làm Kitô hữu của mình.

Xin Chúa ban ơn để mỗi người chúng ta biết ý thức lại và sống ơn gọi Kitô hữu của mình để chúng ta luôn là gương sáng cho người khác, để chúng ta luôn là men là muối ướp cho mặn đời.

 

Bài trướcHọc hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 2019
Bài tiếp theoPhục Sinh – Tuần III – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.