Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 25 Thường Niên – Năm B

0
675

Bài Ðọc I: Kn 2, 12. 17-20

“Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã”.

Trích sách Khôn Ngoan

(Những kẻ gian ác nói rằng:) “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 53, 3-4. 5. 6 và 8

Ðáp: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con (c. 6b).

Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin. – Ðáp.

2) Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối, và bọn người hung hãn tìm sát hại con, bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước mặt mình. – Ðáp.

3) Kìa, Thiên Chúa phù trợ con, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa. Lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Gc 3, 16 – 4, 3

“Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.

Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 9, 29-36

“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

PHỤC VỤ TRONG KHIÊM NHƯỜNG

Lm. Phaolô Đậu Văn Pháp, SVD

Tin Mừng thánh Máccô được viết ra đầu tiên trong các sách Tin Mừng. Ngài tường thuật những biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu và các Tông đồ một cách đơn sơ, ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề.

Thánh Máccô nói về cuộc sống của các Tông Đồ cũng là cuộc sống của mỗi người sống trên trần gian, cũng mang những hệ lụy của con người, những yếu đuối, những tật xấu của con người.

  1. Từ chuyện ngoài đường

Trên đường đi, các Tông Đồ đã tranh luận với nhau, ai là người lớn nhất trong các ông. Thói đời là thế tranh giành nhau, đấu tranh với nhau để tìm vị trí cao hơn trong xã hội. Đó cũng là chuyện xảy ra trên đường đời: “Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào” (Ca dao Việt Nam).

Cũng vì cái danh vọng đó mà người ta tốn biết bao công sức để đạt cho được, người ta đã đấu tranh nhau về mọi phương diện, không những cái danh, mà kể cả thể xác, sức mạnh và sự giàu có… như “Ai là người giàu nhất thế giới? Người đẹp nào là hoa hậu hoàn vũ 2013? Đội bóng nào là vô địch của World Cup 2014?”.

Chuyện đời thì người đời nào mà không vướng phải. Chuyện gì đã xảy ra giữa các Tông Đồ, cũng cho phép chúng ta nghĩ, là không tránh khỏi trong các gia đình, trong các cộng đoàn tín hữu, trong các cộng đoàn Dòng tu và trong Giáo Hội! Vấn đề đặt ra ở đây là chức quyền mà chúng ta đang có là để làm gì? Quyền đi đôi với phục vụ, hay nói cách khác, người càng làm lớn thì phải phục vụ nhiều hơn. Về phần mình, Chúa Giêsu đã có lời tâm huyết với các Tông Đồ, như là bài học để đời cho các ông, cũng như cho những người lãnh đạo các cộng đoàn đức tin sau này, rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và là người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).

  1. Đến chuyện trong nhà

Tin Mừng Máccô kể, sau chuyện tranh luận với nhau ngoài đường rồi, đến Ca-phác-na-um, khi các Tông đồ vào nhà Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai để giảng dạy; điều này muốn nói lên một ý rất quan trọng là, Lời giảng dạy của Chúa Giê-su muốn nhắm đến một cách toàn thể truyền thống, hay nói cách khác, đây là lệnh truyền.

Nói rõ hơn là Chúa Giêsu đem ra một mẫu mực, chân dung của người môn đệ Chúa trong cung cách của người phục vụ: Phục vụ trong khiêm nhường. Người làm lớn không phải là để cai trị, nhưng là để phục vụ kẻ khác như chính Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến để phục vụ, chứ không phải là được phục vụ” (Mc 10,45).

Thái độ phục vụ của Chúa Giêsu đã trở nên gương mẫu cho cung cách phục vụ của Giáo Hội. Giáo Hội là đoàn người Kitô hữu, là những người theo Chúa. Điều mà chúng ta cần nhớ là động từ theo, là làm cho giống, bắt chước cho giống; chúng ta phải bắt chước Chúa Giêsu để giống Chúa.

Bởi đó, quá trình của đời sống đức tin, là một quá trình biến đổi. Đức tin của chúng ta phải được biến đổi hằng ngày, mỗi ngày mỗi giống Chúa Giêsu hơn.

Mỗi ngày chúng ta phải được đổi mới, canh tân nhờ Lời Chúa và Thánh Thần mà chúng ta lãnh nhận hằng ngày. Điều đó cho ta xác tín rằng, ai càng siêng năng cầu nguyện, thường xuyên nghe và suy niệm Lời Chúa, siêng năng tham dự Thánh Lễ với tâm tình đạo đức, thì người đó sẽ luôn tiến triển trên con đường nhân đức.

Chúng ta theo Chúa cũng có nghĩa là đi theo con đường Chúa đi, đó là con đường tự hạ, con đường từ bỏ mà Thánh Phaolô đã nhận ra được và đã vẽ lại cho chúng ta thấy trong Thánh ca Philípphê (Pl 2,5-11). Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha, bởi vì yêu thương nhân loại lỗi lầm, nên Ngài đã sinh ra làm người để cứu độ chúng ta. Ngài đã từ trời xuống đất, từ thiên cung đến trần gian, nhất là từ bỏ sự giàu sang phú quý trong chức phận làm Con Thiên Chúa, để trở nên con loài người mang thân phận con người, sống kiếp con người và trở thành người nô lệ để phục vụ mọi người (Mc 10,44).

Đó là linh đạo của Kitô giáo, là con đường sống, con đường hành động của người tín hữu chúng ta.

Người được nhiều người tôn vinh và trân trọng không phải là người quyền thế, giàu sang mà là người có lòng bao dung và hết lòng yêu thương mọi người, nhất là yêu thương những người nghèo khó.

Ngày nay người ta nhắc đến Mẹ Têrêxa Calcutta. Bà chỉ là một nữ tu tầm thường, suốt đời chỉ biết phục vụ âm thầm những người nghèo khổ, bệnh tật, thế mà cả thế giới hết lòng ngưỡng mộ bà và gọi bà một cách thân thương là mẹ. Mẹ Têrêxa là nhân vật của thời đại. Mẹ đã trở thành vĩ nhân của chúng ta. Mẹ là vĩ nhân không phải vì đã tạo nên những công việc lớn lao cho nhân loại, nhưng mẹ được người ta nhắc nhớ nhiều nhờ cuộc sống của mẹ, nhất là trái tim và bàn tay rộng mở của mẹ.

Mẹ Têrêxa đã đi đúng con đường của Chúa đi. Mẹ đã sống theo Chúa để phục vụ những người xấu số và đau khổ. Chúng ta hãy cùng với Chúa Giêsu, như mẹ Têrêxa, từ bỏ tính ích kỷ, kiêu căng mà đến với những người cần đến lòng thương xót của chúng ta.

  1. Con đường mở rộng

Đây là công cuộc của Giáo Hội, đây là thao thức của Giáo Hội hôm nay, được diễn tả qua ý định của Công Đồng Vatican II.

Sắc lệnh Ad Gentes (truyền giáo): Giáo Hội đến với muôn dân, không chờ kẻ khác đến với mình. Giáo Hội với tính cách là thừa sai nên phải đến với kẻ khác. Kẻ khác là anh em lương dân, những người chưa biết Chúa. Họ là thượng khách mà Giáo Hội phải mở cửa để đón mời họ.

Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân): Giáo Hội tự hỏi mình rằng: Tôi là ai? Giáo Hội phải làm gì? Giáo Hội không chọn con đường nào khác con đường mà Chúa Giêsu đã chọn, đã đi: Đi khắp nơi và đến với mọi người (Mc 16,15), nhất là những người nghèo.

Người nghèo là người trắng tay, không có gì để đáp đền. Đó là đối tượng mà Giáo Hội phải phục vụ một cách vô vị lợi. Người nghèo chính là người bé nhỏ. Đó là hình ảnh rất đẹp khi Chúa Giêsu gọi một em bé đứng giữa các Tông đồ mà nói: “Ai đón nhận một người như em bé này là đón nhận Thầy” (Mc 9,37).

 

 

Bài trướcTôn kính cha mẹ: thừa nhận tầm quan trọng của các ngài
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXV – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.