Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 24 Thường Niên – Năm B

0
498

Bài Ðọc I: Is 50, 5-9a

“Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi.

Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).

Xướng: 1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa. – Ðáp.

2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!” – Ðáp.

3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi. – Ðáp.

4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Gc 2, 14-18

“Ðức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?

Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 8, 27-35

“Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

ĐỨC GIÊSU LÀ AI?

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái luôn tò mò muốn biết Ngài là ai. Chính vì thế mà trên đường đi từ Bếtxaiđa tới các làng vùng Xêdarê Philípphê, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai ?” (Mc 8,27). Dựa trên câu trả lời của các môn đệ, chúng ta biết rằng người Do thái thời bấy giờ chỉ xem Chúa Giêsu là ông Gioan Tẩy Giả, hay là ông Êlia, hay là một ngôn sứ nào đó (Mc 8,28).

Sau đó, Chúa Giêsu lại hỏi chính các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29). Thánh Phêrô đã đại diện cho các môn đệ để trả lời. Thánh nhân tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Tuy nhiên, Đấng Kitô trong tâm trí của thánh Phêrô có tính cách trần tục, nghĩa là một Đấng Kitô vinh hiển, một Đấng Kitô đến để giải phóng dân tộc Do Thái và làm cho nước này trở nên hùng cường và bá chủ địa cầu. Vì thế, khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc Thương khó và Phục sinh của mình (Mc 8,31), thánh nhân đã khuyên can và trách móc Ngài (Mc 8,32). Đứng trước tư tưởng ấy, Chúa Giêsu đã trách cứ thánh Phêrô: “Xa-tan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33).

Quả thật, tư tưởng của loài người chúng ta không phải là tư tưởng của Thiên Chúa. Theo Socrates, con người chúng ta luôn luôn truy tìm hạnh phúc. Và một học trò của Socrates, tên là Aristippus, tin rằng mục đích của cuộc sống con người là để đạt được sự hưởng thụ về giác quan cao nhất có thể được. Ông nói: “Cái thiện cao nhất là niềm khoái lạc, cái ác lớn nhất là nỗi đau đớn.” Thế nhưng, Chúa Giêsu lại nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 34-35).

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng đặt ra cho chính chúng ta câu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Chúng ta sẽ tin tưởng và đi theo một Giêsu vinh quang, giàu có, sung túc, quyền lực theo tư tưởng của loài người? Hay chúng ta tin tưởng và đi theo một Giêsu nghèo khó, không phú quý giàu sang, không vinh quang như vua chúa quan quyền trần gian, nhưng yêu thương con người đến mức tự hủy mình ra không, đã xuống thế nhập thể làm người, đã chung chia kiếp người với chúng ta và cuối cùng đã hiến mạng sống mình trên cây thập giá làm giá chuộc cho muôn người?

Nếu chúng ta tin tưởng và đi theo một Giêsu trải qua cuộc Thương khó và Phục sinh, chúng ta phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo Ngài. Thập giá trong cuộc sống, hay nói cách khác hơn là đau khổ trong cuộc sống, không phải là đích điểm của cuộc đời chúng ta. Nhưng trải qua đau khổ chúng ta mới trở nên hoàn thiện. Người Việt Nam thường nói: “Có công mài sắt, có ngày nên kim.” Trong cuộc sống trần gian này không ai đạt tới một thành quả nào đó mà không phải trải qua những vất vả, khổ sở.

Để minh họa cho điều này, tôi xin kể câu truyện của nữ thủ tướng Golda Meir: Khi còn là một thiếu nữ, Golda Meir rất thất vọng về nhan sắc của mình. Cô viết: “Mãi về sau, tôi mới nhận ra rằng không được đẹp lại là một cái may mắn ẩn chìm, bởi vì điều ấy  buộc tôi phải khai triển những tài năng sâu kín hơn. Cuối cùng tôi hiểu được rằng phụ nữ không thể ỷ lại vào sắc đẹp của mình, mà phải làm việc chăm chỉ để nhờ đó… mang lại ích lợi cho mình hơn. Nói cách khác, Golda Meir đã biết chấp nhận thập giá của mình. Cô đã không kêu gào than khóc, không bẳn gắt, căm hờn. Cô biết cam nhận vác nó lên với lòng can đảm, để rồi cuối cùng cô đã trở nên nữ thủ tướng đầu tiên của Ítraen (M. Link,  Giảng lễ Chúa nhật B, tr. 327).

Hội dòng Mến Thánh giá có một khẩu hiệu để làm câu tâm niệm hằng ngày rất có ý nghĩa: “Per crucem ad lucem”, nghĩa là, qua thập giá tới vinh quang. Đúng thế, Chúa Giêsu phải trải qua cuộc Thương Khó mới tiến tới ngày Chúa Nhật Phục Sinh vinh quang. Thật sự, đạo là một hành trình, tiến bước trên con đường hẹp để đi tới vinh quang.

Tuy nhiên, thường thì con người chúng ta dễ đánh mất niềm tin và than trách Thiên Chúa trong đau khổ. Cho nên, làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua mọi gian lao thử thách trong cuộc sống hằng ngày mà vẫn trung kiên theo Chúa Giêsu Kitô đến cùng? Bài ca thứ ba viết về Người Tôi Tớ đau khổ của Giavê (Is 50,4-9) mà chúng vừa nghe một phần trong bài đọc I (Is 50,5-9a) chỉ cho chúng ta cách thức làm thế nào để kiên trung vác thập giá mình mà theo Chúa Giêsu cho đến cùng. Đó chính là tựa nương vào Chúa trong mọi gian nan thử thách, vì Chúa là Đấng phù trợ chúng ta.

Vì thế, trong Thánh Lễ này, hãy dâng lên Chúa những đau khổ, những thập giá hằng ngày mà chúng ta đang mang vác. Và hãy xin Ngài trợ lực và bổ sức cho chúng ta để chúng ta vác thập giá mình mà theo Ngài cho đến cùng.

Bài trướcĐức Tổng giám mục Zalewski, Đại diện Toà Thánh, lần đầu tiên lên tiếng với cộng đoàn tại Hà Nội
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXIV – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.