Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 23 Thường Niên – Năm B

0
363

Bài Ðọc I: Is 35, 4-7a

“Tai người điếc sẽ mở ra và người câm sẽ nói được”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.

Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 2a)

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Ðáp.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Ðáp.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Gc 2, 1-5

“Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo để hưởng nước Người đó sao?”

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này”. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh, anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?

Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 7, 31-37

“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

HÃY MỞ RA

Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD

Hiểu biết Lời Chúa và bối cảnh Tin Mừng

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia đã được Thiên Chúa sai đi khuyên dạy và loan báo cho dân chúng về thời báo phúc sắp tới. Khi thời đó đến, mắt người mù sẽ mở ra, người điếc được nghe, người câm nói được, người què sẽ nhảy nhót như nai. Quả thật, thời đó đã hiện thực khi Chúa Giêsu đem thời báo phúc đến và thực hiện những gì ngôn sứ Isaia đã tiên báo.

Câm điếc thể xác là một đau đớn khốn khổ cho con người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Máccô kể lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng. Chúa đã nhìn thấy cảnh khốn cùng của người câm và điếc; họ được sinh ra như bao con người khác nhưng họ không được may mắn như những người khác. Trong văn hóa Do Thái, những người bệnh được xem như là người bị chúc dữ, là kẻ tội lỗi. Vì thế, họ bị mọi người đối xử tệ bạc, xua trừ và đẩy ra bên lề xã hội. Họ là hiện thân của những người nghèo.

Nghe và nói là hai khả năng rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống của con người. Ai nghe không được hoặc nghe không rõ thì hiểu không đúng ý người khác và có thể dẫn đến hiểu lầm và làm sai, dẫn tới sự mặc cảm và lùi vào sự cô lập và cô đơn. Bên cạnh đó, nói là khả năng giúp con người giao tiếp; người ngọng cũng làm cho người khác không hiểu mình, hoặc mình diễn tả nhưng người khác không hiểu thì cảm thấy đau khổ. Vì thế, Chúa luôn chạnh lòng thương và luôn mở lòng ra đối với những con ngưới bất hạnh có hoàn cảnh tương tự. Chúa đến để giải thoát họ khỏi những trói buộc của bệnh tật, trói buộc của xã hội, trói buộc của luật lệ giáo điều khắt khe, trói buộc của thế lực sự dữ và trói buộc của tội lỗi.

Bối cảnh trong Tin Mừng hôm nay diễn ra giữa miền Thập Tỉnh, nghĩa là giữa miền đất của dân ngoại, có dân Do Thái và dân ngoại lẫn lộn. Bệnh nhân là một người dân ngoại vừa câm vừa ngọng. Theo y học thì điếc và ngọng thường đi đôi với nhau vì cơ quan thính giác và thanh quản có liên hệ với nhau. Điếc và ngọng tức là mất khả năng giao tiếp với người khác. Người khác nói thì họ không nghe, họ nói thì người ta không hiểu.

Phương pháp mà Chúa Giêsu chữa bệnh cho anh chàng vừa  điếc vừa ngọng này cũng khá lạ thường và hiếm gặp trong Tin Mừng: Đức Giêsu đã đặt ngón tay vào tai anh, nhổ nước miếng và bôi vào lưỡi anh rồi ngước mắt lên trời mà nói Éphatha, hãy mở ra (Mc 7,34). Hành động đặt ngón tay vào tai, vì anh ta không thể nghe được nên Chúa phải dùng cử chỉ và hành động thay vì lời nói. Cũng vậy, cử chỉ bôi nước miếng vào lưỡi là một hành động chữa bệnh của một vị lương y, đụng chạm trực tiếp đến bệnh nhân và chữa theo phương pháp của thầy thuốc. Tuy nhiên, người bệnh nhân khỏi bệnh lại do sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa.

 Chúa Giêsu kéo riêng người bệnh ra một chỗ và sau khi chữa lành anh thì cấm những người chứng kiến loan tin về việc này. Vì Chúa Giêsu đang ở trong vùng dân ngoại, Ngài chưa muốn thể hiện công việc của Ngài là một Đấng Thiên Sai, có nghĩa là chưa dám hoạt động công khai, mà chỉ muốn thể hiện việc chữa lành của Ngài như một thầy thuốc, thầy lang, đế tránh sự hiếu kỳ của dân chúng.

Hướng mục vụ và áp dụng cuộc sống

Việc Chúa Giêsu chữa cho một người điếc và ngọng trong Tin Mừng hôm nay không chỉ cho người đó mà còn cho cả mỗi người chúng ta hôm nay. Nhiều khi chúng ta có đôi tai thính mà không biết lắng nghe, có miệng lưỡi ăn nói lưu loát nhưng không biết nói những điều tốt đẹp và những điều đáng nói. Cho nên chúng ta cũng cần Chúa chữa trị.

Chúa Giêsu ngước mắt lên trời thở ra và nói Éphatha, hãy mở ra. Chúa Giêsu còn tiếp tục thở ra, than phiền, động lòng và thương cảm nếu chúng ta không biết mở ra chính mình, mở tai để nghe người khác, mở lòng để đón nhận anh chị em, mở đôi tay để chia sẻ với người nghèo, mở đôi chân để đi đến với những người thất vọng trong cuộc sống.

Trong nhà thờ, người Kitô hữu phải biết mở tai, mở lòng để lắng nghe Lời Chúa, để hiểu ý Chúa muốn nói với chúng ta. Ngoài xã hội, trong gia đình, trong công sở và trong trường học chúng ta cũng phải tập nói và lắng nghe nhau trong cuộc sống. Hãy tập lắng nghe tiếng nói của những tâm hồn cô đơn, người phiền muộn, kẻ âu lo, người nghèo đói. Hơn nữa, nghe và nói là hai phương tiện truyền thông đi đôi với nhau. Con người trong xã hội phải biết giao tiếp tốt qua việc nghe và nói, trao đổi và đối thoại. Câm điếc là thái độ của người khép kín trong chính mình, tự cô lập không chịu mở ra với người khác, không chịu trao đổi và đối thoại nên thường cố chấp, bảo thủ và chủ quan. Về mặt thiêng liêng, nhiều khi chúng ta cũng điếc và ngọng, vì tai tâm hồn chúng ta chưa hiểu biết và lắng nghe Lời Chúa cũng như chưa lắng nghe nhau. Và miệng lưỡi chúng ta cũng chưa ca tụng Chúa cho xứng. Xin Chúa mở tai và miệng tâm hồn chúng ta.

Việc lắng nghe và suy niệm bài Tin Mừng hôm nay làm chúng ta nhớ lại nghi thức Thanh Tẩy khi vị linh mục hoặc phó tế sờ vào tai và miệng của người được rửa tội và nói: “Chúa Giêsu đã làm cho người điếc nghe được, người câm nói được. Xin Người cũng sờ vào tai con để con đón nhận Lời Người và sờ vào miệng con để con tuyên xưng đức tin vào Người, để ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa Cha chúng ta”. Hơn nữa, qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta được Chúa Thánh Thần mở tai để lắng nghe tiếng Chúa và nghe tiếng anh chị em, tiếng lương tâm và tiếng lòng; được mở lưỡi để ca tụng Chúa, để nói lời tốt đẹp yêu thương với anh chị em đồng loại; được mở mắt đức tin để hiệp thông với Chúa và Giáo Hội, nhìn thấy ơn Chúa và nhìn thấy anh chị em. Từ đó chúng ta sẽ yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em hơn.

Qua phép lạ mở tai, mở miệng cho người điếc và ngọng này, Chúa Giêsu đã phục hồi thể lý và mang lại niềm hy vọng sức khỏe cho anh ta. Ngoài ra, Ngài còn tỏ cho chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa trên bệnh tật và sự dữ; Ngài đến để giải thóat cho con người khỏi đau khổ của bệnh tật thể lý và tâm hồn. Ngài thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta một bài học là  hãy để ơn Chúa và Thánh Thần tháo mở tâm hồn chúng ta để chúng ta được giải thoát khỏi những bệnh tật của thân xác và tinh thần, để chúng ta được tự do mở lòng ra đối với anh chị em bất hạnh bên cạnh chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Và chắc chắn chúng ta mở lòng ra với tất cả mọi người không thiên tư, thiên vị trong tình thương và phục vụ. Như Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai đã khuyên dạy chúng ta: “Đã tin vào Đức Giêsu thì đừng đối xử thiên tư. Vì Chúa đã yêu thích và chọn những con người nghèo khó và bé nhỏ để họ trở nên giàu đức tin mà thừa hưởng Vương Quốc” (Gc 2,5).

Khi sờ vào tai và miệng của người bệnh, Chúa Giêsu cũng sờ vào chính tâm hồn anh ta, và anh ta được mở lòng ra để đón nhận Ngài và hòa nhập với cộng đồng. Khi chúng ta tuyên xưng đức tin và khi miệng lưỡi chúng ta đụng chạm tới Mình Máu Thánh Chúa là Chúa đã đụng chạm tới tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta mở lòng ra với mọi người. Xin cho trái tim chúng ta luôn luôn mở rộng để hòa vào nhịp đập yêu thương của Chúa và của anh chị em đồng loại, nhất là những con người bất hạnh, bệnh tật thể lý và tinh thần xung quanh chúng ta. Éphatha hãy mở ra!

 

Bài trướcCĐ Nhà Chính SVD Việt Nam: Thánh Lễ Tạ ơn Tân Linh Mục Ngôi Lời
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXIII – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.