Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 2 Mùa Vọng – Năm B

0
701

Bài Ðọc I: Is 40, 1-5. 9-11

“Hãy dọn đường Chúa”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa ngươi phán: Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! Hãy nói với Giêrusalem, và kêu gọi rằng: Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi.

Và có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh hiển Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa, vì Ngài đã phán.

Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng. Hãy cất tiếng cao, đừng sợ! Hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Ðây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực; cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng và đưa đi trước những chiến lợi phẩm. Người chăn dắt đoàn chiên Người như mục tử. Người ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. – Ðáp.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau; đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. – Ðáp.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Pr 3, 8-14

“Chúng ta mong đợi trời mới đất mới”.

Trích thơ thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, có một điều anh em không thể không biết là một ngày đối với Chúa như ngàn năm, và ngàn năm như một ngày. Không phải Chúa chậm trễ thi hành lời hứa của Người, như có vài người lầm tưởng, nhưng vì anh em, Người hành động nhẫn nại, Người không muốn ai phải hư mất, nhưng muốn mọi người ăn năn sám hối. Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Trong ngày đó, các tầng trời qua đi trong những tiếng rung chuyển mạnh, ngũ hành đều cháy tiêu tan, trái đất cùng mọi công trình kiến tạo đều bị thiêu huỷ.

Vì mọi vật ấy tiêu tan đi, nên anh em càng phải sống thánh thiện và đạo đức biết bao, khi anh em mong chờ và thôi thúc ngày Chúa đến, ngày mà các tầng trời bốc cháy tiêu tan, và ngũ hành bị thiêu rụi. Nhưng theo lời Người hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, trong đó công lý sẽ ngự trị.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 3, 4. 6

Alleluia, alleluia! – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 1-8

“Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan.

Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

HÃY DỌN ĐƯỜNG CHO ĐỨC CHÚA

Lm. Antôn Trần Xuân Chỉnh, SVD

Trong suốt thời gian rao giảng, Chúa Giêsu thường tìm về hoang địa, tìm cảm nghiệm tĩnh lặng, để nói chuyện với Cha cho tình Cha Con thêm sâu đậm: “Cha ở trong con và con ở trong cha” (Ga17,21). Mùa vọng là mùa đón chờ Chúa đến. Lời Chúa trong Tin Mừng của thánh Máccô hôm nay mời gọi chúng ta hãy dọn con đường của mỗi người chúng ta, để đón chờ Chúa đến. Như vậy, con đường mà Chúa mời gọi là con đường nào? Để trả lời câu hỏi này, trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của cụm từ “tiếng hô trong hoang địa”.

Lạ thường trong lời kêu gọi

Tại sao không ra đứng giữa phố phường để kêu gọi, mà ở trong hoang địa để gọi mời? Trong hoang địa, làm gì có người để nghe. Phải chăng đây là “điều ngớ ngẩn” của Gioan Tiền Hô và cũng là “cái vô duyên” của thánh Máccô khi viết điều này?

Chúng ta biết rằng, hoang địa là nơi có những dấu ấn đặc biệt của dân Chúa. Suốt 40 năm dân Israel đã được Chúa dẫn dắt trong hoang địa. Thiên Chúa cũng đến với dân của Ngài trong hoang địa và đã ký kết giao ước với họ. Trước khi thi hành sứ mệnh, Chúa Giêsu cũng vào hoang địa 40 đêm ngày. Như thế, hoang địa là nơi mà con người có thể đến để gặp gỡ Thiên Chúa, và nhờ đó, con người hằng được Thiên Chúa hướng dẫn đời sống của mình.

Trong sự tĩnh lặng và cảnh đơn sơ nơi hoang địa, Gioan đã gặp được Thần Khí của Thiên Chúa và được Thần Khí của Chúa hướng dẫn. Và vì có Thần Khí của Thiên Chúa nên lời rao giảng của Gioan đã thật trong sáng rõ ràng, và có hiệu lực mãnh liệt trên thính giả khiến họ muốn thay đổi canh tân.

Như thế, điều mà chúng ta xem là “lạ thường và nghịch lý”, lại có một ý nghĩa khá phong phú, để chúng ta chuẩn bị tâm hồn, để chúng ta có cái nhìn trong sáng và cảm nghiệm được ý nghĩa của tinh thần Mùa Vọng, đón chờ Chúa đến. Bởi vì, nơi đây, chúng ta sẽ nhận được ơn soi sáng và được hướng dẫn bởi Thần Khí Thiên Chúa. Và như thế, chúng ta sẽ biết mình phải dọn đường cho Chúa như thế nào. Như vậy, con đường mà chúng ta dọn để Chúa đến là con đường nào?

Con đường nào?

Trong cuộc sống, có rất nhiều con đường. Đường bộ,đường thủy,đường hàng không,đường vô tuyến… Nếu đường bộ mà bị tắc, thì xe cộ và người qua lại không thể lưu thông được. Nếu đường vô tuyến mà bị tắc, thì không thể truyền thông tin được…

Thế nhưng ở đây chúng ta cần lưu ý, con đường mà chúng ta cần phải sửa đổi, đó là con đường tâm linh, con đường liên lạc giữa con người với Thiên Chúa, hay ta còn gọi là mối dây liên kết giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Vậy, việc sám hối phải khởi đi từ việc nhìn cho tỏ tường con đường tâm hồn của chúng ta; có chỗ nào lồi lõm, có chỗ nào quanh co, có chỗ nào khúc khuỷu, để rồi từ đó, chúng ta san, lấp, bạt, uốn cho thẳng để đón Chúa đến.

Nếu như con đường tâm hồn chúng ta có những đỉnh cao khoe khoang khoác lác, vênh vang tự đắc, hay tự cao tự đại, không bao giờ biết nhận lỗi, không bao giờ biết tha thứ, thì chúng ta cần phải bạt đi cho bằng trong sự khiêm nhường nhẫn nại và khoan dung tha thứ.

Nếu như con đường tâm hồn chúng ta có những hố sâu ngăn cách bởi sự thù ghét, chia rẽ, bất hòa, hố sâu tham lam bất chính, đam mê danh lợi, ham thú dục vọng, chúng ta cần phải lấp đầy bằng yêu thương, bác ái, hy sinh và quảng đại.

Nếu như con đường tâm hồn chúng ta có những khúc quanh co của sự dối trá, gian tham, hay khúc quanh co của giả dối, lừa gạt, chúng ta cần phải uốn lại cho thẳng bằng sự chân thành, thật thà và lương tâm ngay thẳng.

Nếu như con đường tâm hồn chúng ta có những chỗ lồi lõm của lời nói độc ác tàn nhẫn, chỗ gồ ghề của phê bình chỉ trích, lười biếng ương ngạnh,chúng ta phải san cho bằng, qua những lời yêu thương và xây dựng, hòa giải và cảm thông.

Chính vì thế, chúng ta cần kiểm tra xem sợi dây liên kết giữa chúng ta với Thiên Chúa như thế nào, và để kiểm tra thật chuẩn xác, thì “hoang địa” là nơi lý tưởng để chúng ta làm việc này. Vì nơi hoang địa, chúng ta sẽ bắt gặp được sự tĩnh lặng thật sự của tâm hồn.

Chính trong tĩnh lặng của tâm hồn, chúng ta sẽ nhận ra những nỗi lo lắng ngổn ngang, những mối bận tâm chia trí vô bổ, những ước muốn vật chất dư thừa, những núi đồi của tính kiêu căng, tự phụ, những quanh co trong cách hành xử gian dối, kỳ thị, thiên lệch thiếu công bằng, thiếu công chính lương thiện, những thung lũng của ích kỷ, ghen tương, tội lỗi xấu xa; lúc đó chúng ta sẽ biết mình cần phải ăn năn sám hối. Và như thế, lời kêu gọi của thánh Gioan Tiền Hô nơi hoang địa thật hữu ích và có ý nghĩa.

Thế nhưng, chúng ta nhận ra những núi đồi, những quanh co và những thung lũng của đời sống khi chúng ta đi vào “hoang địa”, chúng ta cũng khiêm tốn nhìn nhận rằng, không tự mình bạt đi những núi đồi đó cho bằng phẳng, hay uốn nắn những quanh co cho ngay thẳng được, cần phải hướng nhìn về Thiên Chúa là Mục Tử chăn dắt mỗi người chúng ta.

Đây là lý do Thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu Đức Kitô cho dân chúng. Ngài đến sau Gioan nhưng có quyền thế hơn Gioan. Chính Đức Kitô sẽ giải thoát họ và cho họ được sống. Ngài đã đến và Ngài sẽ đến cho dù chúng ta có chuẩn bị và sẵn sàng để đón Ngài hay không. Nếu chúng ta chuẩn bị và sẵn sàng để đón Ngài thì Ngài sẽ giải thoát chúng ta và cho chúng ta được sống.

Để đơn giản và cụ thể hóa con đường thiêng liêng của mình, xin kể một câu chuyện để chúng ta cung suy tư:

Có mười gia đình tham dự cuộc thi trò chơi chuyền đồ vật cho nhau. Mỗi gia đình được trao cho một chiếc bình sứ. Họ đứng xếp hình vòng tròn và chuyền chiếc bình sứ ấy. Gia đình nào cũng làm được cách dễ dàng. Nhưng sau đó, các đồ vật khác được thêm vào: một cái tách trà, một cái đĩa, một cây thánh giá, một chiếc nhẫn cưới, một con búp bê… Đến lúc này, mọi người vừa lo chuyền đồ vật đi, lại vừa lo bắt đồ vật từ tay người khác cùng một lượt, nên nhiều thứ đã bị rơi xuống đất, lạc mất, bể tan hoặc gẫy nát. Thoạt đầu, còn có tiếng cười vui vẻ nhưng sau đó lại có những tiếng kêu la vì nhiều người dẫm lên những mảnh vỡ của các đồ vật rơi trên đất.

Câu chuyện trên giúp chúng ta liên tưởng đến đời sống của mỗi người, hay trong gia đình chúng ta.Cũng giống như trò chơi này, mỗi ngày chúng ta đưa thêm những đồ vật vào trong cuộc sống của mình cũng như của gia đình mình. Đến một lúc nào đó, chúng ta cảm thấy mình bị rối tung, khi vừa ném vừa bắt những đồ vật ấy, và vì thế [mà] nhiều thứ bị trượt khỏi tầm tay và rơi xuống đất, rồi bể tan. Cái bị rơi đó, có thể là “cây thánh giá” biểu tượng cho sự nguội lạnh trong tình liên hệ của chúng ta đối với Chúa. Cái bị rơi đó, có thể là “chiếc nhẫn cưới” biểu tượng cho sự sứt mẻ hay đổ bể trong đời sống vợ chồng. Cái bị rơi đó, cũng có thể là “con búp bê” biểu tượng cho những đứa con bị bơ vơ vì sự rạn nứt và đổ vỡ của đời sống gia đình…

Chỉ có một gia đình thắng cuộc, khi họ đã có sự lựa chọn ngay từ đầu, vì họ biết, họ không thể giữ được mọi thứ.

Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta điều đó. Cần phải vào “hoang địa” để nơi đó chúng ta có thể nhìn lại và loại bỏ tất cả những gì không cần thiết, và chỉ giữ lại những gì cần thiết và có ích cho cuộc sống chúng ta. Và chúng ta sẽ gặp được Chúa khi chúng ta sống như thế…

 

Bài trướcĐức Thánh Cha lo âu vì Mỹ công nhận Jerusalem thủ đô Israel
Bài tiếp theoMùa Vọng – Tuần II – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.