Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 17 Thường Niên – Năm B

0
401

Bài Ðọc I: 2 V 4, 42-44

“Họ ăn xong mà hãy còn dư”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, có một người từ Baal-salisa mang đến dâng cho Êlisê, người của Thiên Chúa, bánh đầu mùa, hai mươi chiếc bánh mạch nha và lúa mì đầu mùa. Người của Thiên Chúa liền nói: “Xin dọn cho dân chúng ăn”. Ðầy tớ của người trả lời: “Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?” Nhưng người ra lệnh: “Cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa phán như sau: ‘Người ta ăn rồi mà sẽ còn dư'”. Ðoạn người dọn cho họ ăn mà còn dư đúng như lời Chúa phán.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 10-11. 15-16. 17-18

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê (c. 16).

Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. – Ðáp.

2) Muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Ngài ban lương thực cho chúng đúng theo giờ. Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho mọi sinh vật được no nê. – Ðáp.

3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. Chúa gần gũi những kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Ep 4, 1-6

“Chỉ có một thân thể, một Chúa, một đức tin và một phép rửa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc.

Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 1-15

“Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.

Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.

Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Ðấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng Lời Chúa:

Lm. Joachim Trịnh Sơn Thạch, SVD

Ăn và uống là một phần quan trọng không thể thiếu cho đời sống của một con người. Năm 2001, tôi có dịp du ngoạn trên quốc lộ 1A bằng xe đạp, một điều làm cho tôi an tâm để hoàn thành hành trình 1000 km là vì trên con đường này có nhiều quán ăn mọc hai bên đường. Khi nào tôi đói thì ghé quán cơm dọc đường để ăn, còn khi nào khát thì ghé quán nước dọc đường để giải khát và nghỉ ngơi đôi chút lấy sức lực để đi tiếp.

Ngày xưa, vào thời Chúa Giêsu, có lẽ không hề có quán xá dọc đường để cho khách bộ hành có thể dừng lại, nghỉ ngơi, ăn uống. Những người đi hành hương Đền Thờ, những người buôn bán, những người đi thăm viếng người thân… thường mang theo một chút tiền bạc và thức ăn dự trữ cho hành trình của mình.

Mặc dù Chúa Giê-su tuyên bố “con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20) thế nhưng trên đường rao giảng Tin Mừng khắp đó đây, ngài vẫn có vài địa chỉ để ngã lưng, nghỉ ngơi và ăn uống với các môn đệ. Những ngôi nhà thân quen mà Chúa Giêsu hay ghé qua như là nhà của chị em Mátta, Maria và Ladarô, nhà của Giakêu, nhà của những người thu thế như Lêvi, nhà ông biệt phái Simon… là những điểm dừng chân an toàn cho Ngài và nhóm mười hai. Hôm nay, Chúa Giêsu đã làm một việc khác mọi ngày; Ngài ăn uống không giống như những lần trước kia. Ngài lánh đám đông dân chúng để nghỉ ngơi bồi dưỡng sau những ngày vất vả rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh cho nhiều người. Ngài cần dành thời gian và không gian riêng cho các môn đệ và cho chính Ngài. Để giảng dạy các môn đệ, Ngài đã chọn một địa điểm lý tưởng là ngọn núi để nghỉ ngơi với các môn đệ. Để tìm thành ý Chúa Cha, Ngài chọn một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Điều này rất cần thiết cho mỗi người chúng ta khi làm việc nơi công sở, nơi trường học nghiên cứu căng thẳng, nơi buôn bán sầm uất suốt tuần thì cũng cần dành một khoảng thời gian và không gian riêng tư cho Chúa, cho gia đình, cho bà con thân thuộc, cho hàng xóm láng giềng trong dịp cuối tuần.

Chúa Giêsu muốn lánh xa đám đông, nhưng nào có được. Ngài và các môn đệ đi thuyền ra giữa biển khơi; còn dân chúng thì đi bộ men theo bờ Biển Hồ. Ngài và các môn đệ đến núi trước, thầy trò đã ngồi với nhau được một chút riêng tư. Nhưng rồi đám đông, kẻ trước người sau, tụ tập lại và kéo nhau đến gặp Chúa Giêsu. Tất cả im lặng chờ Ngài mở lời giảng dạy, nhưng trời đã về chiều, ngày bắt đầu tàn. Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông dân chúng đến với mình.

Theo quan niệm của người Hy Lạp, tình thương xuất phát từ đôi mắt. Ánh mắt nhìn thấy đám đông của Chúa Giêsu gây nên lòng thương xót nơi Ngài, mà khi Ngài đã thương xót thì Ngài không để người ta thất vọng. Xung quanh là núi đồi và biển cả, chẳng có quán xá hay làng mạc để mua gì đó cho dân chúng. Mà có mua thì cũng chẳng đủ vì dân chúng quá đông. Đó là điều mà ông Philipphê đã trả lời khi Chúa đề cập đến việc lấy gì cho họ ăn.

Tuy nhiên, trong cái khó ló cái khôn. Vì Anrê đã chứng kiến nhiều phép lạ Chúa đã làm nên ông tin rằng thầy mình có thể làm điều gì đó. Qua cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và Philípphê, Anrê đã nghe lỏm câu hỏi của thầy và câu trả lời đầy thất vọng của bạn đồng môn. Ông đã nhanh nhẹn đi kiếm một chút thức ăn và vô tình thay, ông đã tìm được bánh mì và cá từ một cậu nhóc vô danh trong đám đông dân chúng; ông bắt đầu gợi ý với Chúa “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6,9). Và thế là, phép lạ bắt đầu từ đây.

Mỗi người trong chúng ta đôi khi cũng gặp những chuyện khó khăn trong cuộc sống mà không có cách giải quyết, nhưng rồi mọi chuyện đều kết thúc tốt đẹp nếu ta biết chia sẻ cho người bên cạnh biết những khó khăn ta đang gặp và cùng nhau tìm cách giải quyết. Nhớ thời bao cấp, giống như nhiều gia đình khác, gia đình tôi kinh tế khó khăn bởi vì làm gì cũng bị “người ta” trù dập, tố cáo. Một thời gian bố bị ở tù với tội danh lôi kéo tụ tập đám đông đọc kinh mà không xin phép, một mình mẹ vừa nuôi mấy anh chị em tôi vừa thường xuyên thăm bố trong trại cải tạo. Các anh chị đau yếu bệnh tật triền miên, bản thân tôi cũng bị bệnh rất nặng. Và rồi, tất cả các thành viên trong gia đình chia sẻ những gánh nặng về kinh tế và tinh thần, mỗi người một công việc nhỏ tùy theo sức của mình. Hơn nữa, mẹ tôi và anh chị em luôn quây quần đọc kinh sớm tối, phó thác mọi sự cho Chúa. Thế rồi thời gian khó khăn cũng qua, bố được ra tù, các anh chị em cũng lớn khôn, gia đình sum họp trong tình thương quan phòng của Chúa.

Khi chúng ta thấy phép lạ Chúa Giêsu dùng năm chiếc bánh và hai con cá của cậu bé nuôi đám đông dân chúng ăn no nê và còn thừa mười hai thúng đầy, chúng ta liên tưởng đến bài đọc 1 kể lại câu chuyện ngôn sứ Êlisa ngày xưa thời Cựu Ước đã dùng phần lương thực được người ta biếu là hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị để cho cả trăm người ăn. Điểm chung của hai hình ảnh này là sự chia sẻ; Thiên Chúa muốn Êlisa chia sẻ phần bánh của mình cho những người khác với lời hứa là họ ăn mà vẫn còn dư” (2 V 4,43). Tương tư như vậy, chính sự chia sẻ của cậu bé mà Chúa Giêsu cũng đã biến phần ăn nhỏ nhoi đó nuôi đám đông năm ngàn người đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ em và vẫn còn dư mười hai thúng đầy.

Sự chia sẻ rất cần trong cuộc sống ngày hôm nay. Chúng ta thấy rằng, con người ngày nay làm ra rất nhiều của cải nhưng nghiên cứu của FAO cho biết, trên thế giới hiện nay cứ 7 người thì có 1 người bị đói thường xuyên và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày. Vì sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Vì kẻ ăn không hết kẻ lần không ra! Con người không biết chia sẻ thành ra 7 người cùng ăn một mâm cơm thì 6 người no, 1 người đói. Nếu mỗi người chỉ cần chia sẻ một chút phần ăn dư thừa của mình thì có thể cứu sống hàng triệu người khác. Đó chính là phép lạ mà chúng ta cũng có thể thực hiện được trong thời đại hôm nay.

Sau những năm rao giang Tin Mừng và làm nhiều phép lạ, trong đó có phép lạ hóa bánh và cá để nuôi đám đông dân chúng, Chúa Giêsu đã để lại cho thế gian chính Ngài qua tấm bánh nhỏ nhoi, bình thường nhưng rất quan trọng trong đời sống con người. Từ của ăn vật chất, Chúa Giêsu đã để lại cho ta một của ăn nuôi linh hồn đó chính là Thánh Thể của Ngài. Ngài không những nuôi năm ngàn người như ngày xưa nhưng Ngài nuôi hàng tỷ người trên thế giới. Qua hơn 2000 năm, Ngài vẫn hiện diện giữa chúng ta và nuôi sống linh hồn chúng ta. Ngài vẫn nhìn từng người chúng ta nhưng Ngài không còn hỏi “Ta lấy đâu ra bánh cho họ ăn đây”, bởi vì chính Ngài là tấm bánh bẻ ra nuôi chúng ta hàng ngày. Vì thế, chúng ta cũng hãy chia sẻ tấm bánh đời ta cho mọi người xung quanh ta mỗi khi ta lãnh nhận chính Mình Máu Thánh Chúa.

 

Bài trướcVIDEO: Thánh Lễ Tuyên Khấn Lần Đầu – Ngôi Lời Việt Nam 2018
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XVII – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.