Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 16 Thường Niên – Năm C

0
442

Bài Ðọc I: St 18, 1-10a

“Ðối với Thiên Chúa có gì khó đâu. Ta trở lại thăm ông và Sara được một đứa con trai”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Ðấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Ðấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Ðấng đã ghé vào nhà con”. Các Ðấng ấy nói: “Như ông đã ngỏ, xin cứ làm”.

Abraham liền vào lều, và bảo Sara rằng: “Hãy mau mau trộn ba đấu bột làm bánh nướng”. Còn ông, ông chạy đến đoàn bò bắt một con bê non hảo hạng, trao cho đầy tớ đem đi nấu. Ông lấy bơ sữa và thịt bê đã chín, dọn ra trước mặt các Ðấng. Chính ông đứng hầu các Ðấng dưới bóng cây.

Ăn xong, các Ðấng hỏi Abraham rằng: “Sara bạn ông đâu?” Ông trả lời: “Kìa, bạn con ở trong lều”. Một Ðấng nói tiếp: “Ðộ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5

Ðáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa? (c. 1a)

Xướng: 1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. – Ðáp.

2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. – Ðáp.

3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Cl 1, 24-28

“Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Ðấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Ðức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 38-42

“Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

ÂN TÌNH ĐỀN ĐÁP ÂN TÌNH

Lm. Antôn Đỗ Quang Quốc, SVD

Huyền thoại Ấn Độ kể rằng: “Thuở trái đất này còn hoang sơ, có một con thỏ tên là Pôlixa rất thương người, ai xin gì cũng cho, không bao giờ từ chối người nào. Ngày kia, một lão ông lom khom chống gậy tới than thở với thỏ Pôlixa:

– Suốt mùa nước lũ vừa qua, lão không có gì để ăn, đói lả người, chắc lão sẽ chết nay mai thôi. Trước khi chết, lão chỉ xin một miếng thịt thỏ mà lão rất thèm thuồng bấy lâu. Vậy thỏ Pôlixa có cho lão được không?

Thỏ Pôlixa nhìn ông lão hom hem yếu đuối, tội nghiệp, liền nói:

– Được rồi, ông chờ cháu một lát.

Thế là Pôlixa vội đi kiếm củi, xếp thành đống, mồi lửa và nói:

– Ông chờ thịt cháu chín, rồi ông lấy mà ăn nhé!

Nói xong, thỏ chụm chân nhảy vào lửa. Bỗng nhiên lửa tắt, ông lão biến mất.

Thì ra đó là một vị thần được sai tới để thử lòng thỏ. Về sau để thưởng công, Thượng Đế đã cho thỏ Pôlixa về vui đùa mãi bên mặt trăng.

Thật vậy, câu chuyện trên minh chứng cho chúng ta một điều này: ân tình đền đáp ân tình luôn mãi là một nét đẹp trong tương quan với nhau. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay lột tả cho chúng ta nhìn thấy được vẻ đẹp đó.

Sách Sáng Thế trình thuật lại việc tổ phụ Ápraham đã ân cần đón tiếp ba sứ giả của Đức Chúa. Câu hỏi được đặt ra để chúng ta cùng suy nghĩ: Bởi đâu tổ phụ Ápraham lại có thể ân cần đón tiếp ba người đàn ông lạ mặt chưa một lần gặp và quen biết? Ông có biết ba người này là sứ giả của Đức Chúa không để rồi ân cần đón tiếp họ? Câu thứ nhất trong bài đọc 1 cho chúng ta câu trả lời: “Ngày ấy, Đức Chúa hiện ra với ông Ápraham tại cụm sồi Mamrê” (St 18,1). Mamrê gợi cho ông Ápraham nhớ lại đó chính là vùng đất thánh, nơi mà Ápraham đã lập bàn thờ kính Đức Chúa sau khi giao ước được tái lập. Đức Chúa phán với ông Ápram: “Ngước mắt lên, từ chỗ ngươi đang đứng, hãy nhìn về phía bắc, phía nam, phía đông, phía tây, vì tất cả miền đất ngươi đang thấy đó, Ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi mãi mãi. Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nhiều như bụi trên mặt đất; nếu người ta đếm được bụi trên mặt đất, thì mới đếm được dòng dõi ngươi” (St 13,14-16). Dữ kiện này có thể giúp cho tổ phụ Ápraham nhận ra ba vị khách là sứ giả của Đức Chúa. Do đó, “ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài” (St 18,2). Hành động sụp xuống đất lạy của tổ phụ Ápraham cho thấy được tấm lòng của ông. Ông rất trọng kính ba vị khách này. Không dừng lại ở đó, tổ phụ Ápraham lấy nước mời các vị khách rửa chân và ngồi nghỉ dưới gốc cây. Ông lấy ít bánh để các vị khách dùng cho chắc dạ. Ông rất khiêm tốn và nhìn nhận bản thân mình là tôi tớ. Ông tiếp tục thết đãi khách quý bằng thịt bê non béo tốt, sữa chua và sữa tươi. Ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa (x. St 18,3-8). Cung cách phục vụ khách quý của tổ phụ Ápraham cho thấy ân tình và lòng hiếu khách của ông. Cung cách đó là gì? Là kính trọng, tận tình phục vụ, quảng đại trao ban. Và Đức Chúa đã trao phần thưởng cho ân tình của ông qua việc sứ giả của Đức Chúa báo tin tổ phụ Ápraham sẽ có một người con mà ông hằng ao ước. Ân tình đền đáp ân tình là vậy.

Tin Mừng thuật lại câu chuyện việc Đức Giêsu đi vào một làng kia nơi gia đình Mácta, Maria và Ladarô đang sinh sống. Thánh Luca không nói rõ mục đích của Đức Giêsu khi vào làng. Có lẽ Người vào làng để giảng dạy và chữa lành. Cũng có thể Đức Giêsu vào làng để thăm gia đình Mácta vì giữa Người và gia đình Mácta rất thân tình. Chúng ta không biết chính xác mục đích của Người. Thế nhưng, thánh Luca thuật lại: “có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà” (Lc 10,38). Việc đón Đức Giêsu vào nhà cho phép chúng ta nghĩ rằng cô Mácta quả thật là một người có lòng hiếu khách và rất yêu mến Đức Giêsu. Cũng như tổ phụ Ápraham trên đây cảm thấu được nỗi mệt nhọc của ba vị khách đi đường dưới trời đang nắng gắt, cô Mácta cũng đã hiểu được sự mệt mọc của Thầy Giêsu và cô muốn mời Người vào nhà nghỉ chân để lấy sức. Không những thế, cô còn tất bật chuẩn bị bữa cơm để thết đãi Thầy của mình. Chắc chắn cô Mácta chuẩn bị rất nhiều món ăn bởi vì lòng yêu mến Thầy Giêsu. Hơn nữa, dù Tin Mừng không nhắc tới các môn đệ nhưng có thể có cả sự hiện diện của các ông. Cô Mácta lo sao cho bữa ăn thật ngon, làm sao để Thầy Giêsu thấy được gia đình cô quý mến Thầy thật lòng. Do đó, cô Mácta phải lo toan chuẩn bị nhiều thức ăn để chiêu đãi khách quý. Bên cạnh đó, cô sợ không chuẩn bị kịp cho bữa ăn và sợ rằng khách sẽ rất đói, nên mới tiến tới thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay” (Lc 10,40). Cô Mácta băn khoăn lo lắng tìm mọi cách để chuẩn bị cho Thầy một bữa ăn thật thịnh soạn. Tất cả những vất vả, lo toan đó minh chứng ân tình, lòng quý mến, lòng hiếu khách của cô.

Lòng hiếu khách của cô Maria cũng không thua kém gì người chị của mình. Cô tiếp đón Thầy qua việc “cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (Lc 10,39). Cô say mê nghe lời Thầy dạy, không màng chi tới việc bếp núc và việc giúp chị lo bữa cơm. Ngồi bên chân Chúa là cử chỉ của một người môn đệ đối với Thầy của mình. Cô Maria quên đi truyền thống Do Thái không cho phép người phụ nữ tiếp chuyện đàn ông. Lòng yêu mến Lời Hằng Sống đã giúp cô vượt qua rào cản văn hoá và truyền thống, vượt qua những đố kị, những trách móc của người khác để rồi say mê, chăm chú và tiếp nhận từng lời Đức Giêsu giảng dạy. Lòng yêu mến Lời Hằng Sống đã giúp cô Maria như hiểu được điều Chúa muốn và yêu lời ấy hơn. Chúa muốn cô nghe lời Người giảng, ở lại trong lời Người, và để Chúa chỉ dẫn con đường đưa tới sự sống đích thật. Như thế, việc cứ ngồi bên chân Đức Giêsu mà nghe lời Người giảng chứng tỏ ân tình, sự yêu mến và hiếu khách của cô Maria.

Vì thế, để đáp lại ân tình của hai chị em Mácta và Maria, Đức Giêsu đã làm điều gì? Người đã trao ban cho hai chị em một giáo huấn rất hữu ích cho đời sống của họ. Giáo huấn đó là gì? Đó là điều Thiên Chúa muốn, không hệ tại là họ làm cho Ngài điều này điều kia, nhưng trên hết và quan trọng hơn cả là để Ngài giáo huấn họ, để hai chị em được biến đổi nhờ những giáo huấn đó: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,41-42). Đức Giêsu không có ý so sánh nhưng Người muốn cả hai chị em biết rằng, phần tốt nhất mà cô Maria đã chọn là nhận ra, lắng nghe và quay về trong sự hiện diện đầy ân sủng của Thiên Chúa. Nhận ra, lắng nghe và quay về trong sự hiện đầy ân sủng của Thiên Chúa sẽ giúp con người nhận thấy rõ chính mình hơn, để được biến đổi mà sống khiêm tốn hơn, để được bình an hơn.

Như thế, trong tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và tương quan giữa con người với nhau, chúng ta được mời gọi hãy có ân tình với Thiên Chúa và với nhau. Bởi vì, ân tình đền đáp ân tình. Khi chúng ta quảng đại đối với Thiên Chúa trong việc tiếp rước Ngài, nhận ra, lắng nghe và quay về trong sự hiện diện của Ngài, Ngài không bỏ rơi chúng ta. Trái lại, Thiên Chúa còn rộng tay ban phát cho chúng ta muôn điều mà chúng ta không hề nghĩ tới hoặc không dám nghĩ tới. Hãy để cho Ngài giáo huấn chúng ta trong mọi hoàn cảnh sống.

Bên cạnh tương quan với Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi sống tương quan với tha nhân. Trong tương quan đó, ân tình chính là sợi dây liên kết con người với nhau. Ân tình sẽ đáp đền ân tình. Khi chúng ta quảng đại trao ban tình thương, lòng vị tha, sự quan tâm, ân cần, chu đáo với người anh chị em mình, chắc hẳn chúng ta cũng sẽ nhận lại được những gì chúng ta trao ban.

 

Bài trướcThánh Lễ Tuyên Khấn Lần Đầu, Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam (16/07/2019)
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XVI – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây