LỜI CHÚA + BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

0
721

BÀI ĐỌC I : Gv 1,2; 2,21-23

2 Ông Cô-he-lét nói : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. 21 Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ. 22 Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời? 23 Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!

 

BÀI ĐỌC II : Cl 3,1-5,9-11

1 Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. 2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. 3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. 4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. 5 Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. 9 Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, 10 và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu. 11 Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.

 

TIN MỪNG : Lc 12,13-21

13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” 14 Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” 15 Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” 16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! 18 Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! 20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

 

BÀI CHIA SẺ:  

SỐNG SIÊU THOÁT VỚI CỦA CẢI VẬT CHẤT

Khi nói tới của cải vật chất, tiền vàng, nhà lầu xe hơi… thì ai mà chẳng ham, ai mà chẳng thích. Con người ta không những ham thích tiền của vật chất mà còn muốn có được nó và muốn chiếm hữu được nó càng nhiều càng tốt. Nhưng chúng ta chớ có vội lấy làm thoả mãn khi có đủ hoặc dư thừa của cải vật chất trong cuộc đời. Hãy biết rằng của cải vật chất tuy rất có giá trị, nhưng nó chỉ là giá trị tạm bợ, chóng qua mà thôi.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhận ra tính chất mong manh, tạm bợ của tiền bạc, vật chất và những gì thuộc về trần gian này. Khi đi vào trong cuộc đời này, chúng ta đâu mang được thứ gì vào, rồi khi từ giã cõi đời này, chúng ta cũng vẫn hai bàn tay trắng ra đi mà chẳng mang theo được gì cả. Thánh Phaolô đã viết: “Quả vậy, chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được” (1 Tm 6,7). Tác giảSách Giảng Viên, khi bàn về vấn đề này, nói rằngtất cả mọi sự trongcuộc đời này đều là phù vân, chẳng có chi là bền vững lâu dài cả (Gv 1,2; 2,21-23).

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cảnh báo rằng của cải vật chất không bao giờ là một bảo đảm cho chúng ta có được hạnh phúc thật hay được sống lâu (Lc 12,15). Nhiều người sẽ cho rằng có của cải vật chất là có thể giải quyết được mọi vấn đề trong cuộc sống và có được hạnh phúc như điều người đời vẫn thường nói: “có tiền mua tiên cũng được”. Có thể trước khi nó đem lại hạnh phúc cho ta thì nó đã gây nên một cuộc chia rẽ, điều đã diễn ra như trong bài Tin Mừng khi có một người đến nhờ Đức Giêsu đứng ra phân chia gia tài cho anh ta, nhưng Người đã trả lời: “Ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho anh”(Lc 12,14). Thậm chí, lòng ham muốn của cải có thể đưa đến mọi tội ác khác, điều mà Thánh Phaolô đã viết cho ông Timôthê: “Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6,10);hay sẽ trở thành một kẻ bị gọi là “đồ ngốc” như trong dụ ngôn về người phú hộ (Lc 12,16-20).

Của cải vật chất, danh vọng, chức quyền đều có giá trị nếu chúng ta đặt nó đúng chỗ, nếu chúng ta biết sử dụng nó như công cụ kiến tạo đời sống đức tin, xây dựng tình yêu thương huynh đệ, hòa giải và thứ tha giữa người với người. Với những ai coi tiền của là cứu cách, coi việc làm giàu là mục đích duy nhất của cuộc sống… thì có thể người ấy sẽ rơi vào mối nguy hiểm là đánh mất tất cả hoặc mất nhiều hơn được. Là một người Kitô hữu đúng đắn, chắc chắn chúng ta sẽ không coi thường hay khinh miệt những gì làm nên cuộc sống con người như của cải, niềm vui. Chúng ta được mời gọi dùng của cải như là phương tiện cho việc xây dựng Nước Trời, xây dựng tình yêu thương nơi mỗi người cũng như nơi mỗi cộng đoàn nơi chúng ta hiện diện.

Lời Chúa hôm nay còn là lời thức tỉnh cho những ai đang chỉ biết tìm cách thu tích cho mình nhiều của cải vật chất. Họ dễ bị rơi vào cạm bẫy xa rời và không còn tôn thờ Thiên Chúa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13); họ cũng dễ xa rời, không còn biết quan tâm đến mọi người xung quanh như người nhà giàu không quan tâm đến anh nghèo Ladarô (x. Lc 16,19-21). Họ trở thành những người như đã chết đối với mọi người, vì không còn có những liên hệ tương quan nhân vị với người khác. Có thể họ là những người nhiều của cải nhưng lại như là người đã chết hay kết cục sẽ trở nên vô nghĩa: “Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,36). Như vậy đó, khi để cho của cải chi phối là lúc con người tự chôn chặt cuộc đời mình vào những thứ vô tri vô giác.

Là người Kitô hữu, mỗi chúng ta được mời gọi hãy sống siêu thoát với của cải vật chất để hướng tâm hồn về với Thiên Chúa, với những giá trị Nước Trời. Chúng ta cũng được mời gọi đừng tìm cách tích trữ những của cải chóng qua mau tàn, mà hãy tìm cách tích trữ những của cải trên trời nơi không sợ bị đánh mất, không sợ bị mối mọt… (x. Mt 6,19-21). Để có được kho tàng trên trời mai sau, chúng ta hãy hướng tâm hồn mình về những gì thuộc về Nước Trời như Thánh Phaolô khuyên nhủ trong bài đọc hai: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,2). Muốn vậy, chúng ta phải loại bỏ những gì là xấu xa, tội lỗi trong con người mình như Thánh Phaolô đề cập đến, đó là: “gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam”(Cl 3,5); và hãy thực thi đức công bình, sống bác ái yêu thương hết thảy mọi người, đặc biệt hãy quan tâm đến những người nghèo khó, ốm đau, bệnh tật, nhất là cô nhi, quả phụ và những người vô gia cư mà xã hội không quan tâm đến.

Lạy Chúa Giêsu, sống siêu thoát với tiền của vật chất trong thời đại mà vật chất đang được tôn lên như “vị thần” quả là khó khăn biết bao. Xin cho mỗi người chúng con biết học nơi Ngài, dám chấp nhận mang lấy sự nghèo khó, thua thiệt ở đời này vì Nước Trời để được Ngài ban cho vinh quang và hạnh phúc viên mãn ngày sau. Amen.

Lm. Giuse Phan Hoàng Huy,SVD

 

Bài trướcAudio Chúa Nhật XVIII TN – C
Bài tiếp theoTân Tập Sinh SVD Việt Nam, Niên khóa 2016 – 2017

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.