BÀI GIẢNG (Chúa Nhật, Tuần 3 Mùa Chay – A)

0
805

Bài Ðọc I: Xh 17, 3-7

“Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: “Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy”. Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: “Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi”. Chúa liền phán bảo Môsê: “Ngươi hãy tiến lên, đi trước dân chúng và dẫn các bậc kỳ lão Israel đi theo, tay ngươi cầm gậy mà ngươi đã dùng mà đánh trên nước sông. Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống”. Môsê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Israel. Ông đặt tên nơi đó là “Thử Thách”, vì con cái Israel đã phàn nàn và thách thức Chúa mà rằng: “Chúa có ở với chúng tôi hay không?”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!” (c. 8)

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người! – Ðáp.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Ðáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 5, 1-2. 5-8

“Lòng mến Chúa đổ xuống lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được hoà thuận với Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Nhưng cậy trông không làm hổ thẹn, vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta. Ngay từ khi chúng ta còn yếu hèn, Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 4, 42 và 15

Lạy Chúa, Chúa thật là Ðấng cứu chuộc thế gian; xin ban cho con nước hằng sống, để con không còn khát nữa.

Phúc Âm: Ga 4, 5-42 (bài dài)

“Mạch nước vọt đến sự sống đời đời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.

Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria).

Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: “Xin cho tôi uống nước”, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.

Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”

Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa”. Chúa Giêsu bảo: “Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây”. Người đàn bà đáp: “Tôi không có chồng”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Bà nói “tôi không có chồng” là phải, vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó”.

Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”.

Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.

Người đàn bà thưa: “Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.

Vừa lúc đó các môn đệ về tới. Các ông ngạc nhiên thấy Ngài nói truyện với một người đàn bà. Nhưng không ai dám hỏi: “Thầy hỏi bà ta điều gì, hoặc: tại sao Thầy nói truyện với người đó?” Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: “Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Ðấng Kitô?” Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài, trong khi các môn đệ giục Ngài mà rằng: “Xin mời Thầy ăn”. Nhưng Ngài đáp: “Thầy có của ăn mà các con không biết”. Môn đệ hỏi nhau: “Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?” Chúa Giêsu nói: “Của Thầy ăn là làm theo ý Ðấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài. Các con chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt đó ư? Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Ðúng như câu tục ngữ: Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ”.

Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: “Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm”. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế”.

Ðó là lời Chúa.


Bài giảng chủ đề: 

NƯỚC HẰNG SỐNG (Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD)

Nước là một thực thể rất quen thuộc đối với con người và cũng là một yếu tố quan trọng không thể thiếu đối với sự sinh tồn của các tạo vật trần thế. Do đó, nước mang những giá trị biểu tượng mà Kinh Thánh thường sử dụng để chuyển tải những ý nghĩa tinh thần. Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rõ điều đó. Trình thuật lời Chúa trong sách Xuất Hành và trong Tin Mừng của thánh Gioan đã sử dụng hình ảnh nước để hướng người nghe đến một thứ nước siêu nhiên mà khi con người được uống thì sẽ không bao giờ phải khát nữa, đó là  “Nước Hằng Sống”.

  1. Nước đối với sự sống con người

Khởi đầu là hình ảnh nước được nói đến trong sách Xuất Hành.Khi dân Israelđi trong sa mạc cằn khô sỏi đá, họ lâm vào cảnh thiếu bánh ăn, thiếu nước uống; sự sống của họ bị đe doạ. Sống trong hoàn cảnh như thế, họ đã bị khủng hoảng và kêu trách Môsê và mưu tính giết ông vì đã dẫn họ đến thảm cảnh này (x. Xh 17,3-4). Hơn thế, họ còn nghi ngờ cả Giavê Thiên Chúa, Đấng đã đem họ ra khỏi đất Ai Cập để dẫn vào đất hứa (x. Xh 17,7b). Môsê đã cầu xin với Giavê Thiên Chúa và Ngài đã cho mạch nước từ tảng đá ở núi Khôrếp vọt ra để nuôi sống dân Ngài (x. Xh 17,6). Thiên Chúa đã cứu sống và giải phóng họ bằng nguồn nước tự nhiên nuôi sống thể xác và họ đã quay trở về với Thiên Chúa. Tuy nhiên, cái khát của thể xác không đáng ngại cho bằng cái khát về tinh thần. Có lẽ dân Israel lúc này đang khao khát được giải phóng, muốn sớm đạt tới mảnh đất Chúa hứa. Họ khao khát một khung trời tự do; khao khát một đời sống an bình và hạnh phúc; khao khát một tình yêu đích thực mà đã được đính kết bởi Giavê Thiên Chúa bằng giao ước.

  1. Từ nguồn nước tự nhiên đến nguồn nước siêu nhiên

Từ nguồn nước tự nhiên nuôi sống thể xác, Thiên Chúa mặc khải và hướng con người chúng ta đến nguồn “Nước Hằng Sống”. Hành trình và diễn tiến của nguồn “Nước Hằng Sống” mà Thiên Chúa muốn mặc khải cho con người được diễn tả một cách cụ thể qua cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari. Thánh Gioan thật tài tình khi mô tả cuộc gặp gỡ này bên bờ giếng Giacóp. Cuộc gặp gỡ thân tình diễn ra trong khung cảnh Đức Giêsu đang trên hành trình rao giảng và Người đi ngang qua xứ Samari. Samari là vùng đất của dân ngoại. Chiếu theo luật của người Do Thái thì Đức Giêsu không được phép giao du với dân ngoại. Cuộc gặp gỡ và trò chuyện của Đức Giêsu với người phụ nữ Samari là một điều cấm kỵ đối với dân Do Thái dù ở trong hoàn cảnh nào. Cuộc gặp gỡ và đối thoại được khởi đầu bằng một lời thỉnh cầu của Đức Giêsu: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4,7). Lời thỉnh cầu của Đức Giêsu làm cho người phụ nữ Samari ngạc nhiên, ngỡ ngàng nhưng đó cũng là lời khơi dậy cơn khát từ trong thẳm sâu tâm hồn chị ta và cũng là khởi điểm dẫn chị ta đến với Chúa, với niềm tin, đến với một nguồn nước đích thực, đó là “Nước Hằng Sống”.

Từ một thứ nước bình thường, Đức Giêsu đã dẫn người phụ nữ đến một thứ nước trường sinh mà chỉ có Người mới có thể ban tặng. Từ một cuộc gặp gỡ và chuyện trò rất thường tình giữa hai con người với nhau đến một cuộc gặp gỡ và đối thoại chiều sâu giữa hai tâm hồn, giữa Thiên Chúa và người phụ nữ. Cuộc gặp gỡ và chuyện trò thân mật của Đức Giêsu đã xoáy sâu vào cõi lòng khao khát cháy bỏng của chị ta. Mặc dầu chị ta đang ở bên giếng nước, đang kín nước, nghĩa là chị ta không thiếu nước uống, nhưng sâu xa trong cõi lòng vẫn cảm thấy khát, khát một điều gì đó thiêng liêng khó diễn tả. Có thể chị ta đang khao khát một tình yêu, tình người, tình làng nghĩa xóm; khao khát một mái ấm gia đình, một cuộc sống giản đơn và yên bình bên chồng con; khao khát có được một trái tim biết yêu và được yêu, một tâm hồn thanh thoát và thánh thiện; khao khát được hạnh phúc đích thực; khao khát một đấng vô hình nào đó… Chắc hẳn chị ta đang khao khát những điều đó bởi vì chị ta đang sống trong một tình cảnh thực tế quá chua xót là đã trải qua năm đời chồng, đang bước vào đời chồng thứ sáu thế mà chị vẫn cảm thấy không thoả mãn được cơn khát. Tình đời không làm cho chị hết khát, chỉ khi chị gặp gỡ được Đức Giêsu và Ngài đã ban cho chị thứ nước siêu nhiên là sống tình thân với Chúa mới giúp chị ta cảm thấy thoả mãn và hết khát.

Từ chỗ Đức Giêsu khát đến xin nước uống, đến chỗ khơi dậy một cơn khát từ trong sâu thẳm lòng người phụ nữ mà bấy lâu chị ta vẫn luôn khao khát và tìm kiếm, đến nỗi chị không thể cưỡng lại mà phải thốt lên lời thỉnh cầu với Đức Giêsu để xin thứ “Nước Hằng Sống” đó (x. Ga 4,15). Sự khao khát và tìm kiếm của chị được đáp trả: “Hỡi chị, Đấng ấy chính là Tôi, người đang nói với chị đây!” (Ga 4,26). Đấng là dòng “Nước Hằng Sống” đã làm cho người phụ nữ hết khát, không phải là cơn khát của thể lý mà là cơn khát của tâm hồn.

  1. Cái khát thật sự của con người mọi thời

Dòng nước vọt ra từ tảng đá trên núi Khôrép chỉ giải khát tạm thời cho dân Israel. Dòng nước được kín múc từ giếng của ông Giacóp cũng chỉ làm cho người phụ nữ và dân thành Samari nguôi ngoai cơn khát thể xác. Nguồn nước tự nhiên mà chúng ta đang uống hằng ngày cũng chỉ duy trì sự sống và giúp ta giải khát mà thôi. Quả thật, nguồn nước tự nhiên quan trọng đối với đời sống thể xác con người nhưng nó không đem lại sự sống đời đời. Như thế, nước tự nhiên quan trọng thế nào đối với đời sống thể xác thì nguồn “Nước Hằng Sống”, là chính Chúa cũng quan trọng đối với sự sống đời đời của con cái Chúa như vậy. Không có nước, sự sống con người bị đe doạ. Tương tự, một đời sống thiếu Chúa thì sự sống đời đời của con cái Chúa cũng bị đe doạ như thế. Con người cần đến nước như thế nào thì con cái Chúa cần đến Chúa như thế vì chỉ có Thiên Chúa là nguồn nước đem lại sự sống đời đời. Do đó, khi con người sống trong tình thân với Thiên Chúa thì cũng giống như thân xác con người được sống bên dòng suối mát, bên giếng nước trong lành như vậy!

Đời sống của chúng ta cũng sẽ không bao giờ được thoả mãn, không bao giờ hết khát nếu chúng ta tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa, sống chiều theo khuynh hướng và nhu cầu thoả mãn của bản thân, sống trong bóng tối, trong cảnh đời tội lỗi. Nếu chúng ta vẫn lầm lũi trong cái hố sâu của bóng tối tội lỗi thì chúng ta vẫn luôn luôn cảm thấy khát, cái khát sâu xa và da diết của tâm hồn; cái khát được giải phóng, được biến đổi và khát được sống trong tự do, thoát khỏi sự kìm kẹp của thế lực đen tối. Con người thời nay có lẽ không thiếu nước uống nhưng vẫn không bao giờ hết khát. Họ khao khát một tình yêu đích thực; khao khát một tình bạn chân thành; khao khát một đời sống hạnh phúc, bình yên và ấm áp tình người; họ khao khát cuộc sống bình an, hạnh phúc và có ý nghĩa; khao khát có được một môi trường trong lành, khao khát một sự tự do thật sự cả tinh thần lẫn thể xác, … Chỉ sống với Chúa, bên Chúa và trong Ngài thì chúng ta mới có thể hết khát vì Ngài là nguồn nước hằng sống đích thực và chỉ có Ngài mới đem lại cho chúng ta sự thoả mãn cơn khát tinh thần.

Tạm kết

Người phụ nữ Samari bỏ lại tất cả bên giếng nước, bỏ lại vò và gàu múc nước để chạy về thông báo cho dân làng về một thứ nước siêu nhiên mà chị ta vừa mới được mặc khải và kín múc. Chị ta đã cảm nhận được một nguồn nước tinh thần đến từ Đức Giêsu và làm cho tâm hồn và đời sống của chị cảm thấy được an vui và có ý nghĩa. Một nguồn nước dường như gột rửa sạch nơi chị ta cái quá khứ nặng nề, tội lỗi và chán chường; một nguồn nước làm cho chị ta vơi đi cơn khát cháy bỏng trong thẳm sâu lòng mình. Nguồn nước đó đã làm cho cuộc đời chị ta thay đổi hoàn toàn; chị không còn u uất và đau buồn, không còn mặc cảm tự ti và tội lỗi nhưng đã khơi lên một sức sống mới. Chị ta đã không ngần ngại vượt lên sự sợ hãi về tôn giáo, chủng tộc, sự đố kỵ giữa người Samari và dân Do Thái để loan báo về Đấng là nguồn “Nước Hằng Sống”.

Khi chúng ta nhận được nguồn nước sự sống vọt lên từ chính Đức Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi mau mắn chạy đi để loan báo niềm vui, tin mừng đó cho người khác. Biết bao con người đang sống bên cạnh chúng ta cũng đang sống trong tình cảnh bi đát, đang sống trong cơn khát cả về thể xác lẫn tinh thần, xin cho họ biết tìm đến với Chúa là nguồn “Nước Hằng Sống” để đẩy lùi mọi cơn khát trong thể xác và tâm hồn.

 

Bài trướcGiới thiệu sách mới: ANH CHỊ EM LÀ ĐỀN THỜ CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 3 Mùa Chay – A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.