Cộng đoàn Thần học Ngôi Lời Tĩnh Tâm Tháng 10/2016

0
347

Cha giảng phòng: Cha Phao-lô Đậu Văn Pháp

Địa điểm: Học viện Thần học SVD, Mai khôi

Thời gian: 8h:00 ngày 8/10/2016

Thành phần tham dự: Tất cả các anh em trong cộng đoàn Thần học SVD, Mai khôi

Như thường lệ, mỗi tháng cộng đoàn Thần học đều tổ chức một ngày tĩnh tâm với những chủ đề khác nhau. Để chuẩn bị tâm hồn cho anh em mừng ngày lễ Khánh nhật Truyền giáo 2016 được sốt sắng, cha giảng phòng đã chọn chủ để của ngày tĩnh tâm Cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta.”

Bài giảng của cha giảng phòng được gói gọn trong vòng một tiếng đồng hồ, với nội dung xoay quanh chủ đề sứ vụ truyền giáo mà Chúa Giêsu truyền lại cho cách thánh Tông đồ, và Đặc sủng ơn gọi truyền giáo của anh em SVD. Bài giảng của cha có bố cục với hai nội dung chính được trình bày là “Chân dung Ngôi Lời”“Sứ vụ của chúng ta, truyền giáo”

1. Chân dung Ngôi lời

Chúng ta sống và hành động trên nền tảng của Lời Chúa. Lời Chúa là sự thật, là đường dẫn chúng ta đi. Chúng ta nhận biết được Ngôi Lời nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã từng nói với các Tông đồ: “Thánh Thần sẽ nhận tất cả nơi thầy mà loan báo cho các con” (Ga 16,25). Thật vậy, Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn và dạy dỗ Giáo hội, làm cho Giáo hội càng ngày càng hiểu sâu xa hơn lời của Chúa Giêsu. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần mà chúng ta cảm được rằng, Lời Chúa là lời của sự sống đã làm sống dậy, làm biến đổi và làm phục sinh bao tâm hồn. Các thánh Tông đồ đã được sống cận kề ba năm với Thầy Chí Thánh của mình, cùng ăn, cùng uống, cùng nghe lời Thầy giảng dạy hằng ngày, nhưng các ông không nhận ra bản tính Thiên Chúa đích thực nơi Đức Giêsu. Chỉ khi Chúa Giêsu vượt qua cuộc tử nạn và Phục sinh, về trời rồi gửi Chúa Thánh Thần xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông  đồ mới trưởng thành và đầy đủ về đức tin để ra đi làm chứng cho Tin Mừng.

Thánh Gioan Tông đồ đã viết về nguồn gốc của Ngôi Lời: “Từ khởi thủy đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa.”(Ga 1,1). Ngôi Lời là Đấng Vĩnh Cửu, không ở trong thời gian. Đây là điều mà thánh Augustino đã quan niệm được về vĩnh cửu và thời gian. Vĩnh cữu là của Thiên Chúa, thời gian là của con người. Chính vì vậy con người có bắt đầu và có kết thúc vì nó phụ thuộc vào thời gian. Nhưng Thiên Chúa thì vĩnh hằng và nằm ngoài quy luật của không gian và thời gian. Vì vậy với lý trí hữu hạn của con người thì không thể nào nhận biết, chứng minh hay nắm bắt sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi đó “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14).Qua mầu nhiệm nhập thể, Ngôi Lời đã mạc khải về chính mình và mạc khải về Thiên Chúa Cha và Nước Trời cho nhân loại.

2. Sứ vụ của chúng ta: Truyền giáo

Trước khi trao lệnh truyền cho các thánh Tông đồ “ Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mt 16,15),Chúa Giêsu đã là nhà truyền giáo đầu tiên và là nhà truyền giáo mẫu mực cho các học trò noi theo. Trong khoảng thời gian ba năm rao giảng của Chúa Giê-su, Ngài luôn cầu nguyện và kết hiệp một cách mật thiết với Thiên Chúa Cha trong mọi biến cố và mọi nhiệm vụ. Những lời Ngài nói, những việc Ngài làm, tất cả đều quy hướng về Chúa Cha với mục đích làm cho Danh Cha được cả sáng, và qua đó cũng mạc khải cho nhân loại biết chính Ngài là Con, là Lời được Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ con người.

Khởi đi từ biến cố Đức Giêsu Phục Sinh, Chúng ta cũng được mời gọi hãy ra đi khắp tứ phương để giới thiệu cho mọi người biết về Tin Mừng Phục Sinh. Khắp tứ phương là không giới hạn, không biên giới, là khắp cùng trái đất, đặc biệt làm sao để Tin Mừng của Chúa đến được với những kẻ rốt cùng bị xã hội gạt ra bên lề. Rất mừng là trong Giáo hội chúng ta đã có rất nhiều dòng tu, tu hội rất nhạy bén với sứ vụ này, họ đã chăm sóc và nuôi dưỡng các bệnh nhân Sida, những người bị kỳ thị và đang đi dần về cõi chết thảm thương, hoặc có dòng tu khác giúp đỡ chăm sóc những người vô gia cư, những cô nhi quả phụ…

Thật hạnh phúc vì Dòng Ngôi Lời chúng ta có Đặc sủng là Truyền giáo. Chúng ta được mời gọi nối gót Chúa Giêsu cách đặc biệt trên con đường sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu là nhà truyền giáo vĩ đại, gương mẫu và tuyệt vời. Chúa mở rộng cánh cữa đến vô cùng, không bao giờ khép lại, để cho những ai muốn tiếp bước theo Ngài tiếp tục sứ vụ của Ngài. Nhà truyền giáo cũng phải luôn biết chuẩn bị cho mình một tâm thế không ngại khó, ngại xa và không sợ hãi. Theo thống kê của Tòa Thánh, Giáo hội hiện nay có hàng ngàn Giám mục, hàng trăm ngàn Linh mục, hàng triệu tu sĩ, chủng sinh… thế mà vẫn xảy ra tình trạng “lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Thật ra với con số giáo sĩ và tu sĩ như vậy thì không đến nỗi bi quan, không thiếu người làm việc đâu. Cái Thiếu của chúng ta là thiếu tinh thần truyền giáo, thiếu hy sinh, thiếu quảng đại, thiếu lòng yêu mến, thiếu sức sống của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, là nhà truyền giáo hãy luôn tâm niệm rằng ở đâu đó trong cuộc đời này vẫn có biết bao người đang sống trong vũng bùn tội lỗi cần cứu thoát. Biết bao người đang sống trong vực thẳm dốt nát, nghèo đói, bệnh tật, đang chờ mong bàn tay nâng đỡ của chúng ta. Càng đi xa, càng đi sâu chúng ta mới khám phá ra nhiều nỗi bất hạnh, khổ đau của nhân loại. Chúng ta là những người thật hạnh phúc vì được nhận lãnh Tin Mừng cách nhưng không, đón nhận Đức tin cách nhưng không từ Thiên Chúa, thì cũng hãy cho anh em mình cách nhưng không.

Ban Truyền Thông CĐ Thần học Ngôi Lời

tinh-tam-cd-than-hoc-thang-10-1

tinh-tam-cd-than-hoc-thang-10-2

tinh-tam-cd-than-hoc-thang-10-3

tinh-tam-cd-than-hoc-thang-10-4

Bài trướcRước lễ lần đầu lúc 101 tuổi
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.