Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 33 Thường Niên – A

0
661

Bài Ðọc I: Cn 31, 10-13, 19-20. 30-31

“Nàng cần mẫn dùng tay làm việc”.

Trích sách Châm Ngôn.

Ai tìm được một người vợ tài đức? Nàng đáng giá hơn ngọc ngà. Chồng nàng đặt lòng tin tưởng nơi nàng và chàng không thiếu thốn vật thực. Trọn đời, nàng sẽ mang lại cho chồng sự lành, chứ không phải sự dữ. Nàng tìm lông chiên và sợi gai, rồi nàng cần mẫn dùng tay làm việc. Nàng ra tay đưa thoi dệt vải, và ngón tay nàng cầm xe kéo sợi. Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó, và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng.

Duyên dáng thì giả dối và nhan sắc thì hão huyền: Người phụ nữ kính sợ Chúa, sẽ được ca tụng. Hãy tặng cho nàng hoa quả do tay mình làm ra, và sự nghiệp của nàng hãy ca tụng nàng tại các cửa thành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (x. c. 1a).

Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. – Ðáp.

2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. – Ðáp.

3) Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. Nguyện Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống bạn. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 1-6

“Ngày của Chúa bắt chợt anh em như kẻ trộm”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, về thời nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối.

Khi người ta nói rằng: “Yên ổn và an toàn”, thì chính lúc đó tai hoạ thình lình giáng xuống trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi. Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt chợt anh em như kẻ trộm, vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 25, 14-30

“Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi.

“Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Người lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình.

“Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: “Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc; đây tôi đã làm lợi được hai nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.

“Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: “Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt nơi không gieo và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp sợ (mà) đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại cho ông”. Ông chủ trả lời người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, người đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra người phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Mt 25, 14-15. 19-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi.

“Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: “Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

HƯỞNG TRỌN NIỀM VUI (Tu sĩ Giuse Hoàng Văn Bình, SVD)

Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 33 thường niên, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm và ng-hĩa vụ của mỗi người qua những “yến bạc” được Thiên Chúa gửi gắm. Thiên Chúa đã tin tưởng trao ban cho mỗi người một cuộc sống, một khả năng, một kho tàng để chúng ta phát triển trở nên phong phú bằng cách sẵn lòng đầu tư khả năng của mình để phục vụ Nước Trời. Vì thế, mỗi người phải biết tận dụng những ân ban đó mà sinh ích lợi bằng những việc lành phúc đức. Và, nhờ vào những hoa trái thiêng liêng đó, Thiên Chúa sẽ tuyên thưởng và dẫn đưa chúng ta vào hưởng trọn niềm vui trong vinh quang của nước Ngài.

Khởi đi từ bài đọc thứ nhất, sách Châm Ngôn ca ngợi hình ảnh một người vợ ngọc ngà, quý giá và tài đức vẹn toàn, “Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai họa cho cho chồng” (Cn 31,12). Trong vai trò là người vợ, là mẹ của gia đình, nàng lo liệu và quán xuyến mọi việc cách ổn thỏa. Đồng thời, nàng nhận diện giá trị đích thực của người phụ nữ không hệ tại ở nhan sắc chóng tàn mau phai, nhưng luôn nuôi dưỡng một tâm hồn biết kính sợ Đức Chúa. Bởi thế, nàng đáng để người đời ca tụng!

Với bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, nêu lên ngày tái lâm của Đức Giê-su mà nhiều tín hữu nghĩ tưởng là sắp đến rồi. Thánh nhân dạy rằng, việc Chúa tái lâm gần hay xa điều đó chẳng quan trọng cho bằng việc người Ki-tô hữu phải luôn sống như con cái của ánh sáng. Nghĩa là, luôn mang trong mình tâm thế tỉnh thức và tiết độ.

Còn bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta về dụ ngôn những yến bạc (x. Mt 25,14-30). Một người chủ trước khi khởi hành đi phương xa, đã giao cho gia nhân của mình một số bạc nhất định. Người thì được giao năm yến, kẻ thì được hai và người khác lại được chủ giao cho một yến bạc, tùy theo khả năng của từng người. Ngang qua câu chuyện dụ ngôn yến bạc, chúng ta đúc kết được hai khía cạnh quan trọng: Thứ nhất, sự giàu có của Thiên Chúa là vô tận, không hề có giới hạn trong những gì Thiên Chúa chia sẻ cho chúng ta và mời gọi chúng ta hãy biết mạo hiểm đầu tư tài năng Thiên Chúa ban tặng. Thứ hai, dụ ngôn muốn dạy chúng ta phải có một ý tưởng đúng đắn về Thiên Chúa.

  1. Gia nhân dám đầu tư để nhận phần thưởng bất ngờ

Với đầu óc biết đầu tư, có chiến lược và “mát tay” trong kinh doanh, người đã lãnh nhận năm yến đem bạc ra sinh lợi, và đã kiếm thêm được năm yến khác nữa. Gia nhân nhận hai yến cũng làm như thế, và đã sinh lợi được hai yến khác. Đến ngày trở về “Ông chủ các đầy tớ ấy đến và yêu cầu họ thanh toán sổ sách” (Mt 25,19). Người đầy tớ đã lãnh năm yến trình diện với chủ và báo cáo công việc mà mình đã làm khi chủ vắng mặt: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây” (Mt 25,20). Điều đó, anh muốn chứng tỏ rằng trong lúc sử dụng số vốn chủ ủy thác cho mình, anh đã miệt mài làm việc và hành động như một cộng sự viên của ông chủ, chứ không phải với tư cách là một nô lệ.

Đặt mình vào vị trí như một cộng sự viên, người gia nhân không lo bảo tồn những gì đã lãnh nhận, nhưng miệt mài lao tác và dám đầu tư để cho các nén bạc ấy sinh hoa lợi. Vì thế, “hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” là phần thưởng xứng hợp dành cho hai người tôi trung lớn hơn cả lợi tức mà họ đã kiếm được, điều này cho thấy mục đích duy nhất của ông chủ không dừng ở việc lời lãi bao nhiêu cho bằng xem xét họ đã tận tâm, tận lực với số vốn mà ông giao phó như thế nào.

Cũng vậy, tất cả chúng ta đều là những người tôi trung của Thiên Chúa; những nén bạc Ngài đã trao gửi là thân xác và linh hồn, thời gian và tài năng, tri thức, những cơ hội phát triển, hết những gì chúng ta đang có và đang quản lý. Ngoài ra, nhiều người còn hiểu các yến bạc này là sự hiểu biết của mỗi người về Tin Mừng. Thế nên, mỗi người phải có trách nhiệm trước những ơn thiêng thánh Chúa ban cho ta, mà gắng sức chu toàn trách vụ và làm triển nở những gì được giao phó.

Thiết nghĩ điều quan trọng không nằm ở chỗ nhận được nhiều hay ít, nhận ân huệ này hay tài năng kia, nhưng hệ tại ở chỗ chúng ta sẽ làm gì với cái mình đã lãnh nhận. Và ngay hôm nay, chúng ta có dám đầu tư những gì mình đang có để nhận lại những món quà bất ngờ, với bao điều kỳ diệu đang chờ chúng ta hay không!?

  1. Gia nhân tuột mất cơ hội “đổi đời” vì không làm theo ý muốn của chủ

Khác với gia nhân thứ nhất và thứ hai, gia nhân thứ ba không bắt đầu bằng việc trình ông chủ yến bạc mà anh được giao. Anh khởi đầu với một lời bào chữa khá vụng về để biện hộ cho hành vi của mình. Anh nói thẳng ra những gì anh nghĩ về ông chủ: hà khắc, cứng rắn, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Một mặt, anh ta thừa nhận sự lệ thuộc của mình đối với người chủ; mặt khác anh không tin phục ông và càng không sẵn sàng làm theo ý ông. Như thế, ngay từ đầu anh đã có một tương quan không đúng đắn đối với người chủ của mình, nhưng lại sợ ông chủ, chính điều này đã ngăn cản anh.

Khi trao yến bạc cho anh, ông chủ vốn không tìm lợi cho bằng muốn tạo điều kiện để anh thể hiện sáng kiến, tài năng và sự trung thành của mình, ngõ hầu ông có thể trao phó cả cơ nghiệp lại cho anh (x. Mt 24,47), và đưa anh vào hưởng niềm vui của chính ông. Tuy nhiên, anh lại hiểu sai rằng ông là một kẻ áp bức, là kẻ sống trên xương máu và công sức của người khác, chính vì thế anh từ chối phục vụ và không chịu làm theo ý muốn của ông chủ.

Để không rơi vào trường hợp của người gia nhân không hiểu biết ý chủ, người Ki-tô hữu chúng ta được mời gọi cộng tác với ơn Chúa và có trách nhiệm làm cho các ân huệ Ngài ban cho sinh ích lợi như lòng Chúa mong muốn. Đặc biệt là ơn hiểu biết Tin Mừng cứu độ. Muốn làm được điều đó, chúng ta hãy lắng nghe những lời khuyên nhủ đầy tâm tình của thánh Phao-lô: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ tọa, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm. Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12,6-11).

  1. Dụ ngôn giúp ta nhìn nhận đúng đắn về Thiên Chúa

Dụ ngôn những yến bạc muốn dạy chúng ta một điều quan trọng, đó là sự hiểu biết tường tận để có một ý tưởng đúng đắn về Thiên Chúa. Chúng ta không được phép nghĩ rằng Thiên Chúa là một ông chủ xấu xa, cứng cỏi và nghiêm khắc, một ông chủ chỉ muốn trừng phạt. Nếu trong đầu óc chất chứa những ý tưởng sai lạc về Thiên Chúa như thế, thì lúc đó, cuộc đời của chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn, bởi vì chúng ta luôn sống trong sợ hãi. Cơn sợ hãi này sẽ chẳng dẫn chúng ta đến điểm tích cực nào mang tính xây dựng cả, mà trái lại, nó sẽ làm cho chúng ta trở nên tê liệt, tiêu hao ý lực và dẫn chúng ta tới chỗ tự hủy hoại chính mình.

Ngay từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã mạc khải Ngài là “Thiên Chúa âu yếm và từ bi, chậm bất bình, giàu ân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Và, Đức Giê-su luôn chỉ cho chúng ta thấy Thiên Chúa không phải là một ông chủ nghiêm khắc và bất khoan dung, mà là một người cha yêu thương, âu yếm và tốt lành đối với con cái Ngài. Do đó, chúng ta phải hết lòng tín nghĩa và tin tưởng vào Người Cha ấy. Bằng nhiều cách thế khác nhau, Đức Giê-su tỏ cho chúng ta thấy lòng quảng đại và mối quan tâm của Chúa Cha bằng lời nói, hành động và trong cách đón tiếp mọi người. Qua Đức Giê-su, chúng ta nhận thấy một Thiên Chúa bày tỏ tình yêu cách tuyệt vời, đó là Thiên Chúa trở thành người và đi xuống tận cùng kiếp người để đồng cam cộng khổ với con người. Không những thế, Ngài còn phục vụ và yêu thương con người với tình yêu phổ quát.

Thật vậy, Thiên Chúa luôn tỏ lộ cho chúng ta thấy Ngài hết mực quan tâm tới con cái và không muốn chúng ta làm hỏng đi cuộc đời mình. Ý thức điều đó, chúng ta sẽ trở thành những con người dám chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình làm. Do đó, dụ ngôn các yến bạc nhắc nhớ trách nhiệm cá nhân của mỗi người, để chúng ta nhớ rằng chính sự trung thành sẽ giúp mỗi người bắt đầu lại cuộc hành trình trên con đường mới, nghĩa là làm sinh lợi ân ban của Chúa, mưu ích cho bản thân và tha nhân, chứ không “đi chôn giấu nén bạc Chúa trao”.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì giữa chốn dương trần biết bao hồng ân mà Ngài đã trao vào tay phàm nhân, xin cho chúng con biết gắng sức sinh lợi để cuộc đời của chúng con trở nên tươi mới. Xin Chúa giúp chúng con biết cộng tác với ơn thánh Chúa mà ra sức làm việc, hầu sinh ích lợi cho chúng con ở đời này và đời sau để cùng được vào hưởng trọn niềm vui trong nước Ngài. Amen.


NÉN BẠC ĐỜI TÔI (Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Phú, SVD)

“Cái gì phức tạp nhất trên thế giới này?” là câu hỏi khá hóc búa và khó tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, với khoa học tự nhiên, đây lại là công việc hết sức đơn giản và dễ dàng. Đó chính là não bộ của con người. Với dáng vẻ bề ngoài khá đơn giản, chỉ nặng khoảng 1,5kg, nhưng kết cấu và hoạt động bên trong não bộ lại như một chiếc máy tính siêu đồ sộ, phức tạp và tinh vi bậc nhất vũ trụ. Nó chứa đựng khoảng 100.000.000.000 (Một trăm tỷ) tế bào thần kinh nhấp nháy truyền tin với hơn 500.000.000.000.000 (Năm trăm tỷ) các mạch liên kết. Những con số không tưởng đó đã làm cho não bộ trở thành bộ máy siêu phàm mà mỗi con người trong suốt cuộc đời của mình chỉ có thể vận dụng một phần rất nhỏ khả năng tiềm tàng của nó.[1] Con người được lãnh hội thật nhiều!

Ông chủ trong câu chuyện của đoạn Tin Mừng hôm nay đã giao công việc quản lý tải sản cho các đầy tớ của mình “tùy khả năng riêng của mỗi người”: người 5 yến, người 2 yến, người 1 yến. Đây là đơn vị tiền tệ rất lớn trong thời đại bấy giờ, tương đương 15 năm tiền lương của một người làm công bình thường.[2] Câu chuyện dẫn người đọc vào phần trọng tâm của nó ngang qua câu trả lời cho câu hỏi: các đầy tớ của ông chủ làm gì với những yến bạc được giao? Tin Mừng kể lại: người lãnh 5 yến và người lãnh 2 yến ngay lập tức đi làm ăn buôn bán và gây lời gấp đôi; người lãnh 1 yến thì đi đào lỗ chôn dấu số bạc của ông chủ. Hai người đầu được ông chủ khen thưởng, người còn lại bị trừng phạt. Từ thâm tâm, tôi vẫn chờ đợi sự xuất hiện thêm một đầy tớ khác, người cũng được giao những yến bạc, vội vã đi làm ăn, rồi thất bại, mất cả vốn lẫn lời. Bởi thực tế vẫn tồn tại biết bao người thất bại trong công việc. Không biết ông chủ sẽ đối xử như thế nào với người đầy tớ này? Tuy nhiên, người đầy tớ như vậy lại không xuất hiện trong Tin Mừng. Có lẽ, chân thành và siêng năng đầu tư ‘vốn liếng’ vào Nước Trời con người sẽ không bao giờ thất bại! Ngay cả khi trong cái nhìn mang tính nhân loại là sự thất bại ê chề thì trước mặt Thiên Chúa vẫn là sự thành công như câu chuyện trên đồi Calvary chiều thứ Sáu năm xưa; có vẻ Chúa đã thất bại nhưng Ngài vẫn chiến thắng: “Chúa Giêsu đã không chết, nhưng là sự chết đã chết.”[3]

Không đến nỗi quá khó để hiểu rằng mỗi một chúng ta là người quản lý tài sản của Thiên Chúa. Tuy nhiên, việc các đầy tớ được giao các yến bạc làm chúng ta dễ đóng khung nó vào những gì chúng ta sở hữu: tiền bạc, của cải, khả năng… Tôi nghĩ, yến bạc mà Thiên Chúa giao cho tôi lớn hơn những gì tôi có rất nhiều. Đó là con người toàn diện, nghĩa là bao hàm cả những gì tôi có và những gì tôi là, từ việc tôi được hình thành, được sinh ra, lớn lên với tất cả những gì thuộc về tôi. Yến bạc đó là “người thân cận” (Lc 10,27), những người được Thiên Chúa gửi đến cho tôi trong suốt hành trình của cuộc đời; yến bạc đó còn là Lời của Thiên Chúa, Lời sáng tạo và cứu độ – Đức Giêsu Kitô, Đấng tha thứ, yêu thương và hiến thân cho tôi cũng như cho nhân loại này.

Tôi phải làm gì với những yến bạc được giao? Tôi nghĩ, trước hết tôi cần ý thức và xác tín rằng, mục đích tối thượng của cuộc đời tôi chính là cuộc sống hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu trong Chúa. Nói cách khác, lãnh vực để tôi đầu tư những yến bạc được giao một cách hiệu quả và bền vững nhất chính là Nước Trời. Nhưng bằng cách nào đây? Đức Giêsu đã giúp tìm câu trả lời: “Anh em hãy trở nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). “Trở nên hoàn thiện” là cả một hành trình rất dài, dài đến tận biên giới của cuộc đời. Nó đòi hỏi tôi phải vội vã, phải ngay lập tức bắt đầu, bắt đầu từ nơi chính bản thân là “sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15); phải gạt ra khỏi tôi những quan tâm, lo lắng rất quan trọng với con người tự nhiên, thậm chí là quan trọng nhất, nhưng lại không phù hợp với đường lối của Nước Trời: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình” (Mt 16,24), nghĩa là sống tinh thần tự hủy như “hạt lúa mì gieo vào lòng đất và thối đi” (Ga 12,24). Chỉ khi thối đi thì mầm sống mới hình thành, chỉ khi thối đi thì cây mới lớn lên và trổ sinh bông hạt, chỉ khi thối đi thì yến bạc mới sinh lời. Dĩ nhiên, từ bỏ tự nó chưa phải là tất cả mà chỉ là khởi điểm, là điều kiện cần để ta tập trung tâm trí, năng lực và vốn liếng vào lộ trình tiếp theo của hành trình sinh lợi, đó chính là thực hành tinh thần của Hiến Chương Nước Trời (x. Mt 5,1-12).

Yến bạc được giao cho tôi còn là những con người chung quanh tôi. Là bậc làm cha mẹ, tôi được Chúa giao cho những người con để tôi nuôi nấng, giáo dục chúng trong yêu thương giúp chúng nên người; là những người con, tôi được Chúa ban cho các bậc sinh thành để tôi cảm nhận được thế nào tình yêu vị tha, để tôi đáp đền tình yêu đó bằng tâm tình biết ơn, yêu thương và giúp đỡ các ngài; là vợ chồng, tôi được Chúa ban cho người bạn đời để tôi đồng hành, yêu thương và trao ban, trở nên hình ảnh sống động tình yêu giữa Chúa và Giáo Hội; là tu sĩ, tôi được Chúa ban cho cộng đoàn để tôi hiệp thông với anh chị em tôi trong tinh thần yêu thương và phục vụ; là con người, tôi được Chúa ban cho đồng loại để tôi khám phá ra hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26-27), để tôi có cơ hội thực thi giới răn của Ngài như người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10,25-37), và để tôi đáp trả hồng ân bao la mà Chúa đã ban cho tôi ngang qua những gì tôi làm cho anh chị em tôi như lời Chúa nói: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40); là Kitô hữu, tôi được Thiên Chúa cho tái sinh qua phép rửa, được tha thứ qua bí tích hòa giải, được thêm sức mạnh và khôn ngoan qua việc trao ban Thần Khí, trở nên một với Ngài qua bí tích Thánh Thể, được trao ban Lời và được sai đi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thụ tạo” (Mc 16,15). Loan báo Tin Mừng bằng lời nói, loan báo Tin Mừng bằng hành động và loan báo Tin Mừng bằng chính cuộc sống chứng nhân là cách thức tôi giúp người ta ý thức và cảm nhận rằng họ là người được yêu thương bởi một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đầy lòng bao dung tha thứ và hết mực hiến trao.

Tóm lại, cách thức xứng hợp để làm cho những yến bạc được trao mang lại hiệu quả là sám hối và trở về với Chúa, là gạt bỏ ý riêng để ý Chúa được thực hiện qua cuộc sống tôi như lời kinh vào thế kỉ XIV: “Chúa Giêsu không có tay mà chỉ có đôi tay của chúng ta để thực hiện công việc của Ngài. Chúa không có chân mà chỉ có đôi chân chúng ta để dẫn đưa nhân loại đi đúng đường lối của Ngài. Chúa không có môi miệng mà chỉ có môi miệng của chúng ta để nói cho loài người biết về Ngài. Chúa không có sự giúp đỡ mà chỉ có sự giúp đỡ của chúng ta để dẫn đưa nhân loại đến với Ngài.”[4]

Xin Chúa đồng hành, giúp sức và chúc phúc cho mỗi chúng ta!

[1]Richard David Precht, Tôi là ai – nếu vậy thì vào nhiêu?, Dân Trí, 2015, tr.47

[2] Daniel J.Harrington, S.J., The Gospel of Mathew, Minnesota, 1991, tr. 352

[3] Fulton J. Sheen, Người Galilêa Vĩnh Cửu, tr.189

[4] Tạm dịch từ tiếng Đức.

Bài trướcHưởng ứng ngày Thế giới vì Người nghèo 19/11/2023
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 32 TN)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây