TỔNG TU NGHỊ 18 (2018) – DÒNG NGÔI LỜI

0
413

“Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14):

Cắm rễ trong Lời Chúa, dấn thân cho Sứ vụ của Ngài

Hướng dẫn cho việc suy tư chung

trong sự chuẩn của các Tỉnh dòng/Miền dòng/Vùng truyền giáo

cho Tổng tu nghị thứ 18 của Dòng Ngôi Lời năm 2018

Việc hướng dẫn này được đặt nền trên những câu trả lời từ các Tỉnh dòng/Miền dòng/Vùng truyền giáo mà trong đó một ước muốn lớn lao về sự canh tân được thể hiện. Mục đích của Tổng tu nghị thứ 18 là thúc đẩy một tiến trình làm phấn khởi trở lại trong đời sống thiêng liêng qua việc mang chúng ta trở về với Lời Chúa như là suối nguồn của đời sống, ơn gọi, sứ vụ và sự dấn thân truyền giáo của chúng ta.

  1. “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi”

“Đức Kitô là trung tâm của đời sống chúng ta” (Hp. 401). Việc đào sâu sự kết hiệp của chúng ta với Ngài và sự dấn thân của chúng ta cho Ngài vẫn luôn thách đố chúng ta. Để tái khám phá động lực của chúng ta và sự tận hiến của chúng ta cho sứ vụ truyền giáo, chúng ta cần quay trở về với Ngài, vì “tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta” (2Cr 5,14).

Những lời của thánh Phaolô, vốn được chọn như nguồn cảm hứng kinh thánh cho Tổng tu nghị sắp tới của chúng ta, được lấy từ sự giải thích toàn diện và đầy khích lệ của ngài về sứ vụ của mình trước những người mà ngài loan báo Tin mừng (2Cr 2,14 – 6,10). Ngài xem công việc mục vụ của mình như là công việc hòa giải (2Cr 5,14-21), vốn được cắm rễ (Cl 2,6-7) và được định hình bởi “tình yêu Đức Kitô”. Thực tại vừa nền tảng vừa không thể lay chuyển về tình yêu Đức Kitô này (Rm 8,31-39), một tình yêu được thực hiện thông qua việc hiến dâng mạng sống của Ngài cho chúng ta (2Cr 5,14), cũng vẫn luôn mở ngõ cho việc hiểu biết nó trong tình yêu của chúng ta đối với Ngài. Ân sủng tình yêu của Đức Kitô đối với chúng ta cùng với tình yêu của chúng ta đối với Ngài là suối nguồn cho việc trở thành các nhà truyền giáo của chúng ta. Hay – như thánh tông đồ Phaolô đã thể hiện điều đó – việc cắm rễ trong tình yêu này “thúc bách chúng ta”, thúc ép, thúc giục chúng ta. Trong đường hướng ấy, Tông huấn của Đức giáo hoàng Phanxicô gây cảm hứng cho chúng ta: chính vì cuộc gặp gỡ cá nhân của chúng ta với tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu mà chúng ta “ước muốn chia sẻ tình yêu này” (EG 264) với người khác.

Khi được gợi hứng bởi tình yêu của Ngài, việc suy niệm đoạn Kinh thánh này hướng chúng ta đến việc đào sâu sự dấn thân của chúng ta không phải chỉ để sống cho chính mình (2Cr 5,15), nhưng để vươn ra ngoài và trở nên gần gũi với dân chúng, đặc biệt là hướng đến những ai đang ở bên lề xã hội, như phương châm kể từ Tổng tu nghị vừa qua nhắc nhở chúng ta, “Giữa muôn dân – Đặt người đứng chót lên hàng đầu” (“Inter Gentes – Putting the last first”).

  1. Bám rễ trong Lời Chúa và dấn thân cho sứ vụ của Ngài

Hành trình của hội dòng chúng ta trong những năm gần đây cũng dường như chỉ ra nhu cầu canh tân việc cắm rễ trong Lời Chúa. Mặc dù sự dấn thân trong sứ vụ truyền giáo của chúng ta cũng đáng chú ý như sự liên kết mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời đã trở nên xác phàm (Ga 1,14), nhưng chắc chắn sự liên kết mật thiết này sẽ giúp chúng ta giống hình ảnh Thiên Chúa hơn (Pl 2,5; Rm 8,29). Sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta, và việc trung thành với nó đưa đến một sự dấn thân; điều này chỉ có thể xảy ra khi chúng ta ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe Lời của Ngài (Lc 10,39).

Đối thoại ngôn sứ, vốn được đánh dấu bởi Bốn Chiều Kích của chúng ta và được sống thông qua những Định hướng của Hội dòng, thúc đẩy chúng ta chìm vào trong dòng nước mát chảy ra từ mối quan hệ mang tính cá nhân và cộng đoàn của chúng ta với Chúa Giêsu (Ga 4,14) như là trung tâm của đời sống chúng ta. Trong Ngài, chúng ta được nuôi dưỡng để nâng cao sự dấn thân của chúng ta cho sứ vụ của Ngài trong thế giới hiện tại này.

2.1 Cắm rễ trong Lời Chúa – Chiều kích hướng nội (Ad Intra)

Bởi vì cuộc sống tu sĩ truyền giáo của chúng ta được cắm rễ trong Lời Chúa, nên mục đích của toàn bộ việc đào tạo trong Hội dòng chúng ta phải là sự phát triển nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần trong sự kết hợp với Ngôi Lời nhập thể và trong cộng đoàn truyền giáo bao gồm các thành viên từ nhiều quốc gia và nền văn hóa (Hp. 501). Việc đào tạo đóng vai trò quan trọng, và như là một tiến trình sống lâu dài nó phải chú tâm đến nhưng mối quan tâm liên quan đến sứ vụ truyền giáo, linh đạo, đời sống cộng đoàn, lãnh đạo và tài chính của Dòng Ngôi Lời (Tổng tu nghị 2006, 87). Những câu hỏi sau có thể giúp chúng ta suy tư về việc đào tạo cơ bản và việc thường huấn trong mối liên hệ của nó với bốn yếu tố khác của đời sống tu sĩ truyền giáo chúng ta.

2.1.1 Linh đạo: Chúng ta có thể cởi mở hơn nữa như thế nào đối với sự linh hứng của Lời Chúa để tiếp tục sứ vụ của Ngài trong những lúc khó khăn? Chúng ta có thể làm gì hơn nữa để đẩy mạnh việc chia sẻ kinh nghiệm đức tin của chúng ta với người khác?

2.1.2 Cộng đoàn: Chúng ta chuẩn bị và đào tạo lẫn nhau như thế nào để sống trong các cộng đoàn liên văn hóa? Việc đào tạo của chúng ta có thể chú tâm hơn như thế nào đến sự phát triển tính cá nhân trong Hội dòng chúng ta?

2.1.3 Lãnh đạo: Chúng ta chuẩn bị và thúc đẩy chính mình như thế nào trong các Tỉnh dòng/Miền dòng/Vùng truyền giáo để lãnh trách nhiệm phục vụ như là những người lãnh đạo của Hội dòng ở mọi cấp độ?

2.1.4 Tài chính: Chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau như thế nào để tách mình ra khỏi những giải thích văn hóa ngõ hầu sống thực sự lời khấn khó nghèo? (Tổng tu nghị 2012, 40) Chúng ta có thể phát triển hơn như thế nào trong việc minh bạch tài chính, trách nhiệm giải trình và tình liên đới với những anh em khác và với những người mà chúng ta phục vụ?

2.2 Dấn thân cho sứ vụ của Ngài – Chiều kích hướng ngoại (Ad extra)

Mục đích trong sứ vụ truyền giáo của chúng ta là thúc đẩy sự biến đổi của toàn thể nhân loại, cả về phương diện cá nhân lẫn phương diện cộng đoàn, nhờ quyền năng của Tin mừng (cf. Tổng tu nghị 2012, 6). Những Định hướng của Hội dòng mà Tổng tu nghị thứ 17 thiết lập là phương tiện để tập trung vào sứ vụ truyền giáo của chúng ta và để hướng dẫn hoạt động của chúng ta. Sau Tổng tu nghị 2012, tất các Tỉnh dòng/Miền dòng/Vùng truyền giáo đã chọn một vài ưu tiên hướng ngoại cụ thể khi xem xét hoàn cảnh cụ thể và những nguồn lực sẵn có của họ.

Kể từ đó, các Tỉnh dòng/Miền dòng/Vùng truyền giáo của chúng ta đã thực hiện nhiều chương trình được phác họa để thực thi tầm nhìn của Tổng tu nghị. Trong các báo cáo, họ chia sẻ rằng một vài phương diện của những chương trình này được thực hiện tốt và có sự tiến bộ. Tuy nhiên, họ cũng nhận thức rằng một vài ưu tiên đã không được thực thi, một số mục tiêu đặt ra không hoàn toàn đạt được, và những Tỉnh dòng/Miền dòng/Vùng truyền giáo khác đã kinh nghiệm sự đình đốn và thất bại. Họ cũng đã thể hiện ước muốn tiếp tục đẩy mạnh sứ vụ truyền giáo này theo những ưu tiên mà họ đã chọn. Những câu hỏi sau là phương tiện để giúp chúng ta tái dấn thân cho sứ vụ của Chúa Kitô theo một cách thức sáng tạo và quảng đại.

2.2.1 Nhân sự, cơ cấu và tài chính cho các chọn lựa ưu tiên của chúng ta như thế nào?

2.2.2 Các niềm vui và trở ngại mà chúng ta đã gặp trong khi thực hiện các ưu tiên của chúng ta là gì? Chúng ta sẽ vượt qua những trở ngại này như thế nào?

2.2.3 Chúng ta cần làm gì nữa để thực hiện cách hiệu quả những chọn lựa ưu tiên ở cấp địa phương và cấp tỉnh dòng/miền dòng/vùng truyền giáo?

  1. Chia sẻ trách nhiệm với những cộng sự viên giáo dân

Một trong những điểm quan trọng đã nổi lên từ các Tỉnh dòng/Miền dòng/Vùng truyền giáo là các cộng sự viên giáo dân. Nhờ bí tích rửa tội, mọi thành viên của Giáo hội trở thành “những môn đệ truyền giáo” (EG 120). Trong những công việc mục vụ của chúng ta trên khắp thế giới, chúng ta không làm việc một mình, nhưng theo truyền thống của Thánh sáng lập Arnold Janssen, chúng ta lôi kéo người khác; chúng ta chia sẻ trách nhiệm trong sứ vụ truyền giáo với mọi người giáo dân trên toàn thế giới. Chúng ta thật sự đánh giá cao những đóng góp của họ và sử dụng chuyên môn của họ, khi biết rằng chúng ta không thể làm việc mà không có họ. Sự linh hoạt và dấn thân cho nhau trong việc chia sẻ đoàn sủng và linh đạo của Dòng Ngôi Lời làm phong phú cho Hội dòng chúng ta và cho sứ vụ truyền giáo của Giáo hội. Việc cổ võ hơn nữa những cộng tác viên giáo dân và việc khám phá cùng với họ những cách thức mới để dấn thân trong những hoạt động truyền giáo là quan trọng.

3.1 Chúng ta và những cộng sự viên giáo dân của chúng ta có thể làm phong phú cho nhau như thế nào để đào sâu linh đạo Dòng Ngôi Lời?

3.2 Những cách thức khả thể để cho cộng sự viên giáo dân tham gia vào việc đào tạo và trong việc thực hiện những chọn lựa ưu tiên “hướng ngoại” của chúng ta theo những định hướng của Hội dòng là gì?

Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta

và ngự trị trong tâm hồn chúng ta và trong tâm hồn mọi người!

Trưởng Ban dịch thuật: 

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD chuyển ngữ

 

Bài trướcUỷ ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi các sinh viên, học sinh Công giáo dịp đầu năm học 2017-2018
Bài tiếp theoKhóa thường huấn dành cho tu sĩ: Sống khiết tịnh thánh hiến trong thế giới tục hóa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây