Thánh Sáng Lập Arnold Janssen và Linh Đạo Dòng Ngôi Lời

0
1209

Ngôi Lời là ánh sáng thật,ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.
Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có,

nhưng lại không nhận biết Người.
Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. (Ga 1, 9-12).

I. Nền tảng gia đình: Hạt giống được gieo vào đất tốt

Thánh Arnold Janssen là một con người cầu nguyện; con người với niềm tin vững vàng và lòng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa quan phòng.

Ngài đã luôn sẵn sàng đón nhận chương trình của Thiên Chúa và tuân theo thánh ý của Người một cách vô điều kiện.

Nhìn về thánh Arnold Janssen và nói đến linh đạo của Ngài, thiết tưởng chúng ta sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến nguồn gốc của Ngài. Đó là nền tảng gia đình, nơi Ngài đã được sinh ra, lớn lên và được đón nhận những hạt giống Lời Chúa gieo vãi trong tâm hồn.

Câu chuyện bắt đầu với gia đình ông Gerard John Janssen và bà Anna Katherine Janssen, ở một ngôi làng nhỏ Goch, vùng hạ lưu Rhine, nước Đức.

  • Gia đình ông Gerard Janssen làm nghề nông và kinh doanh nhỏ (chở thuê). Đối với ông, vấn đề quan trọng nhất không phải là ruộng đất hay công việc làm ăn, nhưng là đức tin và sự giáo dục của 10 người con.
  • Đặc điểm nổi bật trong gia đình Gerard Janssen là bầu khí cầu nguyện và yêu mến Lời Chúa. Đối với ông Gerard, mọi nơi, mọi lúc đều là cơ hội để cầu nguyện, lúc đang đi đường, đánh xe, lúc đang cấy cày… ông “làm tất cả vì danh Chúa.”
  • Lời Chúa có một vị trí rất quan trọng trong gia đình Janssen. Trong gia đình có thói quen là mỗi buổi tối, sau khi lần chuỗi và đọc kinh Cầu Đức Bà, ông Gerard đọc cho cả nhà nghe đoạn Lời Tựa của Tin mừng theo thánh Gioan. Đoạn này ông đã thuộc nằm lòng, và ông có thể giảng giải một cách thật mạch lạc, hùng hồn cho cả nhà nghe. Ông còn xác quyết rằng đoạn Tin mừng này là lời cầu nguyện hiệu nghiệm nhất. Vì vậy, mỗi khi có bão tố, hay đoàn gia súc bị dịch bệnh, cả gia đình tụ tập lại và cầu nguyện lớn tiếng với đoạn tin mừng này[1] (Thầy William Juniper – người em ruột của thánh Arnold Janssen kể lại).

            Hiểu được bầu khí đạo đức như vậy của gia đình, nơi thánh Arnold Janssen đã lớn lên, chúng ta không ngạc nhiên khi đoạn lời Tựa của tin mừng Gioan đã trở nên như gia bảo và đã in sâu đậm trong tâm hồn và cuộc sống tâm linh của thánh Arnold Janssen.

            Với lòng yêu mến Lời Chúa, các bài đọc của các ngày Chủ nhật và các ngày lễ trọng rất được quí trọng trong gia đình Janssen và mọi người trong gia đình, kể cả những người làm công, được chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng để lắng nghe và đón nhận.

            Mỗi tối thứ bảy, sau giờ cơm tối, ông Gerard thường đọc cho cả nhà nghe các bài đọc của thánh lễ chủ nhật hôm sau, và ông còn giải thích thật cặn kẽ nữa.

            Ngày chủ nhật, cũng vào giờ cơm tối, ông Gerard thường bắt các con phải kể lại những gì có thể nhớ được về bài giảng đã nghe trong thánh lễ sáng. Câu chuyện trong bàn ăn tối chủ nhật luôn xoay quanh bài giảng lễ. Nhờ vậy mà các con cái của gia đình Janssen đã được tiếp xúc với Lời Chúa và học yêu mến, lắng nghe Lời Chúa từ tuổi ấu thơ.

II. Hạt giống mọc lên, sinh hoa, kết trái: Linh đạo Ngôi Lời

            Linh đạo là cuộc sống, là lối sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Và trong thực tế, tất cả các yếu tố đều kết hợp và đan dệt với nhau làm thành một thể thống nhất. Bất đắc dĩ, vì để trình bày rõ ràng và để dễ nắm bắt, tôi xin được chia sẻ các yếu tố một cách riêng lẻ. Sau đây là một vài chiều kích căn bản trong linh đạo của thánh Arnold Janssen và cũng là di sản ngài truyền lại cho Hội Dòng chúng ta:

  • Thiên Chúa Ba Ngôi
  • Ngôi Lời
  • Chúa Thánh Thần
  • Cộng đoàn
  • Truyền giáo

           A. Thiên Chúa Ba Ngôi

             Cuộc đời của thánh Arnold Janssen được tràn ngập và được đặt trọng điểm nơi Thiên Chúa Ba Ngôi.

           Cha Hermann Fischer[2] đã viết về thánh Arnold Janssen trong tác phẩm của ngài rằng: “Sự tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi giữ một vị thế trung tâm nơi lòng đạo đức của thánh Arnold Janssen, và từ lòng tôn kính ấy, các tâm tình đạo đức khác lãnh nhận sự cao quý và sinh hoa kết quả.”

             Cha Peter McHugh, SVD – người đã từng là giáo sư tại Học viện Ngôi Lời Tagaytay, hiện tại là người phụ trách chính trong chương trình Linh đạo của Trung Tâm Linh Đạo Steyl – Nemi – đã nhấn mạnh: “Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng thật sự của toàn bộ linh đạo của thánh Arnold Janssen.”

             Sr. Renate Hein, SSpS đã nhận xét: “Đấng Sáng Lập sống trong sự mê say mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó không phải chỉ là những kiến thức thần học, nhưng là mối tương quan sống động của ngài với Thiên Chúa Cha, với Chúa Giêsu Kitô, và với Chúa Thánh Linh. Bởi thế, ngài đã chọn phương châm sống là: Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị trong tâm hồn chúng con và trong tâm hồn mọi người.” (“May the Holy Triune God live in our hearts and in the hearts of all”)

Chiều kích Chúa Ba Ngôi này được thể hiện rất rõ nét trong Hiến Pháp Dòng chúng ta:

  • 107 Chúng ta công bố tình yêu mà Chúa Cha dành cho mọi người… sức mạnh cứu độ của Đức Giêsu Kitô…sự sống mới của Chúa Thánh Thần ban cho mọi tín hữu.
  • 405: Lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi là lễ chính của Dòng; trong lễ này chúng ta mừng mầu nhiệm Ngôi Lời vĩnh cữu và Thánh Thần được sai đến. Ơn gọi thừa sai của chúng ta được lập bởi mầu nhiệm cội nguồn này. Chúng ta được sai đi công bố vinh quang và tình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi…

            (Từ năm 1891, ĐSL truyền mừng ngày lễ Chúa Ba Ngôi cách trọng thể trong Dòng, trước cả khi Giáo hội nâng lễ ấy lên hàng lễ trọng năm 1911)[3].

Tổng Tu Nghi X vạch rõ rằng: “Lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi sẽ làm cho chúng ta tận hiến cho nhân loại và những ưu tư của nhân loại. Đó là nhiệm vụ bắt tay góp phần cho sự phát triển toàn diện con người.”

Tổng Tu nghị XVI (2006) tái khẳng định rằng: “Linh đạo Dòng Ngôi Lời mang tính chất Ba Ngôi, như chúng ta kế thừa từ Đấng Sáng Lập Dòng.” (Tuyên Ngôn)

           B. Ngôi Lời

Ngay ở trang đầu (phần Mở đầu), Hiến pháp Dòng đã nêu rõ:

“Ân sủng Tình yêu của Thiên Chúa đã quy tụ chúng ta từ nhiều dân tộc và lục địa khác nhau vào trong một cộng đoàn tu sĩ truyền giáo được dâng hiến cho Ngôi Lời, và được mang danh Ngài: Dòng Ngôi Lời.”

             Chúng ta biết rằng, trong Tân Ước, Chúa Giêsu được gọi bằng nhiều danh hiệu, và nhiều đấng sáng lập dòng, với đoàn sủng và lý do riêng, đã chọn để đặt tên cho hội dòng của mình (vd: Dòng Tên (Society of Jesus, SJ), Congregation of Holy Redeemer, Congregation of the Good Shepherd, The Society of the Holy Trunity… )

Như vậy khi A.Janssen đã chọn “Ngôi Lời” để đặt tên cho Dòng, chắc hẳn ngài phải có lý do rất đặc biệt. Ngài chọn “Ngôi Lời” để nói lên mục đích của Hội Dòng và cách sống của các thành viên của Dòng.

                Như chúng ta đã đề cập đến ở phân I, từ thuở ấu thơ, Đấng Sáng lập đã yêu mến Ngôi Lời một cách đặc biệt và có lần Ngài đã giải thích ý nghĩa của “Ngôi Lời” như sau:

  • LỜI của Thiên Chúa Cha, là chính Ngôi Hai Thiên Chúa.
  • LỜI của Ngôi Con: Đó chính là Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô.
  • LỜI của Chúa Thánh Linh: Đó là nguồn Kinh thánh được lưu truyền trong Giáo hội.

Chính vì hiểu “Ngôi Lời” như vậy, mà việc ngài đặt tên dòng là The Society of the Divine Word-“Ngôi Lời” mang một ý nghĩa rất quan trọng. Ngôi Lời là mục đích và là lẽ sống của Dòng.

Hiến pháp số 102 cho chúng ta thấy rõ mục đích của Dòng:

“Chúng ta hoạt động trước hết và nhất là ở những nơi mà tin mừng chưa hề được rao giảng, hoặc chưa được rao giảng cho đủ và ở những nơi mà giáo hội địa phương chưa tự lực sống vững được…”

Lời Chúa trong sách Giêrêmia “Ngươi đón nhận lời Ta, thì hãy trung thành nói lại lời Ta” (Jer 23,28) diễn tả ơn gọi lưỡng diện của chúng ta:

            – Trước hết đó là Lời của Chúa nói với chúng ta;

            – và kế đó là Lời của Chúa nói qua chúng ta.

Ngày 16/6/1875, Arnold Janssen chính thức mở cửa căn nhà đầu tiên ở Steyl; ngài đã tận hiến mình và dâng các con cái ngài cho Ngôi Lời và cho Thánh Tâm Chúa Giêsu:

            “Xin Ngôi Lời đến giúp chúng con. Ngài là Đấng ngự nơi Thánh Tâm Chúa, Ngài là Thượng Trí, là Hình ảnh của Thiên Chúa Cha, là Đấng sai Thánh Linh đến, Ngài là Ánh sáng chiếu soi mọi người nơi trần thế.”[4]

Cũng trong dịp này, ĐSL chọn phương châm sống cho cả Hội Dòng là:

            “May the Heart of Jesus live in the hearts of all.”

            (Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự trị trong tâm hồn mọi người.)

            Lời cầu nguyện này của ĐSL cũng là phương châm sống và là sự nhắc nhở cho các nhà truyền giáo Ngôi Lời về sứ mệnh truyền giáo của mình.

Năm 1885, khi Đấng sáng lập đệ trình hồ sơ và tài liệu lên Toà thánh để phê chuẩn, Toà thánh đã muốn sửa đổi tên mà Arnold Janssen đã chọn để đặt cho Hội Dòng (The Society of the Divine Word).

Hồng y Sattoli muốn sửa lại là   Society of the Adorers of the Divine Word

                                                              (Hội Dòng “Mến” Ngôi Lời).

Đấng sáng lập không thể chấp nhận sự sửa đổi, bởi lẽ giữa hai tên gọi trên có sự khác biệt đáng kể về thần học, ngài giải thích:

Society of the Adorers of the Divine Word nhấn mạnh rằng Ngôi Lời là mục đích của ơn gọi. (Adoration).

– Trong khi đó, The Society of the Divine Word, chúng ta được mời gọi để chia sẻ và hiệp thông với Ngôi Lời trong sự đáp trả của Người với Chúa Cha. Chúng ta chia sẻ chính cuộc sống của Ngôi Lời, do đó, chúng ta chia sẻ sứ vụ của Người

(Cuộc sống của Người là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Người là sứ vụ của chúng ta)[5].

Ngôi Lời, tự nguyên thuỷ, là “truyền giáo”; Đấng sáng lập nhấn mạnh rằng mục đích của việc thành lập Hội Dòng là để rao giảng Ngôi Lời cho muôn dân, và do đó, để mang niềm hân hoan của địa vị làm con Chúa  đến cho mọi người.

Đấng sáng lập còn giải thích thêm:

Khi nói “Ngôi Lời” – “Divine Word”, chúng ta đề cập đến Chúa Con Nhập thể;Đó cũng là Tin mừng của Đức Giêsu Kitô (LỜI), và LỜI của Chúa Thánh Linh: tức là toàn bộ Kinh thánh, LỜI của các ngôn sứ, các Tông đồ, các tu sĩ, khi các ngài giảng dạy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.[6]

Cuối cùng, ngày 19/12/1900, ĐGH Leo XIII đã phê nhận sự thành lập Dòng với tên gọi: Dòng Ngôi Lời. Và huy hiệu của Hội Dòng được chính thức công nhận với hình Thánh Tâm Chúa Giêsu và Chúa Thánh Linh, với dòng chữ: Veni Sancte Spiritus – Et Verbum Caro Factum Est.

              C. Chúa Thánh Thần

            Chúng ta biết rằng lòng sùng kính Chúa Thánh Linh của thánh Arnold Janssen bắt nguồn từ trong gia đình. Thân phụ của Arnold Janssen là người rất tôn sùng Chúa Thánh Thần và ông giữ thói quen tham dự thánh lễ ngày thứ hai hằng tuần để tôn vinh Chúa Thánh Thần; và khi trên giường bệnh, trước lúc lìa đời, ông đã tha thiết kêu gọi các con cái tiếp tục giữ lòng sùng kính ấy và thánh Arnold Janssen đã suốt đời trung thành với lời hứa và với Chúa Thánh Thần.

Một ngày của thánh Arnold Janssen dường như được đong đầy Chúa Thánh Thần. Ngài luôn luôn ưu tư để mưu tìm thánh ý Chúa. Ngài ước muốn làm tất cả dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nhiều chuyện kể lại rằng Đấng sáng lập đã thường cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần khi ngài chuẩn bị viết những bức thư hay công văn quan trọng. Nhiều khi đang viết mà bị cụt ý, bí từ, ngài cũng dừng lại và đọc kinh Chúa Thánh Thần xin ơn soi sáng.

            Ngay từ thuở đầu, tôn kính Chúa Thánh Thần là một truyền thống trong Dòng Ngôi Lời. Việc hát kinh “Veni Creator Spiritus” để bắt đầu giờ Kinh Sáng mỗi ngày là truyền thống có trong 3 Dòng anh em – SVD, SSpS và SSpSAP – ngay từ thuở mới khai sinh.

            Hiếp pháp Ngôi Lời đã phản ánh rõ nét vai trò của Chúa Thánh Thần trong nếp sống và sứ vụ của chúng ta:

  • 105: Bởi lẽ mọi hoạt động truyền giáo tự bản chất là công việc và là sự tỏ hiện của Chúa Thánh Thần, chúng ta hoàn toàn tự đặt mình, cũng như Hội Dòng của chúng ta dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Người, ánh sáng của Người giúp chúng ta hiểu được Tin Mừng, biết nhận định các dấu chỉ của thời đại và như thế chúng ta nhận ra ý của Thiên Chúa. Sức mạnh của Người giúp chúng ta trở nên những người cộng tác và những nhà truyền giáo trung thành của Ngôi Lời.
  • 108: Các cộng đoàn được sinh ra từ Lời Chúa, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần…
  • 508: Chúng ta phải tổ chức cuộc sống của chúng ta như thế nào cho phù hợp với đức Tin, bằng cách luôn lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng nói với chúng ta trong Thánh Kinh, trong đời sống cộng đoàn, trong Giáo hội cũng như trongcác biến cố thời đại chúng ta.

            Nhìn lại thông điệp Redemptoris Missio (ĐGH Phaolô VI ), chúng ta nhận thấy rằng Giáo Hội đã nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ truyền giáo, bằng chứng là Giáo hội đã dành trọn cả chương để nói về Chúa Thánh Thần.

            Như vậy, thánh Arnold Janssen là người đã đi trước thời đại khi ngài đưa việc tôn kính Chúa Thánh Thần vào nếp sống và linh đạo của Ngài và của Hội Dòng.

Sự hướng dẫn và soi sáng của Chúa Thánh Thần càng cần thiết hơn nữa trong thời đại hôm nay, khi chúng ta đang nghiên cứu và tìm tòi để thích ứng với những đổi thay nhanh chóng của xã hội mà chúng ta đang xả thân phục vụ.

             D. Cộng đoàn

            Bởi bản tính tự nhiên, Arnold Janssen ít khi biểu lộ tình cảm hay lòng trìu mến trong các mối tương quan hàng ngày. Ngài là một người cứng rắn, cương nghị và có thể nói là hơi khô khan trong tình cảm.  Sở dĩ tôi đề cập đến điều này, vì để thấy rằng thánh Arnold Janssen đã cương quyết sửa đổi rất nhiều tính tình tự nhiên của mình để xây dựng cuộc sống cộng đoàn.

            Cha Gier, SVD đã nêu lên nhận xét rằng: “Nếu chúng ta so sánh (về tính tình) cha Arnold Janssen của những năm 1880, 1890 với cha Arnold Janssen của những năm 1900 và thời gian sau đó, chúng ta không thể nào nhận ra ngài nữa.” Nghĩa là về mặt tính tình, ngài đã thay đổi rất nhiều. Ngài trở nên người rất dễ đối thoại, dễ tiếp xúc và rất giỏi ngoại giao.

Những sự thay đổi ấy không phải là do khuynh hướng tự nhiên, hay sự biến đổi tâm sinh lý tự nhiên, nhưng là sự cố gắng trên con đường nhân đức, vì ngài nhận thấy điều ấy cần thiết cho đời sống cộng đoàn.

Chính ngài đã xây dựng và cổ võ các sinh hoạt cộng đoàn (như Family Feast: tất cả anh em, kể cả người làm công, cùng mừng lễ Sinh nhật dòng trong bầu khí gia đình).

  • Cộng đoàn phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa: Thiên Chúa là cộng đoàn của ba ngôi vị, và chúng ta đề cập đến điều này trong Hiến pháp dòng số 301: “Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc, là nguyên mẫu, và là sự thành tựu của mọi cộng đoàn nhân loại”.
  • Tính cách quốc tế của Hội Dòng: là điều Đấng sáng lập rất quý trọng. Ngay từ thời của ngài, tính cách quốc tế đã được biểu hiện rõ nét trong cộng đoàn với các thành viên từ nhiều quốc gia khác nhau. Năm đầu tiên có 11 thành viên, trong đó có 4 linh mục từ 4 quốc gia khác nhau:
    • Cha Arnold Janssen là người Đức,
    • cha Peter Bill người Luxembourg,
    • cha John Anzer người Bavaria
    • và Francis Reichart người Áo.

Dĩ nhiên, đời sống trong một cộng đoàn quốc tế như vậy không dể dàng chút nào, nó đòi hỏi phải hy sinh và quên mình rất nhiều. Nhưng qua tính cách quốc tế của Hội dòng, chúng ta làm chứng cho tính cách phổ quát của Giáo hội và cho sự hiệp nhất của tất cả mọi người (cf. HP §104).

Tính cách quốc tế là một trong những nét đặc thù của đặc sủng Dòng Ngôi Lời. Đó vừa là một hồng ân, vừa là một sự thách đố cho mỗi người chúng ta (Đa dạng-Diversity và Hiệp nhất – Unity)

           E. Truyền Giáo

            Dòng Ngôi Lời, từ thuở khai sinh cho đến hôm nay, luôn đặt công việc truyền giáo ở vị trí ưu tiên.

Năm 1874, Đấng sáng lập đã cố gắng kêu gọi mọi người quan tâm đến việc truyền giáo qua tờ nội san Sứ giả nhỏ bé của Thánh Tâm Chúa (Little Messenger of the Sacred Heart).

Trong thời kỳ tôn giáo bị bách hại ở Đức (phong trào bài trừ tôn giáo), Đấng sáng lập đã cảm nhận được ơn gọi thành lập một chủng viện để đào tạo chủng sinh và linh mục phục vụ cho công cuộc truyền giáo. Nhưng lúc đầu ngài thấy mình không thể cáng đáng nỗi công việc ấy. Nhờ sự khích lệ của ĐGM Timoleon Raimondi, Đức Khâm sứ tại Hồng Kông, Đấng sáng lập đã bắt tay vào việc, bất chấp nhiều lời chế diễu, phản bác từ số đông linh mục và bạn bè quen biết.

            Ngày 8/9/1875, cái “quán trọ” năm xưa bên bờ sông Mass, thuộc Steyl dành cho đám  thuỷ thủ dừng chân, nay đã trở thành trung tâm truyền giáo Ngôi Lời. Vào ngày khai mạc, quán trọ được trang trí bằng các dây màu treo trước cửa nhà, nhưng không che dấu nổi cái tồi tàn trong nhà trống không. Trong bài diễn văn khai mạc ngôi nhà truyền giáo đầu tiên ở Steyl, Đấng sáng lập đã phát biểu: “Mục đích của ngôi nhà này chính là để phục vụ cho việc rao giảng Tin mừng khắp mọi nơi, đặc biệt  cho những  dân tộc chưa hề biết Chúa, hoặc hiểu sai về Chúa.”

Và với lòng tin tưởng phó thác, ngài nói: “Nếu mọi sự được phát triển tốt đẹp trong nhà này thì chúng ta hãy tạ ơn Chúa. Nếu như dự định này không thành thì chúng ta khiêm tốn nhìn nhận là chúng ta không đáng được Chúa chúc lành. Dầu thế nào đi chăng nữa thì chúng ta luôn hy vọng vào Chúa sẽ gởi đến cho chúng ta những gì chúng ta cần đến”.

            Bốn năm sau, ngày 2/3/1879, Hai nhà truyền giáo đầu tiên được sai đi Trung Quốc. Đó là cha Joseph Freinademetz (1852-1908) và cha John Baptist Anzer.

            Việc ưu tiên cho công cuộc truyền giáo đã được nhấn mạnh trong tất cả các bản Hiến pháp của Dòng, kể từ bản đầu tiên 1875: “Mục đích của Hội Dòng là để rao giảng Lời Chúa cho mọi người, thông qua những công cuộc Phúc âm hoá giữa những lương dân,  đặc biệt những  người ngoại giáo vùng Viễn đông”[7]. Và điều này đã được cổ vũ mạnh mẽ trong Hội dòng khi ngài đã vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để sai các nhà truyền giáo đầu tiên đi đến vùng Viễn Đông.

Thành lập Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh:

            Sau khi thành lập Dòng Ngôi Lời, công việc của cha Arnold cũng chưa được gọi là hoàn tất. Ngài còn muốn gởi các nữ tu đi truyền giáo. Chính vì thế, năm 1889 Ngài lập ra Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh. Sáu năm sau,  những nữ tu đã được sai đi. Họ thường lo về việc giáo dục tầng lớp phụ nữ, các viện mồ côi, những kẻ nghèo đói và phát huy sự thăng tiến xã hội nữ giới và gia đình. Họ phụ giúp các Linh mục trong việc giảng dạy giáo lý và các công tác mục vụ.

Thành lập Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh Chiêm Niệm :

            Công việc truyền giáo càng tăng triển bao nhiêu thì cha Janssen càng thâm tín rằng sự cầu nguyện thật là cần thiết. Nên vào năm 1896 sau khi đã gởi các nữ tu đầu tiên đi truyền giáo, ngài lập thêm một dòng thứ ba, đó là Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh Chiêm Niệm với phương châm: “Cầu nguyện và hoạt động”. Trong khi các Linh mục, các Tu huynh, các Nữ tu hoạt động truyền giáo đó đây thì các Nữ Tu Chiêm Niệm cầu nguyện liên lỉ để xin Chúa chúc phúc lành.

            Tổng Tu Nghị X đã vạch rõ: “Công tác truyền giáo là căn nguyên và mục đích của Hội Dòng chúng ta… Tất cả các hoạt động khác, phân tích cho cùng, đều nhắm đến việc phục vụ cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội.”

“Đời sống của Người là đời sống của chúng ta, Sứ vụ của Người là sứ vụ của chúng ta.”

Tổng Tu Nghị XIII cũng đã vạch ra phương cách truyền giáo của chúng ta, đó là “Sống Mầu Nhiệm Vượt Qua trong Linh Đạo Truyền Giáo Ngôi Lời” (Living the Pascal Mystery in SVD Missionary Spirituality). Đó chính là Mầu nhiệm Vượt Qua mà chính  Đức Kitô – Ngôi Lời Nhập Thể đã trải qua, thông qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Đó cũng là cuộc vượt qua mà chúng ta – các tu sĩ Ngôi Lời sẽ sống:

“Vượt qua” – để đến với người nghèo (vượt qua sự ích kỷ, dững dưng…)

            – để đến với các nền văn hoá khác (vượt qua sự phân biệt, kỳ thị, thành kiến…)

                      – để đối thoại (Vượt qua sự nghi ngờ, hiểu lầm, thù oán…)

III. KẾT LUẬN

            Sau hơn 135 năm thành lập, công cuộc truyền giáo của dòng Ngôi Lời được chiếu tỏa khắp nơi trên khắp năm châu. Từ đâu mà con trai bác nông dân vùng Goch kia có được tính can trường, có được sự khôn ngoan, một vị giáo sư toán nghiêm khắc khô khan có được sức mạnh để lập nên một cơ nghiệp truyền giáo khắp hoàn cầu như vậy?

            Nguồn mạch mọi sự đến từ một đức tin trung kiên không có gì lay chuyển nổi. Duy chỉ có một lý tưởng, một mục đích, đó là việc đặt mình phục vụ Thiên Chúa Ba Ngôi và làm cho mọi người nhận biết yêu mến và kính thờ.

            Chúng ta nhận ra những lời nguyện sau đây đã trở thành phương châm của ba dòng tu của thánh Arnold: “Ước gì Thiên Chúa Ba ngôi Duy Nhất và Thánh Thiện sống trong tâm hồn chúng ta và tha nhân”.

Điều này được phản ánh trong 5 chiều kích căn bản mà chúng ta vừa chia sẻ với nhau, đó là Thiên Chúa Ba Ngôi – Ngôi Lời – Chúa Thánh Thần – Cộng đoàn – Truyền giáo.

Những chiều kích khác như lòng tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, sùng kính Maria – Mẹ Thiên Chúa, Mầu nhiệm Nhập thể… đều bắt nguồn từ năm chiều kích chính trên.

            Đó là linh đạo của chúng ta. Nguyện xin cho mỗi người chúng ta, trong khi quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa Cha, trong Ngôi Lời  và trong Thánh Linh của Ngài, chúng ta sẽ “làm sáng tỏ Lời ban sự sống” (Phil 2,16) và làm tỏ hiện sự tốt lành của Thiên Chúa trong đời sống và việc phục vụ của chúng ta.

     [1] ĐGM Chacko Thottumarickal, SVD, Ed., Arnold Janssen’s Spirituality for Our Times.  India: Satprakashan Press (2002): tr. 30.

     [2] Fischer, Hermann.  You Are the Temples of God.

     [3] ĐGM Chacko Thottumarickal, SVD, Ed., Arnold Janssen’s Spirituality for Our Times.  India: Satprakashan Press (2002): tr.10.

     [4] McHugh, Peter, SVD, The Spirituality of Our Society.  SVD Manila Province, Philippines (2002): tr. 41.

     [5] Hiến Pháp: Phần Mở đầu.

     [6] ĐGM Chacko Thottumarickal, SVD, Ed., Arnold Janssen’s Spirituality for Our Times.  India: Satprakashan Press (2002): tr. 12.

     [7] Fontes Historici SVD, Tập 1, tr.25.

       Luật Dòng năm 1876 là bản luật duy nhất nêu rõ vùng “Viễn đông – Far East”. Các bản hiến pháp sau chỉ còn dùng từ “heathen” hay “pagan” (ngoại giáo), và Hiến pháp 1967 và về sau đã điều chỉnh các từ dùng theo ngôn ngữ của Vat. II như chúng ta có trong hiến pháp 1983 (§102: Nơi mà Tin Mừng chưa hề được rao giảng, hoặc chưa được rao giảng cho đủ…)

Bài trướcĐức Thánh Cha gặp gỡ các bạn trẻ từ Cửa Sổ Giáo Hoàng tại Krakow
Bài tiếp theoBài chào hỏi ĐHGT Krakow của ĐTC Phanxicô

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây