Xây Nhà Tình Thương cho Gia Đình Việt Kiều

0
415

Vào lúc 11g00 ngày 19/06/2017, Ban Truyền Giáo Dòng Ngôi Lời chúng tôi cùng với cha Bênêđictô Nguyễn Phi Hành, chánh xứ Na Goa, hạt Túc Trưng, giáo phận Xuân Lộc đã đến làm phép và khánh thành ngôi nhà mới cho anh Phêrô Trương Văn Giàu và chị Maria Đỗ Thị Mân. Anh chị hiện đang sống tại xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Nghe đến cụm từ Việt Kiều, không ít người thắc mắc và đặt câu hỏi tại sao Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời lại đi xây nhà Tình Thương cho gia đình Việt Kiều? Quả thật, khi nghe đến hai từ Việt Kiều, rất nhiều người đều có chung suy nghĩ là gia đình họ có rất nhiều tiền đô để sài. Nhưng thực tế không phải như vậy, đối với những gia đình có người thân ở: Úc, Mỹ, Canađa hay Âu Châu, v.v… thì họ mới có nhiều tiền đô.

Còn những gia cảnh mà Ban Truyền Giáo chúng tôi đồng hành ở đây là các gia đình Việt Kiều trở về từ Campuchia, sau những năm 1970 đến 1972 bị chế độ diệt chủng Pôn Pốt nước bạn truy đuổi. Họ ra đi trong sự vội vã và về đến Việt Nam dường như các gia đình đều hai bàn tay trắng. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi đã rong ruổi suốt hơn bốn năm qua trên bước đường truyền giáo, đến những nơi có bà con từ Campuchia trở về sinh sống như các giáo xứ: Tân Hương, Tân Phú thuộc Giáo phận Sài Gòn; Sơn Long, Tân Tiến, Bù Đăng, Bù Đốp, thuộc giáo phận Ban Mê Thuột, hay Suối Cát, Russey Keo, Phủ Lý, Phú Giồng, Hiệp Nhất, Thống Nhất, Thánh Mẫu, Đức Thắng, Na Goa, La Ngà, Bích Lâm, Kim Lâm v.v… hay xóm Năm Miên, gần cộng đoàn Phương Lâm, thuộc giáo phận Xuân Lộc, thì phần đa bà con có đời sống kinh tế rất khó khăn cực nhọc. Thêm vào đó, những gia đình bà con Việt Kiều sống ở quanh bờ hồ thuộc hai xã Túc Trưng và La Ngà, huyện Định Quán, sau khi nước lòng hồ thủy điện Trị An dâng lên. Phần đông những người dân nơi lòng hồ chỉ nhận được tiền bồi thường đất nông nghiệp với giá còn rẻ hơn “mớ bèo”. Chính vì vậy mà họ một lần nữa lại trắng tay, kinh tế kiệt quệ không còn ruộng vườn để kiếm kế sinh nhai. Cách duy nhất là họ chọn giải pháp là đi làm công nhân ở các nhà máy xí nghiệp thuộc diện lao động phổ thông, lương “ba cọc ba đồng” nên cuộc sống gia đình quanh năm túng quẫn. Nhiều người cao tuổi không còn sức trẻ lao động ở nhà máy xí nghiệp, nhiều gia đình phải chăm sóc con nhỏ đưa đón đi học mỗi ngày, họ đành chọn cách đi làm thuê làm mướn quanh vùng. Ai gọi gì làm nấy, ai gọi đâu làm đó, khi có khi không tùy theo mùa vụ, nên thu nhập hết sức thất thường. Do vậy, cái nghèo, cái đói luôn rình rập gia đình họ. Họ chạy miếng ăn qua ngày còn chưa đủ, lấy đâu ra tiền tích cóp mà dám mơ nghĩ đến một căn nhà tường gạch, vách xây, mái lợp bằng tôn che nắng che mưa? Tệ hại hơn, những gia đình chẳng may có người đau, người bệnh thường xuyên phải chạy thầy chạy thuốc, thì dường như cái nghèo trở thành “người bạntâm giao và là đối tác bền vững” đeo, bám rồi quấn lấy đời họ còn dai hơn đỉa đói vào mùa khô ở Cao Nguyên.

Gia đình anh chị Phêrô Trương Văn Giàu và Maria Đỗ Thị Mân cũng nằm trong diện khó khăn như thế đó. Bề ngoài trông anh Giàu có vẻ khỏe mạnh, nhưng thực tế anh bị nhiều bệnh rất nặng không đỡ đần gì cho gia đình được bao nhiêu. Riêng chị Mân vợ anh hiển nhiên trở thành lao động chính nuôi sống cả gia đình. Ngày ngày chị Mân phải thức dậy từ bốn gờ sáng, để lên xe đưa đón về làm công nhân ở thành phố Biên Hòa, khi trở về nhà thì cũng đã chín mười giờ đêm, vì lộ trình mỗi ngày hai lượt đi và về gần hai trăm cây số. Với số tiền lương ít ỏi vài triệu đồng trên tháng do chị Mân kiếm được, bấy nhiêu ấy không thể nào đủ để trang trải chi tiêu cho sinh hoạt gia đình gồm bốn miệng ăn cũng như việc học hành của hai cháu. Đến nay anh Giàu và chị Mân cưới nhau sau bao nhiêu năm mà cả gia đình sống trong một căn nhà toàn bằng lá. Bao gồm: mái lá, vách lá, hiên lá, chái lá và tất tần tật từ trước đến sau, từ trong ra ngoài, từ phải sang trái đều làm bằng lá buông. Mỗi khi anh hay chị đi đâu ra khỏi nhà thì lòng luôn nơm nớp lo sợ con cháu hay ai đó bất cẩn, cho dù chỉ cần một tàn thuốc thôi cũng đủ biến cả gia tài anh chị thành đống tro không cánh mà tiêu tàn.

Hôm nay trở lại sau hơn một tháng đến khảo sát nhà anh Giàu chị Mân, cha sở Bênêđictô Nguyễn Phi Hành cùng tôi và các người cộng tác viên truyền giáo đều cảm thấy mừng cho gia đình anh chị và hai cháu. Mặc dầu đến làm phép nhà mới cho anh chị xong, chúng tôi chỉ dùng với gia đình một chai nước lọc và chỉ một chai nước lọc không ướp lạnh thôi, cũng đủ làm cho lòng chúng tôi cảm thấy “tươi mát và vui mừng” vì cả nhà anh chị từ nay không còn cảnh giữa trưa nằm trong nhà vẫn thấy rõ ánh mặt trời, hay đêm khuya mưa lạnh nằm trên giường ngủ mà người lại ướt hơn núp dưới bóng cây ngoài vườn.

Nguyện chúc cho gia đình anh chị Phêrô Trương Văn Giàu và Maria Đỗ Thị Mân, ngày càng ấm áp và hạnh phúc hơn trong ngôi nhà mới có Chúa hiện diện qua nghi thức làm phép hôm nay. Sự ấm áp được khởi xuất bởi tình yêu Giêsu, được bao bọc, chở che và nối kết từ bao tấm lòng vàng hảo tâm của Ân Nhân – Hội Viên Truyền Giáo xa gần trên mọi miền đất nước, để rồi kết dệt nên mối dây yêu thương trong tình yêu Ngôi Lời. Nguyện cho ngọn lửa ấm nồng của Chúa Thánh Linh luôn luôn sưởi ấm, soi đường và đồng hành cùng gia đình anh chị mãi mãi. Hơn thế nữa, ước mong cho hai cháu, con của anh chị luôn chăm chỉ học giáo lý ở nhà thờ và chăm ngoan học hành ở trường, để mai sau trở nên người hữu ích cho Giáo hội và xã hội. Thương chúc các con luôn là con ngoan trò giỏi và sớm thành đạt trong cuộc sống, để mai sau trở thành những kitô hữu nhiệt thành, mạnh dạn sống chứng nhân tình yêu Đức Kitô Ngôi Lời nhập thể trong thế giới hôm nay.

Mến chào anh chị và hai cháu.

Thư ký Truyền giáo Tỉnh Dòng

Lm. Inhaxiô Nguyễn Hoàng Hiệp, SVD

 

 

Bài trướcHội thảo Quốc tế lần thứ 5 của ban Đào Tạo Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh Truyền Giáo (SSpS)
Bài tiếp theoKhóa học hè 2017 về Truyền Giáo Học của Học viện Ngôi Lời Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.