Một Dòng Ngôi Lời đa Văn hóa trong một Thế giới đa Văn hóa

0
381

[Antonio M. Pernia, SVD, “A Multicultural SVD in a Multicultural World”, Verbum SVD 43 (2002), tr. 143-159)

Bài báo này suy tư về hiện tượng đa văn hóa đang phát triển cả trong thế giới và trong Dòng Ngôi Lời. Mục đầu tiên khảo sát sự đa văn hóa trong thế giới như là một hiện tượng đang nổi lên từ và có liên hệ nội tại với sự toàn cầu hóa và sự di dân quốc tế. Hiện tượng này được xem như là một thách đố truyền giáo đặc biệt cho một hội dòng truyền giáo, vốn có tính quốc tế. Mục thứ hai xem xét tính quốc tế trong Dòng Ngôi Lời. Nó lần theo kinh nghiệm về tính quốc tế trong lịch sử của Dòng Ngôi Lời, sau đó nó chăm chú vào tính quốc tế như là một yếu tố trong căn tính nền tảng của Dòng Ngôi Lời. Mục thứ ba khám phá sứ mạng của một hội dòng truyền giáo quốc tế như Dòng Ngôi Lời trong bối cảnh đa văn hóa. Sứ mạng cổ vũ một Giáo hội đa văn hóa được nhấn mạnh và được liên kết với bốn chiều kích đối thoại ngôn sứ. Mục thứ bốn kết luận bài báo bằng việc trình bày “mười chủ đề về sự liên văn hóa và Dòng Ngôi Lời.”

Tuyên ngôn của Tổng tu nghị 15 năm 2000 của Dòng Ngôi Lời, “Lắng nghe Chúa Thánh Thần: sự đáp trả mang tính truyền giáo của chúng ta hôm nay,”[1] phần nào quy chiếu đến đề tài “liên văn hóa” (interculturality) hay “đa văn hóa” (multiculturality). Những đề tài nằm ở các số 20-21 của Bảng tuyên ngôn, vốn nói về “những hệ quả văn hóa” của “các khuynh hướng lớn đang thay đổi thế giới” được nêu lên rất sớm trong Bảng tuyên ngôn (số 11-14), và tại các số 29-33 nó mô tả “Hội dòng của chúng ta ngày nay”. Trước hết, Bảng tuyên ngôn lưu ý về sự đa văn hóa đang phát triển của thế giới nói chung. “Ngày nay, nhiều người từ các nền văn hóa khác nhau đã gặp gỡ nhau cách rất gần gũi. Hầu hết các thành phố được cư ngụ bởi hiều nhóm văn hóa khác nhau” (số 20). Thứ hai, Bảng tuyên ngôn chú ý đến sự đa dạng văn hóa đang phát triển trong thành viên Hội dòng chúng ta. “Thành viên chúng ta đa dạng hơn … Sự phân phối nhân sự toàn cầu của chúng ta cho phép việc hình thành những cộng đoàn quốc tế/liên văn hóa tại nhiều nơi trên thế giới” (số 29).

Bài báo này muốn khám phá những phát biểu và đề nghị này để đáp trả cho thách đố truyền giáo mà thế giới đa văn hóa đặt ra cho hội dòng truyền giáo quốc tế như Hội dòng SVD. Ở phần kết luận với “mười chủ đề” về tính liên văn hóa và Dòng Ngôi Lời, nó đưa ra một tổng hợp những hiểu biết sâu sắc cơ bản hay những nguyên tắc liên quan đến tính liên văn hóa hay đa văn hóa như là đặc trưng nền tảng của Dòng Ngôi Lời.

  1. Một thế giới đa văn hóa phát triển không ngừng

Một trong những đặc trưng của thế giới chúng ta ngày nay chắc chắn là tính đa văn hóa đang phát triển của nó. Nhiều nhân tố đã góp phần vào đặc trưng này của thế giới hôm nay. Trong số đó, tiến trình toàn cầu hóa và hiện tượng di dân quốc tế là đáng kể nhất.

1.1. Một đặc trưng của ngôi làng toàn cầu

Ngày nay bất cứ ai nói đến toàn cầu hóa cũng đều chú ý đến tính đa văn hóa mà tiến trình toàn cầu hóa mang lại. Thật thế, “tính đa văn hóa” hầu như đã trở thành đồng nghĩa với “toàn cầu hóa.” Vì thế, người ta có thể nói rằng tính đa văn h óa là đặc trưng của ngôi làng toàn cầu. Những sự đổi mới về công nghệ truyền thông, công nghệ thông tin và công nghệ vận tải đã đem con người từ những nền văn hóa khác nhau lại với nhau, không phải về mặt thể lý nhưng là trong thế giới ảo. Nó không chỉ làm cho ngày nay nhiều người di chuyển hơn trước đây, mà còn làm cho con người ngày nay di chuyển thường xuyên hơn trước đây. Điều này muốn nói đến sự gặp gỡ nhau giữa những dân tộc khác nhau, những nền văn hóa khác nhau, những tôn giáo khác nhau, những lối sống khác nhau. Và ngay cả những người không di chuyển cũng tiếp xúc với những con người thuộc các nền văn hóa và nơi chốn khác thông qua Tivi, mạng internet, điện thoại di động và những phương tiện truyền thông hiện đại khác.

Thậm chí chúng ta có thể nói rằng hầu hết chúng ta là những người đa văn hóa. Ví dụ như, khi là sinh viên, tôi đã có những thầy giáo và giáo sư đến từ Mỹ, Đức, Anh, Hà Lan, Ai-len, Ác-hen-ti-na, Philippines, Indonesia, Ấn độ. Và nếu chúng ta vẫn nghĩ đến những tác giả nước ngoài đã gây ảnh hưởng trên chúng ta thông qua sách vở và bài báo của họ, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng sự đa văn hóa là một hiện tượng đang bao quanh chúng ta, hầu như cả không khí chúng ta đang hít thở. Vẻ bề ngoài, sự đa văn hóa là ở nơi chúng ta đang ở. Benetton, một toàn đa quốc gia khổng lồ của Ý, có một quảng cáo mang những từ ngữ sau: “Những màu được thống nhất của Benetton” và trình bày một nhóm các trẻ em hạnh phúc từ các nền văn hóa và nguồn gốc chủng tộc khác nhau – da đen, Trung quốc, Mã Lai, Ả rập, châu âu, etc. Hình ảnh như thế có thể là hình ảnh của thế giới đa văn hóa ngày nay của chúng, trong nhiều trường hợp ngoại trừ những khuôn mặt hạnh phúc.

1.2. Di dân quốc tế

Hiện tượng di dân quốc tế, hay sự di chuyển rất lớn của dân chúng xung quanh thế giới, liên quan gần gũi với vấn đề toàn cầu hóa. Nó có thể được xem xét như vừa là hậu quả của tiến trình toàn cầu hóa thế giới vừa là yếu tố đóng góp cho tiến trình ấy. Theo IOM (International Organization for Migration – Tổ chức di trú quốc tế)[2] được đặt trụ sở ở Geneva, Thụy sĩ, có khoảng 150 triệu người di dân quốc tế trên toàn thế giới. Điều đó muốn nói rằng một trong số 50 người có một người di dân hay một người di chuyển. Mặc dù di dân là một hiện tượng lâu đời, nhưng tính chất di dân toàn cầu trong thời đại chúng ta là điều gì đó đem đến cho nó một sự nổi bật đặc biệt. Ngày nay, nhiều người chọn hay bị ép buộc di trú hơn trước đây, và họ đang di chuyển đến nhiều nước. Những người di dân quốc tế đến từ trên toàn thế giới và di chuyển đến tất cả các phần của thế giới.

Nhiều người di dân quốc tế tại Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ (với những con số bằng nhau), tiếp đến là Châu Phi, Châu Mỹ La-tinh và Châu Đại Dương với những con số tăng dân ít hơn. Hơn một nửa số người di dân quốc tế sống trong các nước đang phát triển, với sự di dân thường xảy ra bên trong cùng một lục địa. Sự phát triển rất nhanh về con số di dân quốc tế có xu hướng xảy ra như là kết quả của các cuộc khủng hoảng tị nạn. Hội đồng Tòa thánh về chăm sóc mục vụ cho những người di dân và những người di động ước lượng rằng ngày nay có tổng cộng khoảng 50 triệu người tị nạn hay người di dân bắt buộc. Điều này có nghĩa rằng khoảng một trong số 120 người có một người di dân bắt buộc.[3] Điều này đã làm cho Đức Thánh Cha gọi hiện tượng tị nạn là “một vết thương đáng xấu hổ của thời đại chúng ta.”

Chỉ vì các nguyên nhân di dân quốc tế phức tạp, cho nên các hậu quả của nó cũng phức tạp về vừa cả các quốc gia nguồn vừa cả các quốc gia đến. Ảnh hưởng của nó không thể được mô tả như chỉ là tích cực hay tiêu cực. Thường thường những yếu tố tạo ra lợi ích cũng có thể gây ra thiệt hại. Trong bất cứ trường hợp nào, một hậu quả của di dân quốc tế là các xã hội đang dần dần trở nên đa văn hóa. Như là kết quả của di dân, ngày nay những người đến từ các nền văn hóa khác nhau không chỉ gặp gỡ nhau rất gần gũi, mà nhiều khi họ bị buộc phải sống bên cạnh nhau. Ngày nay nhiều thành phố trên thế giới được cư ngụ bởi nhiều nhóm văn hóa khác nhau. Và thông thường đa văn hóa cũng nói lên sự khác biệt về tôn giáo. Đặc biệt đối với những xã hội thuần nhất về mặt chủng tộc cho đến nay, hiện tượng này có thể gây khó chịu. Thật vậy, sự di dân đang làm thay đổi bộ mặt của các thành phố chúng ta, như các yếu tố sau đây chỉ ra:

  • Người ta nói rằng những thành phố rộng lớn thứ hai của người Ba Lan và của người Hy Lạp trên thế giới được tìm thấy không chỉ trong nước Ba Lan hay Hy Lạp, nhưng còn ở Mỹ. Long Beach, California là thành phố rộng lớn thứ hai của người Campuchia trên thế giới, và Đông Los Angeles là thành phố rộng lớn thứ hai của người Salvador.[4]
  • Thư ký tiếng Anh của chúng ta tại Tổng quyền đi vòng quanh Roma trong các ngày Chúa nhật. Sau khoảng 12 năm ở Roma, bây giờ cha ấy biết hầu hết mọi nhà thờ và đền thờ (sanctuary) ở Roma. Cha ấy thường đùa rằng vào các ngày Chúa nhật chỉ có những ngôn ngữ mà bạn nghe trong các xe buýt và tàu điện ngầm là tiếng Ba Lan và tiếng Tagalog.
  • Phần đa trong số 11 triệu công dân không phải là người châu Âu được đăng ký ở Đức (hơn 5 triệu), ở Pháp (2,25 triệu), ở Anh (hơn 1 triệu). Ở Đức, những kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ tạo nên nhóm người lớn (gần 2 triệu), theo sau là những người Nam Tư cũ (hơn 1 triệu). Tại Pháp, những người An-giê-ri và những Ma-rốc là những nhóm dân lớn không phải là người châu Âu (mỗi cộng đồng có con số khoảng 600 000).[5]
  • Liên bang Nga đã trở thành điểm đến cho những người di dân lao động tại Trung Âu và Đông Âu và toàn thể nhân dân của các Bang Độc Lập (Commonwealth of Independent States – CIS). Phần đa đến từ bên trong các Bang Độc Lập, mặc dù con số lớn cũng đến từ 114 quốc gia khác, với những con số đáng kể đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, và Nam Tư cũ.[6]
  • Mọi loại di dân được tìm thấy ở nam Sahara của châu Phi. Phần lớn các nước tiếp đón người di dân lao động là Côte d’Ivoire ở Miền Tây Phi, Gabon ở Miền Trung Phi, Botswana và Cộng Hòa Nam Phi ở Miền Nam Phi. Phần đa các nước gốc là Mali, Burkina Faso và Lesotho, Ghana, Nigeria và Senegal được xem như là những nước vừa nhận vừa gửi đi. Mặc dù những trào lưu tị nạn bắt buộc và những thay đổi chỗ ở cách nội bộ góp phần rất lớn những châu Phi di trú, những năm gần đây đã thấy những hình thức phát triển di dân khác, chẳng hạn như sự di dân lao động tạm thời.[7]
  • Tại Đông Nam Á, những yếu tố kinh tế quyết định những hệ thống di dân phụ (migration subsystems) liên tục và dài hạn, vốn được hình thành bởi sự thu hút lao động xuyên các biên giới quốc tế đến Singapore và bán đảo Malaysia, Đông Malaysia và Brunei Darussalam, và Thái Lan. Trong hai trường hợp đầu tiên, Indonesia và Philippines tạo nên nguồn chính yếu của các dòng chảy lao động; nhiều quốc gia ở Đông Dương (Indochina) là những nguồn di dân chính đến Thái Lan.[8]
  • Ở phần hình nón phía nam (Southern Cone) của Nam Mỹ, Argentina vẫn còn là cực thu hút di dân lớn. Tuy nhiên, những người Argentina cũng góp phần vào phong trào di dân bên ngoài vùng miền như họ làm cho số công dân ở phần hình nón phía nam định cư ở Mỹ rất cao. Nước Argentina là nước chủ nhà đối với khoảng hai triệu người di dân; khoảng 50% là những kiều dân châu Mỹ Latinh. Hơn 80% những người di dân quốc tế từ phần phía nam hình nón định cư ở Argentina.[9]
  • Ở châu Đại Dương, Úc và New Zealand là những điểm đến chính yếu của những người di dân. Nước Úc tiếp tục truyền thống lâu dài của nó như là một quốc gia di dân, và như những quốc đã phát triển khát tại châu Âu và tại Bắc Mỹ, nó đã bắt đầu thực hiện một chính sách di dân chọn lọc hơn để đảm bảo rằng những người di dân sẽ được đón nhận tốt và sẽ đóng góp vào toàn nền kinh tế và xã hội. Chính sách hạn chế hơn này phát xuất từ những quan tâm về tầm rộng lớn và sự đa dạng của tình trạng di dân gần đây. Năm 1996, các báo cáo từ Văn phòng thống kê của Úc đã khẳng định rằng gần 25% dân số là sinh ở nước ngoài.[10]
  1. Dòng Ngôi Lời như là một Hội dòng truyền giáo quốc tế

Tôi tin rằng không ai có thể nghi ngờ sự thật rằng Dòng Ngôi Lời là một trong những nhóm tu sĩ truyền giáo quốc tế nhất trong Giáo hội hiện nay. Mặc dù khó để chỉ rõ và đếm được các quốc tịch và văn hóa, quyển Catologus của Dòng Ngôi Lời mới nhất cho thấy rằng những thành viên của chúng ta xuất thân từ khoảng 65 dân tộc hay quốc gia khác nhau. Dĩ nhiên, sự thật này không đến một cách ngẫu nhiên. Nó là kết quả của sự cởi mở đối với tính quốc tế mà chính Đấng sáng lập đã trồng trong hội dòng ngay từ đầu.

2.1. Tính quốc tế trong Lịch sử của Dòng Ngôi Lời

Lịch sử của Dòng Ngôi Lời cho thấy một vài nét về hiện tượng tính quốc tế – ngay từ đầu, và có lẽ thận trọng, sự cởi mở đối với tính quốc tế mà Đấng sáng lập đã mô tả đối với kinh nghiệm về tính quốc hiện thời đang phát triển mạnh theo nghĩa “tính đa văn hóa” xác thực hay sự tương tác của các nền văn hóa.[11]

2.1.1. Sự cởi mở ban đầu đối với tính quốc tế

Ba sự kiện hay việc xảy ra thường được kể để nói đến sự cởi mở của Arnold Janssen đối với tính quốc tế ngay từ lúc khởi đầu.[12] Thứ nhất, vào năm 1875 Arnold Janssen đã bắt đầu việc nói đến kế hoạch của ngài như là kế hoạch về một “Ngôi Nhà Truyền Giáo của Đức-Áo” mà ngài đã hy vọng các đại diện từ những dân tộc khác nhau sẽ thuộc về. Vì điều này, ngài đã nghĩ đến Roma như là nơi cho cơ quan đầu não của Hội dòng cũng như để tránh những xung động và căng thẳng mang tính quốc gia. Như chúng ta biết, ngài đã không có khả năng để bắt đầu tại Roma và vì thế đã bắt đầu tại Steyl, Hà Lan. Tuy nhiên, nhóm nhỏ đã bắt đầu tại Steyl đã đại diện cho nhiều dân tộc: hai người Đức, một người Áo và một người đến từ Luxembourg.

Sự kiện thứ hai là Tổng tu nghị đầu tiên vào năm 1885, vốn đã cố gắng “giải phóng Hội dòng khỏi những giới hạn quốc gia của nó, cung cấp cho Hội dòng thêm nhiều thành viên và những người hổ trợ, và vì thế đảm bảo một sự phát triển to lớn trong thời gian ngắn.” Do đó, Luật Tháng Hai (February Rule), vốn là kết quả của Tổng tu nghị, đã chứa đựng một lệnh cấm nghiêm ngặt về việc “phê bình quốc tịch của một anh em hay cổ vũ bản thân mình bằng cách làm mất uy tín người khác.” Luật Tháng Chín đã phát triển điều này thêm nữa khi nói rằng các anh em nên “tránh sự kiêu hãnh sai lầm về dân tộc của mình. Vì điều ấy không mâu thuẫn với mục đích của Hội dòng, mà cũng không mâu thuẫn với tinh thần của Giáo hội và Thần Khí Thiên Chúa.”

Sự kiện thứ ba là giới thiệu công báo chính thức của Bề trên Tổng quyền. Tên gọi Latinh của nó là Nuntius Societas Verbi Divini. Khi nghĩ về đặc tính quốc tế tương lai của Hội dòng, Đấng sáng lập đã lưu ý rằng: “Cuối cùng triển vọng đã đến trong đầu tôi rằng có lẽ sau này Hội dòng sẽ tuyển những linh mục từ những nơi mà tiếng Đức không được nói. Có lẽ sau này việc thay thế tiếng Đức bằng tiếng Latinh trong văn bản sẽ cần thiết.”

2.1.2 Đặc tính quốc tế mang tính địa lý

Trong ánh sáng của sự cởi mở nền tảng này nơi Đấng sáng lập đối với đặc tính quốc tế, rất dễ để hiểu sự phát triển nhanh chóng của Hội dòng trên khắp thế giới. Trong vòng một thời gian ngắn, Hội dòng đã có thể thiết lập cơ sở trong một vài quốc gia trên khắp năm châu lục – Trung Quốc 1879, Argentina 1889, Áo 1889, Đức 1892, Togo 1893, Brazil 1895, Mỹ 1895, Papua New Guinea 1896, Chile 1900, Nhật Bản 1906, Philippines 1909. Sau khi Đấng sáng lập mất vào năm 1909, Hội dòng đã trải rộng trên nhiều quốc gia hơn – 22 quốc gia vào giai đoạn 1910-1964 và 29 quốc gia trong giai đoạn 1965-2000.[13]

Sự mở rộng đến nhiều quốc gia là đáng chú ý. Nhưng điều đáng chú ý hơn là ở đâu mà Hội dòng được thiết lập, thì nó sớm nhận những thành viên từ dân bản địa. Mặc dù đã có sự thận trọng lúc đầu trong một vài trường hợp, sự cởi mở cơ bản đối với tính quốc tế mà Đấng sáng lập đã gieo trồng trong Hội dòng đã thực hiện điều này không chỉ khả thể nhưng cũng rất tự nhiên. Vì thế, vào thời điểm Hội dòng cử hành lễ kỷ niệm năm thứ 85 vào năm 1960, một người đã viết rằng “ngày nay Hội dòng có 35 quốc tịch, và nhóm lớn nhất, những người Đức, không chiếm hơn 40%.”[14] Ông ta tiếp tục lưu ý rằng sau những người Đức là những người Mỹ (13%), người Hà Lan (11%), người Ba Lan (6%), người Argentinina (4%), người Áo (3,7%), người Braxin (3,4%), người Séc và Slovác (3%) và người Indonesia (2%).

Một yếu tố khác cần được lưu ý là việc gửi các nhóm quốc tế đi truyền giáo, ví dụ những anh em thuộc các quốc khác nhau có bài sai đi làm việc trong cùng một vùng truyền giáo. Thực hành này đã bắt đầu với nhóm truyền giáo đầu tiên được Đấng sáng lập gửi đi – John Anzer, người Đức, và Joseph Freinademetz, người Tyrol (Áo). Họ đã được sai đi truyền giáo cho Trung Hoa vào năm 1878. Thực hành này tiếp tục được nuôi dưỡng trong lịch sử của Hội dòng và đã dẫn đến việc thành lập các tỉnh dòng và miền dòng với thành phần quốc tế. Do đó, việc một tỉnh dòng hay miền dòng của Hội dòng được tạo thành bởi các anh em thuộc 5, 10, 15, 20 quốc tịch hay hơn nữa là không hiếm.

Dĩ nhiên vào thời điểm này, đặc tính quốc tế không là gì khác hơn sự mở rộng về mặt địa lý hay sự hiện diện của Hội dòng tại nhiều nước trên thế giới. Hiển nhiên, điều này chỉ là một phương diện – quả thật, chỉ là một phương diện ngoại tại – của đặc tính quốc tế. Bởi vì một người nào đó có thể hiện diện trong một quốc gia, học ngôn ngữ của người dân và vẫn sống như một người xa lạ trong quốc gia ấy. Hội dòng mang tính quốc tế chỉ trong nghĩa như Giáo hội phổ quát vì hiện diện trong hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng về cơ bản sự hiện diện như thế là sự hiện diện của Giáo hội quy châu Âu (Euro-centric Church) hay của một Dòng Ngôi Lời quy châu Âu (Euro-centric SVD). Giáo hội giống như một công ty quốc tế xuất khẩu đi châu Á và châu Phi. Thông qua các nhân viên người Mỹ của mình, Giáo hội là một tôn giáo châu Âu về mặt cơ bản.[15]

Tương tự, trong bất kỳ quốc gia nào mà chúng ta đã làm việc, Dòng Ngôi Lời đã hiện diện như là một hội dòng truyền giáo châu Âu (Đức). Điều đã được thực hiện ở châu Âu hay nước Đức đã được lập lại hay đã được bắt chước tại Argentina, Tân Ghi Nê hay Ấn Độ.

Chúng ta, những thành viên Ngôi Lời, giống như những Tu hội khác, đã mang tính quốc tế về địa lý nhưng vẫn mang tính quy châu Âu (Euro-centric) về văn hóa và đào tạo. Việc làm tập kỳ tại Nhật hay Chi-lê đã không khác gì mấy. Việc học thần học ở Buenos Aires hay ở Bombay đã gần như giống nhau. Người ta đã học cùng những môn học và đã tham khảo cùng các tác giả. Các lời cầu nguyện đã đi theo cùng những phương pháp “phổ quát”, và các quy tắc pháp lý giống nhau về đời sống tu trì được áp dụng ở mọi nơi, ví dụ các quy tắc pháp lý của truyền thống công giáo hậu công đồng Trentô.[16]

Quả thật, vào thời điểm này, người ta đã có ấn tượng rằng mọi thứ đã là một bản sao của nước Đức. St. Augustin đã được sao chép tại Techny (USA) và tại Rafael Calzada (Argentina). Và Techny đã được sao chép lại ở Christ the King (Philippines) và Rafael Calzada đã được sao chép lại tại Pamplina (Tây Ban Nha). Điều được thực hiện đã là một sự đồng nhất hóa nào đó hơn là tính quốc tế xác thực. Trong khi điều này đã đem đến cho Hội dòng một cảm thức mạnh mẽ về sự thống nhất, nó cũng đã không quan tâm đến sự phong phú đặc biệt của mỗi nền văn hóa. Chỉ một loại SVD đã đang được tạo ra, và dĩ nhiên chỉ có một lối sống đời tu và làm việc truyền giáo. Vì thế, người ta có cảm giác rằng để trở nên một SVD phải từ bỏ việc mình là người Indonesia, người Nhật, người Braxin hay người châu Phi.

2.1.3. Tính quốc tế như là sự tương tác giữa các nền văn hóa

Hoàn cảnh này đã bắt đầu thay đổi với việc diễn ra công đồng Vatican II và sự đánh giá tích cực của nó đối với văn hóa, lịch sử và bối cảnh kinh tế-xã hội của các quốc gia và dân tộc. Thần học đã bắt đầu nói đến việc hội nhập văn hóa và việc xây dựng Giáo hội địa phương. Đã không còn chỉ có một cách là Giáo hội hay một cách là Kitô hữu trong thế giới nữa. Có nhiều mẫu thức cũng như có nhiều nền văn hóa. Tương tự, trong Dòng Ngôi Lời, sự hiểu biết này đã bắt đầu phát triển rằng đã không chỉ có một cách là SVD và rằng đặc sủng của Đấng sáng lập có thể tìm thấy những sự thể hiện khác nhau nơi các nền văn hóa khác nhau của các dân tộc. Giống như Tin mừng, đoàn sủng nguyên thủy của Hội dòng không chỉ có thể làm phong phú nhưng cũng được làm phong phú bởi các nền văn hóa mà chính nó nhập thể vào trong đó. Điều này đã dẫn đến một hoàn cảnh mà trong đó Hội dòng được nhìn nhận như là không được tạo nên bởi các thành viên từ các quốc gia khác nhau cùng học chung một “văn hóa SVD” nữa nhưng bởi các thành viên từ các quốc gia khác nhau cùng chia sẻ sự phong phú văn hóa của họ. Dần dần Dòng Ngôi Lời đã trở nên không chỉ là ngôi nhà của một nền văn hóa nhưng là nơi cho sự tương tác của các nền văn hóa khác nhau.

Hai sự phát triển trong những năm gần đây đã làm tăng thêm tính đa văn hóa của Dòng Ngôi Lời. Sự phát triển thứ nhất là khi các tỉnh dòng và miền dòng “nhận truyền giáo” (mission-receiving) đã bắt đầu gửi thường xuyên các nhà truyền giáo đến những vùng khác nhau của thế giới. Điều này làm kết thúc các sự kiện xảy ra nơi các tỉnh dòng châu Á chính trong giữa những năm thập niên 1980. Điều này đã đưa đến một hoàn cảnh mà nơi đó có gần 170 thành viên SVD người Indonesia, 130 thành viên SVD người Philippines và 120 thành viên SVD người Ấn độ đang làm việc ngoài quốc gia của họ. Sự hiện diện của 420 nhà truyền giáo châu Á này ở châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và những vùng khác của châu Á đã thêm “màu sắc” cho điều đã là lĩnh vực của người da trắng từ trước cho đến nay.

Phát triển thứ hai là “Roscommon Consensus”, bản tuyên ngôn của các vị Bề trên giám tỉnh của vùng châu Âu, được tập hợp tại Roscommon (Ireland) trong năm 1990, đã tuyên bố châu Âu tục hóa cũng là một “vùng truyền giáo” (mission territory) tương tự như các bối cảnh truyền giáo ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh. Vì thế, đã có cảm nhận rằng châu Âu cũng có quyền yêu cầu và nhận các nhà truyền giáo từ bất cứ nơi đâu. Một hệ quả thực hành của điều này là các tỉnh dòng già cỗi của châu Âu, vốn thường chỉ nhận “các bài sai đầu tiên” từ các nhà đào tạo của họ, đã và đang nhận các nhà truyền giáo từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Vì thế, tính đa văn hóa đã trở nên một đặc trưng của những tỉnh dòng châu Âu thuần nhất.

Cho nên, bức tranh của Hội dòng đã thay đổi tận căn từ thập niên 1960. Bây giờ đã có gần 65 quốc tịch trong Dòng Ngôi Lời, và nhóm lớn nhất bây giờ là các anh em người Indonesia, vốn chiếm 24,81% trong tổng số các thành viên SVD. Tiếp theo đó là các anh em người Ấn độ (12,35%) và các anh em người Ba Lan (9,98%). Bây giờ những anh em người Đức xuống hàng thứ tư và chiếm chỉ có 9,45% trong tổng số. Sau đó là các anh em người Philippines (8,84%), các anh em quốc tịnh Mỹ (4,88%), các anh em người Việt (2,86%), các anh em người Hà Lan (2,68%), các anh em người Slovak (1,86%) và các anh em người Áo (1,68%).

2.2. Tính quốc tế và căn tính của Dòng Ngôi Lời

Tính quốc tế không chỉ là một hiện tượng đánh dấu lịch sử và sự phát triển của Dòng Ngôi Lời. Nó cũng là một yếu tố nền tảng làm nên một phần cốt yếu của căn tính Dòng Ngôi Lời. Một bài viết trước đây của tôi đã cố gắng làm điều này.[17] Và nó làm như vậy bằng cách đọc cách cẩn thận và giải thích Hiến pháp của chúng ta.

Dĩ nhiên, việc đọc trước tiên Hiến pháp số 104 có vẻ như làm ngược lại điều này. Nó nói rằng đoàn sủng của Hội dòng chúng ta được đặc trưng bởi việc chúng ta làm chứng cho tính phổ quát của giáo hội và tính hiệp nhất của mọi dân tộc thông qua đặc tính quốc tế của Hội dòng chúng ta” (cùng với việc thực thi “công việc truyền giáo của chúng ta trong một cộng đoàn huynh đệ gồm có giáo dân và giáo sĩ,” và với việc có “tinh thần cởi mở của đấng sáng lập chúng ta … để luôn biện phân lại ý muốn của Thiên Chúa và luôn sẵn sàng, linh động tiến vào những hoàn cảnh mới”). Nói cách khác, điều luật hiến pháp này có vẻ ngụ ý rằng tính quốc tế chỉ là điều gì đó được thêm vào căn tính của Dòng Ngôi Lời, và rằng luôn có một căn tính SVD trước khi nó được đặt trưng bởi tính quốc tế.

Tuy nhiên, trong những điều luật hiến pháp khác, tính quốc tế xuất hiện không chỉ như là một đặc điểm nhưng như là một yếu tố nền tảng trong đoàn sủng của Hội dòng chúng ta. Ví dụ như, Lời Tựa, như chúng ta biết, vốn cung cấp một miêu tả cách ngắn gọn bản chất nền tảng của Hội dòng chúng ta, chứa đựng ý tưởng về tính quốc tế: “Như là một cộng đoàn bao gồm các anh em đến từ những quốc gia và ngôn ngữ khác nhau, chúng ta trở nên một biểu tượng sống động về sự hiệp nhất và sự đa dạng trong Giáo hội.” Có lẽ điều 501 của Hiến pháp còn rõ ràng hơn nữa khi nó nói rằng “mục đích của toàn bộ việc đào tạo và giáo dục trong Hội dòng chúng ta là sự phát triển nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần trong sự kết hợp với Ngôi Lời nhập thể của Chúa Cha và trong một cộng đoàn truyền giáo bao gồm các thành viên từ nhiều quốc gia và nền văn hóa …”. Nói cách khác, cùng với sự phát triển trong cương vị môn đệ như là một tu sĩ truyền giáo, một đòi hỏi nền tảng trong việc trở thành một thành viên SVD là tính quốc tế. Điều luật hiến pháp này hầu như nói rằng người ta không thể trở nên một thành viên SVD nếu họ không học cách sống trong các cộng đoàn quốc tế và đa văn hóa.

Vì thế, tính quốc tế không chỉ là một sự ngẫu nhiên trong lịch sử của Dòng Ngôi Lời. Nó đã không xảy ra cách tình cờ rằng Dòng Ngôi Lời đã trở thành một hội dòng truyền giáo quốc tế. Tính quốc tế là một giá trị được mong muốn hay được dự định trong Dòng Ngôi Lời. Nó là điều gì đó được ghi vào trong hiến pháp của Hội dòng hay trong sự tự nhận thức nền tảng về chính mình của Hội dòng. Điều này hoàn toàn rõ ràng từ việc đọc cả hai: Lời Tựa và Hiến pháp số 501.

Do đó, như những điều luật hiến pháp khác cho thấy, tính quốc tế được xem như là một lý tưởng được tìm kiếm trong Dòng Ngôi Lời. Hiến pháp số 303.1 nói với chúng ta rằng “Một trong những sắc thái nổi bật của đời sống cộng đoàn của chúng ta là có các anh em tu sĩ thuộc nhiều chủng tộc và nhiều quốc gia khác nhau cùng sống và làm việc chung với nhau.” Cho nên, Hiến pháp số 116.2 diễn tả nó, “Vì đặc tính của Hội dòng chúng ta, các anh em trong Hội dòng được chỉ định đến phục vụ tại các tỉnh dòng khác nhau theo nguyên tắc của tính cách quốc tế tương đối đó.” Và bởi vì mục đích đào tạo trong Hội dòng chúng ta là “phát triển trong một cộng đoàn truyền giáo bao gồm các thành viên đến từ nhiều quốc gia và văn hóa khác nhau,” nên các chương trình đào tạo và cơ cấu của chúng ta sẽ phải đa dạng (Hiến pháp 504.1) và những cơ hội để trải nghiệm xuyên văn hóa phải luôn sẵn có cho cả các ứng sinh tu huynh cũng các ứng sinh giáo sĩ (Hiến pháp 515.3 và 516.4). Đối với các ứng sinh giáo sĩ, việc học thần học có thể diễn ra trong một quốc gia khác với sự giới hạn (Hiếp pháp 516.5). Chương trình lứa tuổi thứ ba tại Nemi cũng được khuyến khích như là một cách củng cố tinh thần gia đình của cộng đoàn quốc tế chúng ta (Hiến pháp 519). Việc bầu cử các thành viên hội đồng và việc bổ nhiệm các nhân viên tại tổng quyền nên tính đến đặc tính đặc tính quốc tế của Hội dòng chúng ta (Hiến pháp 619.2).

Rõ ràng rằng, theo Hiến pháp của chúng ta, tính quốc tế là điều gì đó phải được cổ vũ cách có ý thức trong Hội dòng – trong các chương trình đào tạo cơ bản của chúng ta, trong các chương trình thường huấn của chúng ta, trong đời sống cộng đoàn của chúng ta, trong công việc truyền giáo của chúng ta, trong việc quản trị và lãnh đạo Hội dòng của chúng ta. Như thế, tính quốc tế được xem như một yếu tố làm phong phú đời sống tu sĩ truyền giáo và công việc truyền giáo của chúng ta. Thật thế, Hiến pháp số 504.1 nói đến “sự phong phú bắt nguồn từ tính chất quốc tế của Hội dòng chúng ta,” trong khi Hiến pháp số 303.1 nói rằng tính quốc tế “trở thành một kinh nghiệm làm phong phú cho nhau với điều kiện là chúng ta phải tôn trọng quốc tịch và nền văn hóa của mỗi người anh em.” Vì thế, Hiến pháp số 113.1 nhắc chúng ta rằng “Hội dòng chúng ta cũng học sống tính quốc tế của mình một cách đậm đà và sâu sắc hơn” bằng việc cổ vũ sự đa dạng trong thần học, linh đạo, các chương trình và cơ cấu đào tạo.

  1. Truyền giáo trong Bối cảnh đa văn hóa

Rõ ràng rằng một thế giới đa văn hóa không ngừng đặt ra một thách đố truyền giáo đặc biệt đối với một hội dòng truyền giáo quốc tế như Dòng Ngôi Lời. Trong việc biện phân làm thế nào để đáp trả đối với thách đố này, suy nghĩ trước hết có thể là về điều mà chúng ta có thể làm để chăm sóc cho những người chịu ảnh hưởng bởi sự toàn cầu hóa hay di dân. Một trong những đáp trả sẽ phải là tổ chức một thừa tác vụ đặc biệt (special ministry) cho những người di dân, những người tị nạn hay những người di cư. Một thừa tác vụ như thế sẽ bao hàm một vài chiều kích, vốn sẽ cố gắng chú tâm vào những nhu cầu phức tạp của những người đang di chuyển, ví dụ như những nhu cầu về những lĩnh vực kinh tế-xã hội-chính trị, về những lĩnh vực tâm lý-xã hội, về những lĩnh vực mục vụ-tôn giáo. Một sự đáp trả khác sẽ phải ăn khớp với những thừa tác vụ có liên quan như thừa tác vụ thành phố (urban ministry) (bởi vì hầu hết những người di dân và các người tị nạn được tìm thấy trong các thành phố), thừa tác vụ giữa những người phụ nữ (bởi vì phụ nữ tạo nên phần chính yếu của những người di dân và thường phải mang lấy những hệ quả nặng nề của sự di cư), đối thoại đại kết và liên đức tin (bởi vì sự di cư gom lại với nhau không chỉ những người thuộc các nền văn hóa khác nhau nhưng còn những người thuộc các tôn giáo khác nhau).

3.1. Cổ vũ một Giáo hội đa văn hóa

Nhưng bên cạnh thách đố về điều mà Giáo hội có thể làm cho những người di dân và tị nạn thông qua các hội dòng như Dòng Ngôi Lời, cũng có thách đố về điều mà Giáo hội có thể là hay nên là đối với những người di trú này. Và đối với Giáo hội, thách đố này là phải trở nên một Giáo hội đa văn hóa để trở nên một ngôi nhà cho những người thuộc các nền văn hóa khác nhau, một công cụ của đối thoại liên văn hóa, và một dấu chỉ của sự bao gồm tất cả trong Nước Thiên Chúa.

3.1.1. Ngôi nhà cho những người thuộc các nền văn hóa khác nhau

Một Giáo hội đa văn hóa sẽ được những người ngoại quốc xem không chỉ như một Giáo hội khoan dung hơn nhưng còn như một Giáo hội chào đón ân cần hơn. Và để cho Giáo hội trở nên chào đón ân cần hơn, ba yếu tố là thiết yếu,[18] đó là: một Giáo hội phải cổ vũ việc thừa nhận các nền văn hóa khác (nghĩa là cho phép nền văn hóa của những người di dân, những người nước ngoài hiện diện trong cộng đoàn), khuyến khích việc tôn trọng đối với sự khác biệt văn hóa (nghĩa là tránh bất kỳ sự cố làm khựng lại những khác biệt văn hóa bằng việc gọp các nền văn hóa thiểu số vào trong nền văn hóa có ưu thế hơn), đẩy mạnh sự tương tác lành mạnh giữa các nền văn hóa (nghĩa là cố gắng tạo ra một môi trường mà trong đó mỗi nền văn hóa chấp nhận được biến đổi hay được làm phong phú bởi nền văn hóa khác). Với những đặc điểm này, một Giáo hội đa văn hóa sẽ là một cộng đoàn mà nơi đó những người thuộc các nền văn hóa khác nhau sẽ cảm thấy họ thuộc về.

3.1.2. Công cụ của cuộc đối thoại liên văn hóa

Tuy nhiên, một Giáo hội đa văn hóa thật sự không thể tự giới hạn chính mình vào việc chỉ chăm sóc cho những người thuộc về cộng đoàn của mình, nghĩa là những người Kitô hữu hay công giáo ngoại quốc. Một Giáo hội đa văn hóa thật sự cũng phải nhìn vượt ra ngoài bản thân mình và chăm lo cho những người di dân, tị nạn và di cư không phải là Kitô hữu bằng cách trở thành một công cụ của sự đối thoại liên văn hóa trong xã hội rộng lớn hơn. Nó cần hướng đến việc tạo các điều kiện trong cộng đoàn nhân loại lớn hơn mà nơi đó ba yếu tố vừa nêu trên có thể được thực hiện, nghĩa là việc thừa nhận các nền văn hóa khác, việc tôn trọng sự khác biệt văn hóa, và sự tương tác lành mạnh giữa các nền văn hóa. Thông thường, điều này sẽ có nghĩa là việc đảm nhận một thừa tác vụ rộng hơn đối với các người di dân hay tị nạn, việc làm cho tiếng nói của họ về các luật di trú được lắng nghe, hay việc nói lên quan điểm về các quyền của những người di dân lao động. Nhưng trong mọi thời điểm, điều này sẽ có nghĩa là việc thúc đẩy cuộc đối thoại chân thành giữa những người thuộc các nền văn hóa khác nhau.

3.1.3. Dấu chỉ của sự bao gồm tất cả trong Nước Thiên Chúa

Một Giáo hội, vốn cổ vũ tính liên văn hóa thật sự bên trong nó và thúc đẩy cuộc đối thoại liên văn hóa bên ngoài bản thân nó, sẽ là một dấu chỉ khả tín thật sự của sự bao gồm tất cả trong Nước Thiên Chúa. Nó sẽ là bằng chứng cho tính phổ quát và cởi mở đối với sự đa dạng của Nước Thiên Chúa. Một bằng chứng như thế là đặc biệt cần thiết trong thời đại toàn cầu hóa. Bởi vì một mặt sự toàn cầu hóa hướng đến việc loại trừ và gạt ra bên lề những người nghèo và cô thân cô thế, nhưng mặt khác nó cũng hướng đến việc tạo ra sự đồng nhất, vốn xóa bỏ mọi sự khác biệt.[19] Một Giáo hội đa văn hóa sẽ là một lời công bố rằng Nước Thiên Chúa bao gồm tất cả mọi người và không loại trừ một ai, và rằng trong Giáo hội không có những người xa lạ hay ngoại kiều nhưng chỉ có các anh chị em. Nó sẽ là hình ảnh tập hợp phổ quát mọi người mà ngôn sứ Isaia nói đến: “Vì thế Đức Chúa phán: ‘Ta sẽ đến để tập hợp mọi quốc gia và ngôn ngữ; và họ sẽ đến và sẽ thấy vinh quang của Ta” (Is 66,18).

Tôi tin rằng đó là một phần trong sứ vụ truyền giáo của các hội dòng truyền giáo quốc tế như Dòng Ngôi Lời để giúp thúc đẩy một Giáo hội đa văn hóa thật sự. Với kinh nghiệm về tính quốc tế và đa văn hóa trong hàng ngũ của họ, các thành viên của họ sẽ được bố trí tốt để giúp tạo nên cuộc đối thoại và tương tác chân thành giữa những người thuộc các nền văn hóa khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, ơn gọi của họ như là tu sĩ đặt họ vào việc phục vụ Nước Thiên Chúa. Bởi vì trong Giáo hội, các tu sĩ là những chứng nhân chính thức cho Nước Thiên Chúa: họ là những chứng nhân cho Nước Thiên Chúa qua việc tuyên khấn – vừa theo nghĩa rằng đây là “sự tuyên khấn” của họ hay công việc hoặc vai trò hàng đầu của họ, vừa theo nghĩa rằng sự tuyên khấn của họ về các lời khuyên Phúc Âm làm cho họ thành những chứng nhân có đặc ân đối với Nước Thiên Chúa. Bởi vì, Vita Consecrata nói điều đó:

Trong viễn tượng này, ta hiểu rõ hơn vai trò của đời thánh hiến là làm dấu chỉ cánh chung. Quả thế, giáo lý vẫn trình bày đời sống này như là sự tiên báo về vương quốc đang đến. Công Đồng Vatican II lấy lại giáo huấn này khi khẳng định rằng sự thánh hiến “tiên báo cuộc phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời”.

3.2. Bốn lĩnh vực đối thoại ngôn sứ

Tổng tu nghị thứ 15 đã nói về sứ vụ của Dòng Ngôi Lời như là truyền giáo dưới dạng “bốn lĩnh vực đối thoại ngôn sứ” (fourfold prophetic dialogue) – với những người không có công đoàn đức tin và những người tìm kiếm đức tin (số 56-59), với những người nghèo và bị gạt ra bên lề xã hội (số 60-63), với những người thuộc các nền văn hóa khác (số 64-67), và với những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác và các ý thức hệ thế tục khác (số 68-71).

Việc giúp thúc đẩy một Giáo hội đa văn hóa đi theo hướng của lĩnh vực đối thoại thứ ba được nêu ở trên, nghĩa là lĩnh vực đối thoại với những người thuộc các nền văn hóa khác. Mặc dù, lĩnh vực đối thoại thứ ba đã có vẻ được bao hàm với tiến trình hội nhập văn hóa, việc thúc đẩy một Giáo hội đa văn hóa có thể là một yếu tố được thêm vào trong lĩnh vực đối thoại này. Sau hết, trong bối cảnh đa văn hóa, tiến trình hội nhập văn hóa sẽ cần không chỉ là một tiến trình đơn lẻ (cuộc gặp gỡ giữa Tin mừng và nền văn hóa của địa phương) nhưng là một tiến trình phức tạp (cuộc gặp gỡ giữa Tin mừng và các nền văn hóa khác nhau của một môi trường đa văn hóa riêng biệt). Vì thế, số 64 có vẻ ám chỉ đến thực tại này:

Ơn gọi của chúng ta đến với sứ vụ truyền giáo là ơn gọi đến với cuộc đối thoại ngôn sứ với những người thuộc các nền văn hóa khác để học hỏi từ và chia sẻ trong sự đa dạng về các hồng ân mà Chúa của sự sống ban tặng. Chúng ta cũng thừa nhận rằng mọi nền văn hóa cần cứu chuộc khỏi những yếu tố của tội lỗi và sự chết. Vì là những chứng nhân cho Triều Đại Thiên Chúa, chúng ta thúc đẩy một cuộc sống tạo ra sự gặp gỡ giữa Tin mừng và những môi trường văn hóa và đa văn hóa riêng biệt.[20]

Thật vậy, “đối thoại với những người thuộc các nền văn hóa khác” bao hàm không chỉ việc hội nhập văn hóa nhưng còn việc cố gắng thúc đẩy bên trong Giáo hội và xã hội sự thừa nhận các nền văn hóa khác, sự tôn trọng đối với sự khác biệt văn hóa và một sự tương tác lành mạnh giữa các nền văn hóa.

Nhưng việc thúc đẩy một Giáo hội đa văn hóa không chỉ liên quan đến lĩnh vực đối thoại thứ ba này, nó cũng liên quan cách đặc biệt với lĩnh vực đối thoại thứ hai và thứ tư – nghĩa là, lãnh vực đối thoại thứ hai: đối thoại với người nghèo và bị gạt ra bên lề xã hội (vì những người thuộc các nền văn hóa khác là những người di dân, tị nạn hay di cư), và lĩnh vực đối thoại thứ tư: đối thoại với những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác và các ý thức hệ thế tục (vì sự khác biệt về văn hóa cũng thường gây ra sự khác biệt về tôn giáo). Thậm chí, người ta có thể nói rằng việc thúc đẩy một Giáo hội đa văn hóa cũng liên quan đến lĩnh vực đối thoại thứ nhất, nghĩa là đối thoại với những người không có cộng đoàn đức tin và với những người tìm kiếm đức tin (vì người ta có thể phỏng đoán rằng cũng sẽ có những người như thế trong số những người di dân, tị nạn và di cư).

Theo một nghĩa nào đó, việc thúc đẩy một Giáo hội đa văn hóa là một cách thức đặc biệt để đảm nhận bốn lĩnh vực đối thoại ngôn sứ. Do đó, nó có thể được xem như sứ vụ đặc biệt đối với các thành viên Ngôi Lời. Việc thúc đẩy một Giáo hội đa văn hóa, như đã miêu tả ở trên, là một nhiệm vụ mà chúng ta cần thực hiện trong bốn tuyến đầu được Tổng tu nghị thứ 15 xác định: “ưu tiên cho việc Phúc Âm hóa và tái Phúc Âm hóa, dấn thân cho người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội, làm chứng xuyên văn hóa, và hiểu biết liên tôn giáo” (số 52).

  1. Mười luận điểm về tính liên văn hóa và Dòng Ngôi Lời

Tôi muốn kết luận bằng việc đưa ra “mười luận điểm” về tính liên văn hóa và Dòng Ngôi Lời mà tôi hy vọng sẽ tóm tắt những hiểu biết cơ bản hay những nguyên tắc liên quan đến tính quốc tế hay tính đa văn hóa như là một đặc điểm nền tảng của Dòng Ngôi Lời.

1) Tính quốc tế là một yếu tố nền tảng trong đoàn sủng truyền giáo của Dòng Ngôi Lời. Điều này có thể được xem xét không chỉ từ góc độ nghiên cứu lịch sử và sự phát triển của Hội dòng nhưng còn từ việc phân tích sự tự ý thức của Hội dòng như đã được thể hiện trong Hiến pháp. Việc trở nên thành viên Ngôi Lời đòi hỏi việc học cách làm thế nào để sống trong các cộng đoàn quốc tế và  cách làm thế nào để làm việc trong các nhóm đa văn hóa. Do đó, trong Dòng Ngôi Lời, tính quốc tế là một lý tưởng phải được tìm kiếm. Nó là một giá trị phải được thúc đẩy cách có ý thức trong các chương trình đào tạo cơ bản và trong các chương trình thường huấn của chúng ta, trong đời sống cộng đoàn của chúng ta, trong công việc truyền giáo của chúng ta, và trong việc quản trị cũng như lãnh đạo của Hội dòng chúng ta.

2) Tính quốc tế không chỉ xảy ra bằng việc đặt chung với nhau dưới cùng mái nhà những người thuộc các nền văn hóa khác nhau. Đúng hơn, nó là điều gì đó cần được tạo ra cách có ý thức, cần được thúc đẩy cách có chủ tâm, cần được chăm sóc cách cẩn thận và cần được nuôi dưỡng cách chăm chú. Nó đòi hỏi những cơ cấu cộng đoàn nào đó, một vài thái độ cá nhân cơ bản và một linh đạo truyền giáo mạnh mẽ.

3) Tính quốc tế đòi hỏi một chương trình đào tạo đặc biệt. Chương trình thực tập hải ngoại/chương trình thực tập xuyên văn hóa (OTP/CTP), các học viện thần học quốc tế hay các ngôi nhà đào tạo quốc tế, các nghiên cứu nhân chủng học văn hóa là một vài khả năng về mặt này. Cần phát triển hơn những chương trình đào tạo về tính quốc tế, đặc biệt cho những ai không có cơ hội để đến với chương trình OTP hay một chương trình đào tạo quốc tế.

4) Sự phân bổ nhân sự toàn cầu hay tập trung của Hội dòng cho phép hình thành các cộng đoàn quốc tế hay liên văn hóa trong nhiều vùng khác nhau của thế giới. Đặc biệt khi được thực hiện theo nguyên tắc quốc tế tương đối (cf. Hiến pháp 116.2), hệ thống phân bổ này bảo đảm kết cấu mang tính quốc tế hay đa văn hóa của các tỉnh dòng và miền dòng chúng ta.

5) Kết cấu quốc tế hay đa văn hóa của các tỉnh dòng và miền dòng chúng ta giúp tạo ra một “văn hóa về tính quốc tế” trong Hội dòng chúng ta, nghĩa là một môi trường mà nơi đó các anh em dường như cứ cho rằng bằng cách này hay cách khác và tại thời điểm này hay thời điểm khác họ sẽ phải sống và làm việc trong một bối cảnh quốc tế hay đa văn hóa. Điều này khuyến khích các ứng sinh và các anh em trẻ xin bài sai truyền giáo ở hải ngoại. Chừng nào mà các anh em vẫn còn muốn tình nguyện làm việc bên ngoài quốc gia hay văn hóa của họ, thì đặc tính quốc tế của Hội dòng chúng ta được bảo đảm.

6) Cộng đoàn quốc tế hay đa văn hóa thật sự cần có một “nền tảng địa phương,” nghĩa là các thành viên thuộc về văn hóa của địa phương ấy. Nếu không có nền tảng địa phương, cộng đoàn bao gồm các anh em từ nhiều quốc gia khác nhau sẽ vẫn còn là một sự hiện diện hoàn toàn xa lạ trong một quốc gia hay vùng truyền giáo. Nền tảng địa phương thường nối kết cộng đoàn với những thực tại phức tạp của nơi đó.

7) Thường không nên cho phép một hoàn cảnh mà trong đó một tỉnh dòng/miền dòng hay cộng đoàn bị giới hạn hay giảm thiểu vào việc chỉ có rất ít quốc tịch (hay hay ba). Sự phân cực có thể dễ dàng xảy ra nếu một tỉnh dòng/miền dòng hay cộng đoàn được tạo nên chỉ từ một vài nhóm quốc gia hay văn hóa. Và dĩ nhiên, sự phân cực có hại cho tính quốc tế lành mạnh hay tính đa văn hóa lành mạnh.

8) Tính quốc tế đã là sứ vụ truyền giáo. Nói cách khác, ngay cả trước khi chúng ta thực hiện bổn phận truyền giáo của chúng ta, chúng ta đã là các nhà truyền giáo bởi việc chúng ta hiện diện như là một cộng đoàn quốc tế. Thông qua đặc tính quốc tế của Hội dòng chúng ta, chúng ta làm chứng cho tính phổ quát của Giáo hội và sự thống nhất của mọi người. Chúng ta đang nói rằng Tình yêu Thiên Chúa không loại trừ một ai và rằng mọi người có một chỗ trong Giáo hội – bất chấp văn hóa, chủng tộc, ngôn ngữ hay quốc gia của họ. Đồng thời, chúng ta đem đến niềm hy vọng cho một thế giới ngày càng bị chia rẽ theo những khác biệt văn hóa và chi nhánh dân tộc.

9) Đặc tính quốc tế của chúng ta có được thêm một ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đang trở nên đa văn hóa không ngừng. Như là một hội dòng truyền giáo quốc tế, chúng ta xem nó là một phần sứ vụ truyền giáo của mình để thúc đẩy một Giáo hội đa văn hóa trong một thế giới đa văn hóa. Chúng ta làm như vậy bằng việc giúp thúc đẩy sự thừa nhận các nền văn hóa khác nhau, sự tôn trọng về sự khác biệt văn hóa và sự tương tác lành mạnh giữa các nền văn hóa trong Giáo hội và trong xã hội nói chung.

10) Đặc tính quốc tế của chúng ta đòi hỏi rằng việc đối thoại trở nên lối sống của chúng ta. Chúng ta càng trở nên quốc tế hơn thì chúng ta càng cần phải học cách đối thoại giữa chúng ta. Việc đối thoại “hướng nội” (ad intra) này làm cho chúng ta trở thành “những con người của đối thoại” và chuẩn bị cho chúng ta đảm nhận bốn lĩnh vực đối thoại ngôn sứ mà Tổng tu nghị thứ 15 đã xác định như là ơn gọi của Dòng Ngôi Lời chúng ta đối với sự vụ truyền giáo hôm nay. Như là một cộng đoàn bao gồm các anh em đến từ nhiều quốc gia và văn hóa khác nhau, chúng ta được mời gọi để đáp trả lại lời kêu gọi cho sứ vụ truyền giáo ở “bốn tuyến đầu: ưu tiên cho việc Phúc Âm hóa và tái Phúc Âm hóa, dấn thân cho người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội, làm chứng xuyên văn hóa, và hiểu biết liên tôn giáo” (số 52).

[1] cf. SVD, “Tuyên ngôn của Tổng tu nghị XV,” Trong đối thoại với Ngôi Lời, số 1, 09.2000.

[2] cf. IOM (International Organization for Migration), Những khuynh hướng di dân toàn cầu: Một kỷ nguyên di dân quốc tế (Global Migration Trends: An Era of International Migration), Geneva: IOM Publications, (http:www.iom.int).

[3] Cf. Michael Blume, Hiện tượng di dân toàn cầu (Il fenomeno globale dell’immigrazione), Pontificio Consiglio della Pastorale dei Migranti e degli Itineranti, itt à del Vaticano, 29.05.2000.

[4] cf. Robert Schreiter, Thừa tác vụ cho một giáo hội đa văn hóa (Ministry for a Multicultural Church), (http://www.sedos.org, Articles in English).

[5] cf. Những khuynh hướng di dân toàn cầu: Một kỷ nguyên di dân quốc tế (Global Migration Trends: An Era of International Migration).

[6] Ibid.

[7] Ibid.

[8] Ibid.

[9] Ibid.

[10] Ibid.

[11] cf. Carlos Pape, “Kinh nghiệm về tính quốc tế trong Dòng Ngôi Lời” (Esperienza di internazionalità nella Congregazione del Verbo Divino), Ngôi Lời trong Thế giới 2001-2002 (Il Verbo nel Mondo 2001-2002), Steyl: Editrice Steyl, 2002, 10-13.

[12] cf. Josef Alt, Hành trình đức tin: Cuộc đời truyền giáo của Arnold Janssen (Journey of Faith: The Missionary Life of Arnold Janssen), được dịch bởi Frank Mansfield và Jacqueline Mulberge, (Analecta SVD 85), Rome: Collegio Verbo Divino, 2002, 916tt.

[13] cf. “SVD Weltweit.” Steyler Missionare in Europa (und welweit), http://www.steyler.de

[14] cf. Fritz Bornemann, “Die Gesellschaft des Göttlichen Wortes – Ein internationaler Orden,” Steyler Missions-Chronik 1960/61, Steyl: Steyler Verlag, 1961, 183.

[15] Hình tượng này xuất phát từ Karl Rahner, “Hướng đến một giải thích thần học cơ bản về Công đồng Vatican II” (Towards a Fundamental Theological Interpretation of Vatican II), Theological Studies 40 (1979) 716-722.

[16] Carlos Pape, “Kinh nghiệm về tính quốc tế” (Esperienza di internazionalità), 11.

[17] Cf. Antonio Pernia, “Tính quốc tế và căn tính Dòng Ngôi Lời” (Internationality and SVD Identity), Verbum SVD 38 (1997) 45-61.

[18] Cf. Robert Schreiter, “Thừa tác vụ cho một Giáo hội đa văn hóa” (Ministry for a Multicultural Church).

[19] Cf. SVD, “Tuyên ngôn của Tổng tu nghị XV” (XV General Chapter Statement), số 48-51.

[20] Cf. ibid., số 64.

Lm. Antôn P. Nguyễn Thanh Hà, SVD chuyển ngữ

Bài trướcTin tháng 12/2016: Đệ Tử viện Ngôi Lời Việt Nam
Bài tiếp theoVideo Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đến TGP Huế để nhận sứ vụ mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây