Dòng Ngôi Lời – Thánh Lễ Khai Mạc Tổng Tu Nghị Thứ 18

0
302

THÁNH LỄ KHAI MẠC TỔNG TU NGHỊ THỨ 18

(Chúa nhật, ngày 17 tháng 6 năm 2018)

Lời dẫn vào Thánh lễ của cha Tổng quyền:

Như đã chia sẻ nhiều lần trong các năm qua, ngay sau những lần gặp gỡ đầu tiền, một tư tưởng đã đến trong tâm trí tôi và ở mãi cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của tôi và nó đã được xác nhận dần dần: Thế giới mà không có các dòng tu như Dòng Ngôi Lời sẽ là một nơi rất nghèo. Và chắc chắn điều này là thật sự đối với tất cả những quốc gia mà nơi đó chúng ta đang làm việc. Hôm nay chúng ta đến với nhau để khai mạc Tổng tu nghị thứ 18 của chúng ta, vốn đại diện cho hơn 6000 thành viên và nhiều cộng tác viên giáo dân từ khắp nơi trên thế giới. Chúng ta muốn cảm ơn Thiên Chúa Ba Ngôi về tất cả những gì mà chúng ta có thể đóng góp để làm phong phú thế giới này nhân danh Ngài. Đồng thời chúng ta tiếp tục tự vấn chính mình cách mới mẻ rằng đâu là nơi mà chúng ta có thể cắm rễ cách tốt hơn trong Lời của Ngài và dấn thân tốt hơn cho sứ vụ của Ngài, khi cho phép Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta. Chúng ta bắt đầu thánh lễ khai mạc này nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Thiên Chúa – Đấng trao ban mọi điều tốt lành”

Nhưng Ngài đã nói rõ ràng là phải sống thế nào, phải làm gì, điều gì Thiên Chúa đang chờ đợi nơi những người nam cũng như những người nữ.

Hoàn toàn đơn giản là: thực thi công bằng đối với người thân cận, quý yêu nhân nghĩa và trung thành trong tình yêu của anh chị em, và đừng lấy mình làm quan trọng – hãy lấy Thiên Chúa làm quan trọng. (x. Mk 6,8)

Bài giảng của cha Tổng quyền

Anh chị em thân mến,

  1. Hôm nay, vào lúc khai mạc Tổng tu nghị thứ 18 này, chúng ta đến với nhau để tạ ơn bằng cách mang đến những niềm vui, hi vọng và ưu sầu của tất cả các anh em và cộng tác viên của chúng ta trong các vùng truyền giáo từ khắp nơi trên thế giới. Khi hỏi các thành viên của chúng ta về đề tài Tổng tu nghị, phần đa đã cảm thấy cần có một cuộc canh tân thiêng liêng, vốn sẽ mang chúng ta trở về với Ngôi Lời như là suối nguồn cho sự cảm hứng và dấn thân của chúng ta. Bất kỳ sự biện phân và canh tân nào sẽ phải bắt đầu từ đây, khi trở về với động cơ chân thật của sứ vụ truyền giáo là tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta.
  2. Cùng với những cộng tác viên truyền giáo khắp thế giới của chúng ta, chúng ta được mời gọi đặt ra hai câu hỏi nền tảng: Điều gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm? Và chúng ta có thể xin điều gì với Thiên Chúa?

2.1 Câu hỏi thứ nhất: Điều gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm? Hãy luôn nhớ rằng chúng ta được mời gọi đến để chia sẻ sứ vụ của Thiên Chúa: Điều gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm trong tiến trình biện phân và canh tân này? Trong khi tìm kiếm câu trả lời, chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ nơi Đấng sáng lập của chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxicô và các bài đọc Kinh Thánh hôm nay.

Cuộc đời của Đấng sáng lập chúng ta là một chứng từ cho sự quan trọng của tiến trình luôn biện phân và canh tân này. Thánh Arnold Janssen nhắc nhở chúng ta: “Nguyện xin thánh ý Chúa luôn được thực hiện. Nếu công việc của chúng ta không phải là công việc của Chúa, tốt hơn là nó thất bại – và càng sớm càng tốt.” Một lần tôi hỏi tác giả quyển sách “Hành trình trong Đức Tin” (Journey in Faith), cha Josef Alt, điều gì đã đánh động ngài hơn hết về cuộc đời của cha thánh Arnold Janssen sau khi viết tiểu sử gần 1000 trang về Đấng sáng lập. Cha Alt đã nói rằng những điều đánh động nhất là “tính đơn sơ của cuộc đời cha thánh Arnold Janssen” và “niềm tin sâu sắc của ngài vào Thiên Chúa”, và mọi thứ khác đều là thứ yếu. Trong cuộc trao đổi về sau này, cha Alt đã thêm một điểm khác, đó là “tính kiên nhẫn.” Tính đơn sơ, đức tin sâu sắc và tính kiên nhẫn có thể là câu trả lời cho câu hỏi ‘Thiên Chúa muốn gì?’. Chúng là những đặc tính rất quan trọng của một hội dòng được canh tân.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Anh chị em […] cần phải nhìn toàn thể cuộc đời của mình như một sứ vụ. Hãy cố gắng làm thế qua việc lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện và nhận ra các dấu chỉ mà Ngài ban cho anh chị em. Hãy luôn cầu xin Chúa Thánh Thần điều mà Chúa Giêsu mong đợi ở anh chị em từng giây phút của cuộc đời anh chị em và trong mỗi quyết định của anh chị em, để phân biệt vị trí của nó trong sứ vụ mà anh chị em đa nhận được…” [Gaudete et Exsultate (GE) 23]. Chúng ta biết việc đòi hỏi một tiến trình biện phân và canh tân có thể là thế nào, và đối với chúng ta như là những tu sĩ truyền giáo và cũng đối với những người khác, không có một con đường nào khác hơn để tiếp tục biện phân thánh ý của Thiên Chúa trong tất cả cuộc sống, kế hoạch và hành động của chúng ta. Đơn giản hóa, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh ba cột trụ chính yếu của bất kỳ tiến trình canh tân nào đối với Giáo hội, vốn cũng quan trọng như vậy đối với bất kỳ hội dòng nào: Trước hết, chúng ta phải đặt Chúa Giêsu/Tin mừng trở lại trung tâm; thứ hai, một cuộc hoán cải thật sự, một cuộc thay đổi hoàn toàn phải diễn ra, khi nhìn vào Chúa một lần nữa để được định hướng và hướng dẫn trên đường; và thứ ba, cuộc gặp gỡ canh tân này với Chúa phải có một ảnh hưởng trên cách thức mà chúng ta sống, lên kế hoạch và dấn thân trong sứ vụ truyền giáo nhân danh Ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng “sự biện phân trong cầu nguyện đòi buộc chúng ta phải bắt đầu từ một lòng sẵn sàng lắng nghe: lắng nghe Chúa, lắng nghe người khác, và lắng nghe chính thực tại, là những gì luôn luôn thách đố chúng ta bằng những cách mới mẻ. … Bằng cách này, chúng ta sẵn sàng chấp nhận ơn gọi, là điều có thể phá vỡ sự an toàn của chúng ta, nhưng dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.” (GE 172)

Khi sống với Ngôi Lời ở trung tâm cuộc sống của chúng ta, khi cắm rễ trong Lời Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều câu trả lời hơn cho câu hỏi “điều gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm” mỗi khi chúng ta chia sẻ Lời Chúa. Các bài đọc hôm nay thích hợp với đề tài Tổng tu nghị. Mỗi bài đọc có một sứ điệp chuyên biệt trong bối cảnh của tiến trình canh tân: Trong bài đọc I, ngôn sứ Êdêkien (Ed 17,22-24) lấy một minh họa từ thiên nhiên. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng Chúa, không phải chúng ta, là chủ sở hữu của mọi thứ đang tồn tại. Chúa vẫn kiểm soát bất kỳ sự phát triển nào. Ngài đảo ngược mọi thứ nếu thấy sự thay đổi là cần thiết. Ngài có thể ban sự sống trở lại cho những gì đã trở nên vô hồn và chết. – Thánh vịnh gia (Tv 92) nói với chúng ta rằng việc cảm tạ Chúa là điều tốt và thánh vịnh gia cũng nhắc nhở chúng ta rằng điều gì tốt nơi cuộc sống thì Chúa nâng đỡ, và điều gì không tốt thì Chúa cho chết và biến mất. Thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi cho tín hữu Côrintô (2Cr 5,6-10) chia sẻ một vài yếu tố thiết yếu trong cách thức canh tân với Chúa. Điều Thiên Chúa muốn chúng ta làm là luôn can đảm … “bước đi bằng đức tin, chứ không phải nhờ được thấy Chúa” … và “khao khát làm đẹp lòng Ngài” … Thánh sử Mác-cô trong dụ ngôn hạt giống mọc lên (Mc 4,26-34) muốn chúng ta tái khám phá mầu nhiệm về việc Triều Đại Thiên Chúa phát triển thế nào. Giống như hạt sống được gieo, Lời Thiên Chúa phải được rao giảng liên tục – Nó sẽ phát triển và sinh hoa kết trái mặc dù chúng ta không biết thế nào. Giống như hạt cải, sự đóng góp của chúng ta có thể có vẻ nhỏ bé nhưng Thiên Chúa làm cho điều gì nhỏ bé trở nên lớn mạnh và trao ban sự sống.

Trong bất kỳ tiến trình biện phân và canh tân nào, chúng ta có thể cần nhớ rằng linh đạo và đời sống cầu nguyện của chúng ta cần phần được thách đố bởi thế giới và cuộc sống bên ngoài các bức tường và biên giới của chúng ta. Đây là một lời mời gọi phát triển gần gũi với Thiên Chúa Ba Ngôi, và đồng thời gần gũi với dân chúng và thế giới. Một chiều kích có một không hai hướng chúng ta đến một cái nhìn giản lược về linh đạo [Những định hướng (CD), 27]. Theo lối này, chúng ta sẽ thấy cần phải thay đổi:

Trong linh đạo của chúng ta, có thể có nhu cầu hoán cải theo hình ảnh mới mẻ và đầy chất Kinh Thánh hơn về Thiên Chúa. Trong cộng đoàn, một cuộc hoán cải là cần thiết đối với những gì chúng ta có và chúng ta làm chung hơn là chỉ những gì chúng ta muốn làm một mình. Ban lãnh đạo cũng cần một sự hoán cải đối với việc lãnh trách nhiệm, phục vụ và tín thác. Đối với tài chính, cần có một cuộc hoán cải về sự minh bạch, liên đới, và chuyên nghiệp. Và trong bối cảnh đào tạo cơ bản và thường huấn, cuộc hoán cải đối diện với thách đố làm biến đổi các thói quen và học cách suy nghĩ không rập khuôn.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chúng ta nên tránh tính tự mãn và ngài tiếp tục rằng “nó cho chúng ta biết rằng không có lý do gì để cố gắng thay đổi sự việc, rằng chúng ta không thể làm gì được trước hoàn cảnh này, bởi vì đây là cách mà mọi sự vẫn luôn như thế và chúng ta phải tiếp tục làm như vậy. Nhờ thói quen chúng ta không còn phải đương đầu với sự dữ và ‘để mọi sự xảy ra như thường’, hoặc như người nào khác đã quyết định rằng chúng phải như thế. Tuy nhiên, chúng ta hãy để Chúa đến đánh thức chúng ta khỏi cơn mê của mình, để giải phóng chúng ta khỏi tính ù lỳ! Chúng ta hãy đương đầu với thói quen của mình; hãy mở mắt ra, mở tai ra, và trên hết mở lòng mình ra, để chúng ta có thể được kích động bởi những gì xảy ra chung quanh mình và bởi tiếng kêu gọi của Lời Hằng Sống và hiệu quả của Chúa Phục Sinh.” (GE 137)

2.2 Sau khi hỏi “Điều gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm?”, chúng ta có thể hỏi câu thứ hai “Chúng ta có thể xin điều gì với Thiên Chúa?” Chúng ta (tôi) cần điều gì, khi nhìn vào thế giới của chúng ta hôm nay, vào giáo hội, và vào hội dòng chúng ta? Khi đặt câu hỏi này cho nhiều cộng đoàn ở khắp nơi trên thế giới trong những năm qua, tôi đã nhận được nhiều câu trả lời khác nhau.

* Tại Nam Sudan: người dân đã xin sự chữa lành và hòa giải sau nhiều thập niên chiến tranh;

* Tại Nicaragua, Braxin, Colombia, và Venezuela: người dân đã cầu nguyện cho hòa bình và việc chấm dứt bạo lực;

* Tại Philippines/Indonesia/Trung Quốc/Việt Nam: người dân đã mong muốn những nhà lãnh đạo trung thực và thành thật;

* Các nạn nhân của tệ nạn buôn người, những người sống chung với HIV/AIDS ở khắp nơi trên thế giới đang mong mỏi công lý, sự không thiên vị và lòng thương xót;

* Tại Slovakia, Ucraina, Latvia, Albania, và Croatia: nhiều người đang tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống sau những thập niên sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

* Tại Hungary: một cô gái trẻ đã đứng lên trong thánh lễ và đã nhắc khán thính giả rằng chúng ta cần tình yêu hơn nữa trong các gia đình của chúng ta và cần phải học lại cách tin tưởng;

* Tại một số nước Tây Âu như Đức, Áo, Hà Lan, Anh, và Ai-len chẳng hạn: nhiều người thiếu những tình bạn chân thật, cũng như sự trung thành và tính kiên nhẫn trong các mối tương quan của họ. Những người khác nói rằng việc học lại niềm tin, có niềm hy vọng và thực hành tình liên đới lớn hơn sẽ là một phúc lành;

* Tại Ấn Độ: một người giáo dân làm lãnh đạo đã nói với  trong thánh lễ: “Cám ơn về việc gửi các nhà truyền giáo của cha đến đây. Từ khi họ ở với chúng tôi, chúng tôi đã bỏ việc uống rượu, đánh nhau và giết lẫn nhau. Chúng tôi đã học cách hòa giải và tha thứ. Những con em chúng tôi đang đến trường; chúng tôi tiếp cận với nguồn nước uống được và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mọi thứ đã thay đổi theo hướng tốt hơn. Họ đang phục vụ cách đáng kinh ngạc và vô vị lợi.

Nhìn vào tình trạng môi trường của chúng ta, nhu cầu khẩn thiết về việc chăm sóc và quan tâm hơn nữa đối với công trình tạo dựng của Thiên Chúa đã trở nên càng rõ ràng đối với nhiều người mà chúng ta đang làm việc với họ ở khắp nơi trên thế giới.

Trong năm lòng thương xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng trong tiến trình hoán cải và canh tân chúng ta có thể cầu xin Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót sự tha thứ và hồng ân tha thứ cho nhau.

Vào thời điểm khai mạc Tổng tu nghị thứ 18, chúng ta cũng có thể tự vấn chính mình: “Chúng ta có thể cầu xin điều gì với Thiên Chúa như là những cá nhân, như là những cộng đoàn và như là một hội dòng, cho chính chúng ta và cho tất cả những ai mà chúng ta đang đồng hành với họ trong sứ vụ truyền giáo của chúng ta trên hơn 80 quốc gia ở khắp nơi trên thế giới?”

  1. Nhìn vào các câu trả lời từ nhiều người trên thế giới, chúng ta có thể nhận ra rằng tất cả những gì chúng ta có thể cầu xin với Thiên Chúa thật quan trọng biết bao – chẳng hạn như hòa bình, công lý, tính chân thật, tính xác thực, sự dấn thân, sự hòa giải, sự tha thứ, lòng thương xót, lòng thương cảm, sự chữa lành, ý nghĩa, tình yêu, tình bạn, sự đơn sơ, sự trung thành, tính kiên nhẫn, niềm hy vọng, những khởi đầu mới, và cuộc sống mới. Chúng ta không thể làm việc hay sống mà không có chúng. Chúng ta cũng có thể nhận ra rằng tất cả những điều này là vô giá và không thể mua được bằng tiền. Điều rất quan trọng trong cuộc sống là vô giá và không thể được mua bằng tiền. Chắc chắn chúng ta phải làm phận vụ của mình, và cuối cùng tất cả những điều này là quà tặng đích thực được trao ban cho những ai cầu xin Thiên Chúa. Đó là tại sao, với tư cách các nhà truyền giáo, chúng ta tiếp tục chia sẻ và kể lại câu chuyện về Thiên Chúa, Đấng trao ban ân sủng và mọi điều tốt lành. Và đó là lý do tại sao mà công việc truyền giáo là và sẽ vẫn mãi là quan trọng khi nó được canh tân, được thúc bách bởi tình yêu, được cắm rễ trong Lời của Thiên Chúa, và được gắn liền với sứ vụ của Ngài.
  2. Cuối cùng, Đấng sáng lập chúng ta nhắc nhở chúng ta về mục tiêu của Hội dòng chúng ta. Ngài nói: “Mục tiêu là cố gắng rằng Hội dòng như là một toàn thể và nơi từng thành viên phải thực hiện cách trung thành thánh ý của Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi trước hết sự thánh hóa hơn nữa của các thành viên và thứ hai là Hội dòng cố gắng trở thành một khí cụ có khả năng hơn nữa và hữu dụng hơn nữa.” [… Bằng cách này, sẽ có thể cổ võ việc tôn vinh Chúa Ba Ngôi, và đặc biệt là Chúa Thánh Thần, ngày càng hơn nữa, sẽ có thể truyền bá Lời Chúa trên trái đất và qua đó tình yêu Thiên Chúa, tình yêu nhân đức Kitô giáo và các kho tàng ân sủng to lớn của Triều đại Thiên Chúa.][Gửi cho các Linh mục và Tu huynh tại Argentina và Braxin, St. Wendel, 3.12.1901 (Arnold Janssen Reader, 2017, mục 321)] Đây cũng là mục tiêu của việc canh tân được hình dung của chúng ta.

Nhân danh Hội dòng, tôi muốn cám ơn tất cả các anh chị em, các anh em trong dòng thân mến, các sơ, các cộng tác viên giáo dân, các ân nhân và cộng sự viên, đang hiện diện ở đây hay đang theo dõi qua mạng, về tất cả những vai trò mà các anh chị em đang nắm giữ và về tất cả những gì anh chị em đang làm. Đó chính là sứ mạng của Thiên Chúa mà chúng ta được mời gọi đến để chia sẻ. Chúng ta cầu xin Ba Ngôi Thiên Chúa cách rất đặc biệt về sự hiện diện và hướng dẫn của Ngài trong suốt Tổng tu nghị này và trong thời gian sắp tới. Chúng ta hãy cầu nguyện cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn không ngần ngại khi Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta tiến lên một bước.” (GE 139).

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD 

Trưởng ban dịch thuật chuyển ngữ

Bài trướcThánh Lễ Khấn Trọn Đời – Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam 14/6/2018
Bài tiếp theoDòng Ngôi Lời – Sứ Điệp của Cha Tổng Quyền về Tổng Tu Nghị thứ 18

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây